Trước khi thông qua lệnh cấm xuất khẩu đường trên, ECC đã tổ chức một phiên họp trong ngày 28/8. Tại cuộc họp này, Bộ An ninh Lương thực Quốc gia Pakistan (MNFSR) đã đề xuất việc hủy hạn ngạch xuất khẩu đường kèm lệnh cấm xuất khẩu đường trong bối cảnh giá đường tại Pakistan đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 170 Rs/kg (tương đương 0,56 USD/kg).
Tính riêng trong tháng 8 này, giá đường tại một số khu vực của Pakistan đã tăng thêm tới 17%, gây áp lực lớn lên vấn đề kiểm soát giá cả thực phẩm nói riêng và lạm phát nói chung. Thậm chí, tại tỉnh Sindh - một trong những vùng trồng mía đường lớn nhất Pakistan, chính quyền địa phương đã phải nâng giá thu mua mía chỉ định lên mức 425 Rs/40 kg, tăng tới 41% so với cùng kỳ năm trước.
Giá đường liên tục tăng đã buộc MNFSR đưa ra đề xuất ấn định mức trần giá đường ở mức 98,82 Rs/kg. Tuy nhiên, biện pháp này đã bị Toà Tối cao Pakistan phản đối và buộc huỷ bỏ.
Giá đường tại Pakistan đã bắt đầu tăng từ hồi tháng 4/2023 do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Tính đến ngày 15/8, lượng tồn kho đường của nước này đạt 2,27 triệu tấn. Đây được xem là mức tương đối cao nhờ vụ mía 2022/2023 bội thu và lượng dự trữ từ niên vụ trước. Tuy nhiên, một số cơ quan chức năng của Pakistan nhận định lượng dự trữ này khó có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cho đến khi bước vào vụ ép mía tiếp theo.
Giới phân tích nhận định, mặc dù Pakistan không phải là quốc gia có vai trò lớn trên thị trường đường quốc tế nhưng việc nước này áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu đường đang phát đi “tín hiệu báo động” đối với các nhà nhập khẩu vốn đang trong trạng thái thiếu hụt nguồn cung.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters cho biết Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/2024 - bắt đầu từ tháng 10/2023, chủ yếu do lo ngại mưa giảm sẽ tác động tiêu cực đến năng suất mía. Đánh dấu lần đầu tiên Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này sau 7 năm.
Trên thị trường quốc tế, giá đường thế giới đang tiếp tục neo ở mức cao. Hồi tháng 4 vừa qua, giá đường thế giới đã lập đỉnh cao nhất 10 năm trở lại đây khi dữ liệu cho thấy sản lượng đường của Ấn Độ trong niên vụ này giảm 5% so với niên vụ trước, và lượng đường xuất khẩu của nước này cũng giảm 46%. Theo đánh giá của SSI Research, những động thái siết chặt nguồn cung đường ra thị trường quốc tế của một số quốc gia thời gian gần đây có khả năng sẽ đẩy giá đường thế giới tăng lên trong niên vụ 2023/2024.