Đánh giá hiệu quả chương trình khuyến công ở vùng đồng bào dân tộc

Nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công đã phát huy tốt vai trò khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, mở ra cơ hội cho đồng bào các dân tộc tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn.
chương trình khuyến công
Hộ kinh doanh Lý Văn Hùng ở thị trấn Nà Phặc được hỗ trợ đầu tư máy phay mộng 5 động cơ

Hỗ trợ công nghiệp nông thôn

Trong những năm qua của Bắc Kạn đã tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm mà tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, như chế biến nông, lâm sản. Trong đó, tập trung hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao công nghệ sản xuất, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ thuê tư vấn trợ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn trong sản xuất, kinh doanh. Nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công đã phát huy tốt vai trò khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, mở ra cơ hội cho đồng bào các dân tộc tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Kạn được giao thực hiện 13 đề án, nhiệm vụ khuyến công, tổng kinh phí thực hiện năm 2022 là 2.196 triệu đồng (khuyến công quốc gia hỗ trợ: 1.700 triệu đồng, khuyến công địa phương hỗ trợ: 496 triệu đồng). Kế hoạch năm 2023 được giao 10 đề án, nhiệm vụ khuyến công, kinh phí 1.942 triệu đồng (khuyến công quốc gia 1.420 triệu đồng, khuyến công địa phương 500 triệu đồng).

Theo ông Nguyễn Tiến Cương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, chính sách khuyến công thời gian qua đã được Sở Công Thương Bắc Kạn triển khai đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên toàn tỉnh từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. Mặc dù còn một số khó khăn do công tác tuyên truyền chính sách chưa thật sự đa dạng về hình thức; công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đôi lúc chưa thật sự chủ động, kịp thời; một số cơ sở công nghiệp nông thôn còn hạn chế về năng lực, lúng túng trong việc triển khai đề án,... Công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đã phát huy vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn có ưu thế của địa phương.

Hiệu quả chương trình khuyến công

Quan trọng hơn, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Kạn không chỉ làm tốt công tác tư vấn công nghiệp, hỗ trợ cơ sở sản xuất đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ mới, mà còn quan tâm kiểm tra đánh giá hiệu quả từ việc thụ hưởng chương trình khuyến công; tác động từ chương trình khuyến công đến phát triển công nghiệp nông thôn tại các địa phương ở vùng đồng bào các dân tộc.

Ngày 12 tháng 6 năm 2023 Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã phối hợp với UBND huyện Bạch Thông, UBND xã Tân Tú và Hợp tác xã Phi Đoàn tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả Đề án khuyến công địa phương năm 2022 tại Hợp tác xã Phi Đoàn, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông. Xã Tân Tú có 18 thôn, bản: Nà Bản, Nà Xe, Nà Hoan, Cốc Pái, Còi Mò, Lạnh, Nà Còi, Cốc Nao, Nà Tà, Phiêng Mòn, Pò Đeng, Pác Kéo, Mới, Nà Lầu, Quan Làng, Cốc Bây, Nà Phát, Khuổi Sha, là nơi cư trú của đồng các dân tộc Tày, Dao, Nùng…

Hợp tác xã Phi Đoàn được hỗ trợ đầu tư 01 máy cắt CNC EMC-1600/20plus theo đề án khuyến công địa phương năm 2022 “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất sản phẩm phụ tùng cơ khí”. Theo đó, Hợp tác xã Phi Đoàn được hỗ trợ đầu tư 01 máy cắt CNC EMC-1600/20plus, kinh phí hỗ trợ 75 triệu đồng.

Qua kiểm tra thực tế các máy móc, thiết bị tại thời điểm kiểm tra đang được đơn vị quản lý, vận hành tốt. Theo báo cáo của đại diện Hợp tác xã, việc hỗ trợ ứng dụng máy móc đã tạo điều kiện cho Hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất (sau khi đầu tư máy móc thiết bị sản xuất đã giúp cho quá trình gia công, sản xuất và sửa chữa được chủ động, nhanh chóng và chính xác cao hơn), sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt hơn và giá thành giảm được 10%. Sản lượng sản phẩm/năm của Hợp tác xã khoảng 400 bộ bánh lồng cày bừa, 80 bộ thùng móc kéo (tăng gấp đôi sản lượng so với trước khi được đề án khuyến công hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị). Đây là hoạt động đầu tư rất thiết thực giúp Hợp tác xã đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển các sản phẩm cả về số lượng, chất lượng. Hoạt động đầu tư sản xuất của Hợp tác xã từ giữa năm 2022 đến nay, đạt doanh thu khoảng 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 250 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước được 30 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân là 6-8 triệu đồng/người tháng.

Tiếp đó, ngày 14 tháng 6 năm 2023 Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã phối hợp với UBND huyện Ngân Sơn, UBND thị trấn Nà Phặc và Hộ kinh doanh Lý Văn Hùng. Thị trấn Nà Phặc được chia thành các tổ dân phố và thôn bản, gồm: I, II, III, Công Quản, Mạch, Hùa, Bó Danh, Cốc Pái, Cầy, Nà Khoang, Nà Này, Nà Pán, Cốc Tào, Nà Tò, Nà Kèng, Nà Duồng, Nà Làn, Nà Nọi, Sáo Sào, Lũng Nhá, Mảy Van, Phia Cháng, Khuổi Luông, Phia Đắng, Cốc Sả, Lũng Rịa. Trong đó người Tày chiếm 51,58% dân số, người Kinh chiếm 11,21% dân số, người Mông chiếm 14,9% dân số, người Nùng chiếm 13,99% dân số, người Dao chiếm 7,45%, các dân tộc khác chiếm khoảng 9% dân số thị trấn. Đại bộ phận người dân vẫn canh tác cây lương thực ( lúa, ngô, hoa màu,…) và trồng rừng nguyên liệu nên hình thành các khu dân cư ven suối, thung lũng. Một số khác hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Xem thêm: "Công tác khuyến công xác lập những bước đi quan trọng" trên Tạp chí Công Thương tại đây

Theo đề án khuyến công địa phương 2022 “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ mộc gia dụng”, hộ kinh doanh Lý Văn Hùng  được hỗ trợ đầu tư ứng dụng 01 máy Máy Phay Mộng 5 Động Cơ. Qua kiểm tra thực tế máy móc, thiết bị tại thời điểm kiểm tra đang được đơn vị quản lý, vận hành tốt, việc hỗ trợ ứng dụng máy móc đã tạo điều kiện cho hộ kinh doanh tăng thêm 30% công suất và chất lượng sản phẩm, giảm giá thành tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động thường xuyên với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng. Đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người lao động địa phương cung cấp nguyên liệu sản xuất từ gỗ rừng trồng cho hộ kinh doanh (khoảng 100m3 gỗ rừng trồng nguyên liệu/năm, giá thu mua bình quân khoảng 3-5 triệu đồng/m3). Sản phẩm của hộ kinh doanh là đồ mộc nội thất (bàn, ghế, gường, tủ...) thị trường tiêu thụ trong tỉnh. Hoạt động đầu tư sản xuất của hộ kinh doanh từ cuối năm 2022 đến nay, đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng.

 Qua các cuộc kiểm tra đánh giá, đề án khuyến công địa phương cho thấy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn  đã có những hiệu quả nhất định trong việc duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương. Trên cơ sở đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương Bắc Kạn cũng đã đề xuất một số kiến nghị:  UBND huyện, xã, thị trấn tiếp tục quan tâm, theo dõi tình hình sử dụng máy móc thiết bị được hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh duy trì tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, lao động, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cũng khuyến nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phát huy hiệu quả máy móc, thiết bị đã được hỗ trợ từ đề án khuyến công phục vụ hoạt động sản xuất; Trong thời gian tối thiểu 2 năm kể từ thời điểm nghiệm thu bàn giao, các cơ sở sản xuất kinh doanh  không được tự ý bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn hoặc cầm cố máy móc thiết bị được hỗ trợ; Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, giải trình với các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến các thủ tục và việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị bền vững; cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm, chú trọng tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu sản phẩm, an toàn lao động, PCCC đồng thời chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển thương mại điện tử; Quan tâm chất lượng nguồn nhân sự, nguồn lao động tại địa phương. Thực hiện việc quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Cao Đăng Dũng