Đánh giá trách nhiệm công vụ của công chức - yêu cầu cần thiết trong nền công vụ

ThS. PHẠM HUY TIẾN (Khoa Luật, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Hiện nay, trách nhiệm công vụ không ngừng được nâng cao và thể hiện bản lĩnh của công chức trong quá trình thực thi công vụ, tuy vậy trách nhiệm công vụ chưa được quy định cụ thể. Trên cơ sở phân tích, tổng hợp, bài viết tập trung phân tích vai trò của trách nhiệm công vụ gắn liền với đánh giá trách nhiệm công vụ của công chức, từ đó đề xuất một số giải pháp để chuẩn hóa trách nhiệm công vụ, nhằm góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.

Từ khóa: trách nhiệm công vụ, công chức, công vụ, đánh giá.

1. Đặt vấn đề

Công chức là chủ thể trung tâm cho quá trình thực thi các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Chính vì vậy, phần lớn các hoạt động của công chức đề mang tính quyền lực Nhà nước, thay mặt Nhà nước để thực thi các nhiệm vụ được giao. Vì tính chất công vụ đó, nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công chức cần thể hiện tính trách nhiệm của cá nhân xuyên suốt trong hoạt động hay nói cách khác đó là trách nhiệm công vụ. Trách nhiệm công vụ cần được đảm bảo thông quá việc kiểm soát và đánh giá hoạt động của công chức nhằm đảm bảo quá trình thực thi quyền lực nhà nước đúng quy định, đúng đường lối.

Các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua đội ngũ công chức. Tại khoản 2, Điều 4, Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 đưa ra khái niệm công chức như sau: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội Nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an Nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, trong biên chế và hưởng lương ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”. [4]

Công chức là người chủ yếu thực thi các hoạt động pháp luật, quản lý mọi mặt đời sống xã hội, nhân dân, là lực lượng nòng cốt giữ vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến đội ngũ công chức trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, việc củng cố, nâng cao trách nhiệm công vụ là một đòi hỏi bức thiết để đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ công chức Nhà nước.

Hiện nay, chưa có khái niệm hay định nghĩa chính thức về trách nhiệm công vụ của công chức. Do vậy, có một số quan niệm về trách nhiệm công vụ [8] như sau:

Thứ nhất, trách nhiệm công vụ có thể hiểu đó là nghĩa vụ phải thực hiện, hoàn thành một cách đầy đủ nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, trách nhiệm công vụ có thể hiểu đó là sự bất lợi hay thiệt hại mà công chức phải gánh chịu do thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao.

Từ quan niệm trên cho thấy, tựu chung lại trách nhiệm công vụ được đặt ra là một nghĩa vụ trong hoạt động của công chức gắn liền với lợi ích mà công chức có thể đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thời gian qua, trách nhiệm công vụ chưa được cụ thể hóa rõ ràng mà thường thể hiện thông quá sự đánh giá chung nhất là từ hoàn thành nhiệm vụ cho đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính vì không được quy chuẩn hóa rõ ràng nên rất khó ràng buộc và đánh giá khả năng trách nhiệm công vụ của mỗi công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở phân tích, tổng hợp bài viết sẽ tập trung phân tích vai trò của trách nhiệm công vụ trong nền công vụ gắn liền với đánh giá thực thi công vụ của công chức và từ đó đề xuất một số giải pháp để chuẩn hóa trách nhiệm công vụ, nhằm góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.

2. Tiêu chí về trách nhiệm công vụ trong văn bản pháp luật và thực trạng đánh giá trách nhiệm công vụ của công chức

2.1. Tiêu chí về trách nhiệm công vụ của công chức trong văn bản pháp luật

Trách nhiệm công vụ có thể hiểu đó là nghĩa vụ mà công chức phải thực hiện xuyên suốt quá trình hoạt động của mình. Nghĩa vụ của công chức được quy định từ Điều 8 đến Điều 10 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nghĩa vụ của công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

+ Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.

+ Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.

+ Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.

+ Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, nghĩa vụ của công chức trong thi hành công vụ.

+ Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

+ Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.

+ Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

+ Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.

+ Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành cần có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Thứ ba, nghĩa vụ của công chức là người đứng đầu. Công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bên cạnh phải thực hiện nghĩa vụ như nêu trên còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

+ Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+ Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức;

+ Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+ Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân;

+ Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

+ Từ các nội dung quy định trên có thể thấy, trách nhiệm hay nghĩa vụ của công chức trong quá trình thực hiện công vụ đã được quy định và đây có thể xem là cơ sở đánh giá trách nhiệm của công chức trong suốt quá trình thực hiện công vụ.

2.2. Thực trạng về đánh giá trách nhiệm công vụ của công chức

Thứ nhất, việc đánh giá trách nhiệm công vụ của công chức vẫn chưa có văn bản cụ thể, chuyên biệt với những tiêu chí đánh giá rõ ràng để xác định trách nhiệm công vụ của công chức gắn liền một cách có hiệu quả các nghĩa vụ mà công chức phải thực hiện. Thông thường việc đánh giá trách nhiệm công vụ của công chức thường được lồng ghép vào quá trình đánh giá và phân loại công chức hàng năm và thường được hiểu đó đồng nghĩa với đánh giá quá trình thực thi công vụ.

Trong đó tiêu chí đánh giá vẫn còn mang tính chung chung, không có lượng hóa, cụ thể hóa. Điều này đã dẫn đến việc không có tiêu chí rõ ràng trong việc đánh giá một cách cụ thể khi hoàn tất nhiệm vụ thì xác định rõ ràng ở mức nào? Tốt hay còn hạn chế? Và từ đó cũng không có cơ sở vững chắc đảm bảo tính công bằng trong quá trình đánh giá công chức, dễ dẫn đến tình trạng tính “số lượng” công việc để đánh giá hiệu quả mà không tính đến “chất lượng” công việc của công chức đó. Chính vì vậy, việc đánh giá mức độ trách nhiệm của công chức cũng chưa thực sự rõ ràng, nhất là về tính chủ động trong công vụ.

Thứ hai, đến nay việc đánh giá công chức hiện nay vẫn còn “dĩ hòa vi quý”, ngại đụng chạm nên dẫn đến việc nể nang, ngại nói thật, nên việc đánh giá công chức nói chung và đánh giá thực thi công việc nói riêng vẫn mang nặng tính hình thức; cơ bản không vi phạm kỷ luật, không vi phạm pháp luật thì đều được đánh giá là từ mức hoàn thành tốt nhiệm vụ đồng nghĩa với việc đánh giá trách nhiệm công vụ cũng được đánh giá tốt.

Do đó, kết quả đánh giá và phân loại công chức hàng năm chưa phản ánh đầy đủ, chính xác trách nhiệm công vụ của công chức. Dẫn đến tâm lý chây ì, không phấn đấu trong công việc, không có những sáng kiến cũng như củng cố thêm kiến thức để nâng cao hiệu quả trong công tác, nên không tạo được động lực làm việc cho công chức, không cần phải phấn đấu vẫn được đánh giá thực thi công vụ tốt hoặc thậm chí là xuất sắc, vô hình chung cũng xem là có trách nhiệm cao trong công vụ. Do vậy, không tạo được động lực cho công chức trong quá trình thực thi công vụ của mình nên tinh thần trách nhiệm thường hướng tới  làm vừa đủ, ngại thay đổi vì dễ dẫn đến sai sót và bị đánh giá về trách nhiệm. Điều này dẫn đến hệ quả công chức không có thiết tha, nhiệt tâm trong công việc và thường có tư tưởng làm bình thường, xong chuyện cũng không ảnh hưởng gì mà có cố gắng thì dễ sai lầm.

3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả đánh giá thực thi công vụ của công chức

3.1.  Lượng hóa trách nhiệm công vụ thông qua một số nội dung đánh giá

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể các tiêu chí để đánh giá kết quả, hiệu quả trong quá trình thực thi công vụ của công chức. Do đó, đòi hỏi bức thiết bây giờ cần có khung quy định về những nhiệm vụ cụ thể của công chức đảm nhận vị trí công việc đó. Bên cạnh đó, cần có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng và định lượng chất lượng công việc của công chức mới đảm bảo tính khách quan, công bằng khi đánh giá.

Một số nội dung có thể đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của công chức như sau:

+ Các công việc được giao có hoàn thành đúng hoặc trước thời gian đã cam kết hay quy định, có đảm bảo theo đúng những trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

+ Khi thực thi các nghĩa vụ, công việc được miêu tả trong vị trí việc làm có để xảy ra sai sót, hay ảnh hưởng không tốt đến đối tượng chịu sự tác động?

+ Khi có những sự vụ, sự việc nằm ngoài trách nhiệm, cần chủ động giải quyết vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân. Báo cáo kịp thời, đầy đủ kết quả khi thực hiện nhiệm vụ. Nếu có sai sót, hậu quả thì chấp nhận thiếu sót, đề xuất và chủ động khắc phục và rút kinh nghiệm, không đùn đẩy trách nhiệm.

+ Trang phục, phong cách, thái độ ứng xử đã phù hợp với quy tắc ứng xử của cơ quan và Nhà nước hay không?

+ Riêng đối với công chức giữ vị trí lãnh đạo đã thực hiện trách nhiệm nêu gương, dám chịu trách nhiệm trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của cơ quan, tổ chức.

3.2. Tăng cường tổ chức các khóa tập huấn nâng cao đạo dức công vụ thường xuyên, là cơ sở từng bước xây dựng nền tảng để củng cố và nâng cao trách nhiệm công vụ

Đạo đức công vụ thực chất là những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, khi thực thi công vụ, cán bộ, công chức phải tuyệt đối chấp hành [4]. Là hành vi ứng xử một cách phù hợp và đòi hỏi một quá trình rèn luyện, tu dưỡng.

Hiện nay, rất ít có tổ chức khóa học chuyên về đạo đức công vụ mà thường lồng ghép vào các khóa tập huấn cho công chức nói chung. Chính vì vậy, vấn đề về đạo đức công vụ ít được quan tâm chú ý mà thực chất cả về lý luận và thực tế đây được coi là nền tảng, là giá trị cốt lõi của nền công vụ. Do đó, cần có những khóa học chuyên sâu dành riêng về giáo dục đạo đức công vụ cho công chức.

3.3. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý Nhà nước đó là công chức chỉ làm những gì được quy định, hay nói cách khác, đây là sự giới hạn về quyền hạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây được coi là một nguyên tắc hữu hiệu, nhằm tránh việc lạm quyền. Nhưng một mặt khác, nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước là quản lý các mặt của đời sống xã hội, mà xã hội luôn có sự biến chuyển không ngừng, chính vì vậy trên thực tế sẽ có những vấn đề phát sinh không có trong quy định.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung [1]. Đây là tiền đề rất quan trọng để từng bước hoàn thiện các cơ chế, quy định để thúc đẩy công chức chủ động, sáng tạo trong công tác. Do đó, đòi hỏi các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, hoàn thiện và sớm ban hành để thúc đẩy tính sáng tạo cũng như dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của công chức nói chung.        

4. Kết luận

Trách nhiệm công vụ của công chức luôn là một đòi hỏi thiết yếu và cấp thiết trong quá trình thực hiện công cuộc cải cách hành chính nhà nước, do đó đòi cần có những biện pháp hiệu quả, kịp thời để đánh giá khách quan, đầy đủ, chính xác hiệu quả trách nhiệm công vụ của công chức. Đây là yếu tố cơ bản để xem xét, đánh giá năng lực của công chức nói riêng và tạo ra động lực làm việc cho công chức trong thời gian sắp tới, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động và sáng tạo trong công tác của công chức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2021). Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Hà Nội.
  2. Bộ Nội vụ (2013). Tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên đề 3: Công vụ, công chức, Hà Nội.
  3. Bộ Nội vụ (2013). Tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên đề 4: Đạo đức công vụ, Hà Nội.
  4. Quốc hội (2008). Luật số 22/2008/QH12: Luật cán bộ, công chức, ban hành ngày 13/11/2008.
  5. Quốc hội (2019). Luật số 52/2019/QH14: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, ban hành ngày 25/11/2019.
  6. Chính phủ (2015). Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ công chức viên chức.
  7. Nguyễn Thị Hồng Hải (2012). Đánh giá thực thi công vụ nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của tổ chức hành chính nhà nước. Tạp chí Tổ chức nhà nước, 12, 8-11.
  8. Vũ Hoàng Công (2016). Trách nhiệm công vụ. Truy cập tại https://tcnn.vn/news/detail/35293/Trach-nhiem-cong-vu.html
  9. Vũ Thị Hương Thảo (2020). Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức ở Việt Nam. Truy cập tại https://tcnn.vn/news/detail/48518/Nang-cao-trach-nhiem-thuc-thi-cong-vu-cua-can-bo-cong-chuc-o-Viet-Nam.html

ASSESSING THE PUBLIC RESPONSIBILITY

OF CIVIL SERVANTS - A NECESSARY REQUIREMENT

FOR THE PUBLIC SERVICE

Master. PHAM HUY TIEN

Faculty of Law, Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

The quality of public services is constantly being improved and it shows the bravery of civil servants in the process of performing their duties. However, public services have not been specified. By analyzing and synthesising, this paper analyzes the role of public services in association with the assessment of civil servants' public responsibility. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to standardize the public responsibility in order to contribute to enhancing the effectiveness and efficiency of the public service.

Keywords: public responsibility, civil servant, public service, assessment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]