Giải pháp thúc đẩy việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Giải pháp thúc đẩy việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam" do ThS. Trần Thị Thanh Thảo (Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hiện nay và tác dụng của việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với nền kinh tế, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu về quá trình áp dụng IFRS tại Việt Nam, bài viết đã đưa ra một số điểm thuận lợi và khó khăn khi đưa IFRS áp dụng vào thực tế như rào cản về ngôn ngữ, thị trường vốn chưa đủ mạnh, đội ngũ nhân lực còn yếu,... Từ đó, bài nghiên cứu tổng hợp đưa ra một số giải pháp từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và các trường đại học thúc đẩy quá trình áp dụng IFRS tại Việt Nam thành công.

Từ khóa: IFRS, Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế, tài chính, báo cáo tài chính.

1. Đặt vấn đề

Mặc dù Việt Nam đã ban hành được hệ thống chuẩn mực kế toán (VAS), tuy nhiên do còn nhiều hạn chế và khác biệt với thông lệ quốc tế nên VAS chưa được thừa nhận rộng rãi, đặc biệt chưa đáp ứng được yêu cầu của các định chế quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các quốc gia trên thế giới đang chuyển dần từ việc áp dụng Chuẩn mực quốc gia sang Chuẩn mực quốc tế để đảm bảo các doanh nghiệp có một tiếng nói chung, phục vụ các nhà đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, việc nghiên cứu, áp dụng IFRS sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn trên các khía cạnh. Từ thực tế nêu trên, cần phải xây dựng phương án, lộ trình công bố để áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đối với các doanh nghiệp tại Việt nam. Từ đó, đề xuất các phương án, giải pháp đối với Nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng đến kiến thức, kỹ năng của người làm công tác kế toán, cũng như sinh viên theo học chuyên ngành kế toán để có thể áp dụng IFRS một cách hiệu quả nhất.

2. Thực trạng chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay

Từ năm 2001 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành hệ thống 26 chuẩn mực trong 5 đợt được gọi là Chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS (Vietnam Accounting Standars). Chuẩn mực kế toán là cơ sở để xây dựng và từng bước tiến tới hoàn thiện chế độ kế toán cụ thể, thống nhất.

Về cơ bản, không thể phủ nhận tác dụng tích cực của VAS trong giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, do đã được ban hành cách đây hơn 20 năm mà chưa được sửa đổi, bổ sung nên VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa phù hợp với các giao dịch của kinh tế thị trường trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều loại công cụ tài chính phức tạp. Hơn nữa, hiện nay, Việt Nam mới ban hành được 26 VAS, nên còn thiếu rất nhiều chuẩn mực so với thông lệ quốc tế như các chuẩn mực về nông nghiệp, thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, nhóm công cụ tài chính phái sinh, giá trị hợp lý, tổn thất tài sản,... dẫn đến khi các doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch kinh tế thuộc nhóm các chuẩn mực này thì chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện hạch toán kế toán dẫn đến khó khăn cho công tác kế toán của doanh nghiệp. Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập khu vực, việc duy trì chuẩn mực kế toán VAS cho các báo cáo tài chính của doanh nghiệp được xem là một trong những rào cản để thu hút đầu tư từ nước ngoài, thu hút vốn ngoại có giá thấp trên các thị trường vốn quốc tế. Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang bị đánh giá chưa minh bạch, chưa phản ánh đúng tình hình tài chính và kinh doanh của tổ chức.

3. Thuận lợi và khó khăn khi áp dụng IFRS tại Việt Nam

Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày Báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng. IFRS tập trung hướng dẫn, diễn giải chung nhất về cách lập Báo cáo tài chính hơn là thiết lập các quy tắc lập báo cáo cụ thể. Ngoài ra, nhờ IFRS, giá trị của doanh nghiệp, tổ chức được phản ánh hợp lý hơn so với các chuẩn mực kế toán cũ được áp dụng như IAS cũ hay chuẩn mực kế toán riêng mỗi quốc gia.

Trước những lợi ích mà IFRS mang lại, các tổ chức có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới như Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Hội đồng ổn định tài chính quốc tế và một số tổ chức khác đều ủng hộ, hỗ trợ việc áp dụng IFRS trên toàn cầu. Do đó phần lớn các quốc gia trên thế giời đã bắt buộc sử dụng chuẩn mực IFRS. Tại Việt Nam, ngày 16/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam với lộ trình gồm 3 giai đoạn: chuẩn bị (2020-2021), áp dụng tự nguyện (2022-2025), bắt buộc áp dụng (sau năm 2025).

Việc triển khai áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp tại Việt Nam có những thuận lợi sau:

- Hệ thống khung pháp lý về kế toán, kiểm toán cơ bản đã được hoàn thiện, bao gồm Luật Kế toán, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực và chế độ kế toán. Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị về cơ bản đã đi vào nề nếp, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật nói chung và kế toán nói riêng.

- Đội ngũ cán bộ, chuyên gia kế toán được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật về kế toán và pháp luật kinh tế khác.

- Khả năng thích ứng và ứng dụng công nghệ thông tin ở các đơn vị phù hợp với trình độ phát triển công nghệ, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Chương trình, nội dung đào tạo tại các đơn vị được cải tiến và nâng cao từng bước, đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp về kế toán trên thực tế hiện nay cũng là những yếu tố thuận lợi cho việc triển khai áp dụng IFRS.

Tuy nhiên, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, thị trường vốn và thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh: IFRS hướng đến việc trình bày các khoản mục của báo cáo tài chính theo giá trị hợp lý, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế thị trường tại thời điểm báo cáo. Để đáp ứng được yêu cầu của IFRS đòi hỏi các thông số tài chính phải được cung cấp một cách đáng tin cậy khi thực hiện một số kỹ thuật như xác định giá trị hợp lý, lãi suất hiệu lực, tổn thất tài sản,... Ngoài ra, do IFRS hướng đến việc phản ánh các giao dịch của nền kinh tế phát triển với nhiều loại công cụ tài chính phức tạp (mà ở Việt Nam hiện chưa phổ biến) nên việc áp dụng IFRS đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam có thể gặp một số khó khăn nhất định trong ngắn hạn.

Thứ hai, đạo đức nghề nghiệp và tâm lý không muốn công khai về tình hình tài chính của một số doanh nghiệp: Khi áp dụng IFRS, thông tin tài chính của doanh nghiệp sẽ được trình bày sát thực hơn, thận trọng hơn nhưng điều này có thể làm cho báo cáo tài chính của doanh nghiệp không được khả quan như hiện nay. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có ý thức tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, không sẵn sàng công khai tình hình tài chính thì đây sẽ là lực cản đối với quá trình tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tâm lý e ngại của một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước có thể ảnh hưởng đến xếp hạng, phân loại doanh nghiệp cũng như đánh giá về người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ban lãnh đạo doanh nghiệp hoặc đối với các công ty niêm yết nếu kết quả kinh doanh liên tục bị lỗ có thể ảnh hưởng đến việc duy trì điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Để giải quyết vấn đề này, hệ thống bộ tiêu chí đánh giá về hiệu quả, phân loại, xếp hạng các doanh nghiệp nhà nước cũng như yêu cầu về duy trì điều kiện niêm yết cũng cần phải được xem xét và sửa đổi lại cho phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp áp dụng IFRS.

Thứ ba, đội ngũ nhân lực về kế toán chưa được đào tạo sâu về IFRS: Nhìn chung, nhân lực kế toán tại Việt Nam chưa được đào tạo về IFRS. Số lượng các chuyên gia am hiểu, có kinh nghiệm và kỹ năng lập báo cáo tài chính theo IFRS còn ít, chủ yếu là một số nhà nghiên cứu, kiểm toán viên của các công ty kiểm toán lớn hoặc nhân sự đang làm việc tại các công ty nước ngoài mới có hiểu biết về các chuẩn mực này từ trước. Ngay như đội ngũ giảng viên các trường đại học cũng chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về IFRS nên chỉ có một số rất ít cơ sở đào tạo đã đưa IFRS vào chương trình giảng dạy. Vì vậy, đội ngũ kế toán viên tại các doanh nghiệp (đối tượng trực tiếp áp dụng IFRS) cũng như sinh viên hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ tư, rào cản ngôn ngữ: IFRS được soạn thảo bằng tiếng Anh và để có thể phổ biến, quảng bá rộng rãi IFRS đến công chúng, cần phải dịch sang ngôn ngữ của các quốc gia. Trong khi đó, nguồn nhân lực kế toán tài chính có tiếng Anh tốt của Việt Nam còn hạn chế dẫn đến sự khó khăn trong việc cập nhật thông tin, hiểu chính xác các thuật ngữ, chuẩn mực IFRS. Việc chuyển tải chính xác các thuật ngữ chuyên môn đến mọi người cũng không phải là điều dễ dàng.

Thứ năm, các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo: Việt Nam hiện có 3 loại văn bản quy phạm pháp luật cùng tác động đến công tác tài chính của doanh nghiệp là chuẩn mực báo cáo tài chính, chính sách thuế và cơ chế tài chính dẫn đến sự chồng chéo, không nhất quán trong cách thức tiếp cận và áp dụng các chính sách này do doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước chưa phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực báo cáo tài chính, chính sách thuế và cơ chế tài chính. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, vì cùng một vấn đề nhưng chuẩn mực báo cáo tài chính và cơ chế tài chính có thể xử lý khác nhau. Ví dụ các quy định không nhất quán về dự phòng, trích khấu hao tài sản có định, xử lý chênh lệch tỷ giá… làm cho doanh nghiệp gặp lúng túng khi áp dụng pháp luật và giảm khả năng so sánh thông tin tài chính giữa các doanh nghiệp khi cùng một giao dịch lại áp dụng các quy định khác nhau để lập và trình bàybáo cáo tài chính.

4. Giải pháp thúc đẩy quá trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam

4.1. Giải pháp từ phía Nhà nước

- Xây dng và hoàn thin h thng văn bn quy phm pháp lut trong lĩnh vc tài chính, kế toán: Ban hành và công bố các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kế toán giúp cho các đối tượng có liên quan có thể tiếp cận, nghiên cứu và triển khai thực hiện IFRS; Rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính theo các mục tiêu cải cách, tạo sự bình đẳng trong việc áp dụng và thực thi pháp luật giữa các thành phần kinh tế.

- H tr, khuyến khích, to điu kin thun li cho các doanh nghip áp dng IFRS: Tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi và tìm các biện pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng IFRS; Thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang áp dụng IFRS theo kế hoạch.

- Đào to ngun nhân lc: Triển khai hoạt động đào tạo IFRS cho thành viên Ban nghiên cứu, soạn thảo chuẩn mực; các doanh nghiệp, công ty kiểm toán, các cơ sở đào tạo, các hội nghề nghiệp và các đối tượng khác có liên quan trong quá trình áp dụng.

- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các hội nghề nghiệp, các tổ chức khác dịch thuật, công bố và hỗ trợ áp dụng IFRS; soạn thảo, ban hành và hướng dẫn thực hiện IFRS; khảo sát, đánh giá việc triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính đối với từng ngành và lĩnh vực để có giải pháp hiệu quả.

- Tuyên truyn v l trình, phương án áp dng IFRS: Đối thoại với các doanh nghiệp để truyền thông về lợi ích của IFRS, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang áp dụng IFRS; Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lộ trình, cách thức triển khai áp dụng IFRS, giúp các đối tượng có liên quan chủ động trong công tác chuẩn bị áp dụng.

4.2. Giải pháp từ phía doanh nghiệp

Để áp dụng IFRS thành công và hiệu quả, doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ các giải pháp chủ chốt, bao gồm:

- Xây dựng chiến lược và ngân sách: Việc xây dựng chiến lược và ngân sách đóng vai trò then chốt trong quá trình áp dụng IFRS do trong giai đoạn đầu tiên (giai đoạn tự nguyện) và ngay cả giai đoạn sau 2025 (nếu doanh nghiệp không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng IFRS), chủ sở hữu doanh nghiệp là người quyết định việc áp dụng IFRS tại doanh nghiệp mình. Vì vậy, nhận thức của chủ sở hữu doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, họ chính là người xây dựng chiến lược phát triển, người quyết định tính minh bạch của doanh nghiệp và là người bố trí ngân sách cho việc triển khai áp dụng IFRS.

- Đào tạo nguồn nhân lực: Hầu hết các kế toán viên và kiểm toán viên tại Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm áp dụng IFRS, trong khi IFRS chứa đựng nhiều nội dung mới, phức tạp. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng khi doanh nghiệp quyết định áp dụng IFRS. Do thông tin kế toán lại không đến từ chính bộ phận kế toán mà lại đến từ các bộ phận khác như bộ phận tài chính, bộ phận bán hàng, bộ phận quản trị… nên cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực kịp thời, bài bản, liên tục và lâu dài. Bên cạnh đó không những phải đào tạo cho bộ máy kế toán mà còn phải trang bị kiến thức, hiểu biết cơ bản về tài chính cho ban giám đốc, cán bộ quản lý chủ chốt; thay đổi tư duy lãnh đạo, nâng cao ý thức tuân thủ, tổ chức bộ phận pháp chế tại các doanh nghiệp đủ mạnh. Song song với đó, để việc đào tạo nguồn nhân lực có hiệu quả, doanh nghiệp cần tận dụng kiến thức, hiểu biết, sự hỗ trợ và nguồn lực từ các doanh nghiệp kiểm toán, tư vấn, nhà đầu tư nước ngoài, hội nghề nghiệp. 

- Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin: Do IFRS đáp ứng cho các doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển, nơi doanh nghiệp có nguồn lực dồi dào, năng lực quản trị hiện đại nên thông tin cần được đáp ứng một cách nhanh chóng, phần mềm kế toán và quản trị doanh nghiệp cần tự động hóa ở mức cao. Mặt khác, IFRS hướng đến việc cung cấp thông tin dựa trên nền tảng tài sản thuần, vì vậy hệ thống công nghệ thông tin cũng cần phải đáp ứng được nhu cầu cung cấp báo cáo tài chính ở bất cứ thời điểm nào cho các nhà đầu tư.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu: IFRS yêu cầu báo cáo nhiều thông tin phù hợp với sự thay đổi của thị trường, như giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, giá trị thuần có thể thực hiện được, giá trị hiện tại, giá phí phân bổ… Vì vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu một cách sẵn sàng và đồng bộ là rất quan trọng, vì nếu thiếu dữ liệu thì không thể đáp ứng yêu cầu của IFRS. Doanh nghiệp cần tập trung vào việc xây dựng cả cơ sở dữ liệu tài chính (như: giá trị hợp lý, đường cong lãi suất, lãi suất cố định và lãi suất thả nổi, lãi suất VND và lãi suất ngoại tệ; giá cả thị trường và giá trị hợp lý, tỷ giá hối đoái…) cũng như dữ liệu phi tài chính (như: thị phần, số lượng khách hàng, dung lượng sử dụng, mức tiêu thụ dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa; tỷ lệ sản phẩm bảo hành…) để có thể định giá và áp dụng cho các mô hình tài chính theo yêu cầu của IFRS.

- Xây dựng quy trình chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS: Trong giai đoạn đầu tiên áp dụng IFRS, doanh nghiệp có thể chưa thể lập được báo cáo tài chính theo IFRS từ các giao dịch cụ thể. Để khắc phục hạn chế này, doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính theo VAS và chuyển đổi sang IFRS. Tuy nhiên, quy mô, đặc điểm hoạt động của các doanh nghiệp đểu có sự khác biệt nên từng doanh nghiệp nên tự xây dựng cho mình một quy trình chuyển đổi báo cáo tài chính bằng cách xác định sự khác biệt giữa VAS và IFRS.

4.3. Giải pháp đào tạo của nhà trường

- Đào tạo đội ngũ giảng viên giảng dạy về IFRS

            Các trường đại học cần sớm triển khai các chương trình đào tạo cho giảng viên về IFRS: liên kết với các tổ chức nghề nghiệp (ACCA, ICAEW,...) đào tạo chuyên sâu về IFRS tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên, thường xuyên cử các giảng viên tham gia các buổi hội thảo về IFRS của Bộ Tài chính… Ngoài ra, các trường xây dựng lộ trình đổi mới giảng dạy, tiếp cận sâu với công nghệ, tăng cướng vốn ngoại ngữ.

- Xây dựng khung chương trình đào tạo phù hợp với định hướng áp dụng IFRS

            Khi xây dựng hoặc sửa đổi chương trình đào tạo cần chú ý đến lộ trình áp dụng IFRS. Trong giai đoạn đầu có thể kết hợp các môn học IFRS dưới dạng tự chọn, sau đó sẽ là bắt buộc khi quá trình áp dụng IFRS được mở rộng.

5. Kết luận

Việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế IFRS để lập báo cáo tài chính đang là xu thế tất yếu trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu. IFRS với vai trò là ngôn ngữ chung về kế toán quốc tế, giúp cải thiện tính minh bạch và mức độ tin cậy về thông tin tài chính trên báo cáo tài chính, giúp gia tăng niềm tin từ các nhà đầu tư, từ đó giúp nền kinh tế cũng như doanh nghiệp thu hút nhiều vốn đầu tư. Tuy nhiên, quá trình áp dụng IFRS là một quá trình dài, khó khăn và cần nhiều thời gian chuẩn bị thực hiện. Trong quá trình hội nhập, Việt Nam cũng đã nhận thức được sự cần thiết phải áp dụng IFRS, cũng như những lợi ích và khó khăn mà quá trình áp dụng IFRS mang lại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện IFRS, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm các nước để xây dựng lộ trình thực hiện vững chắc, để việc áp dụng IFRS được thuận lợi, nhanh chóng và đạt kết quả tốt. Một số kinh nghiệm quý giá và phù hợp có thể được áp dụng tại Việt Nam khi áp dụng IFRS là cần có lộ trình thực hiện, từ khuyến khích đến dần bắt buộc; lựa chọn một số loại hình công ty như công ty có vốn nước ngoài, công ty đại chúng có niêm yết để bắt đầu thực hiện; lựa chọn một số chuẩn mực thuộc IFRS phù hợp với điều kiện của Viêt Nam để áp dụng trước; nhờ tư vấn của chuyên gia từ các nước đã có áp dụng IFRS; ban hành thêm một số chuẩn mực mới phù hợp IFRS; tăng cường vị thế của hiệp hội nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Amelia Limijaya (2017). IFRS Application in Southeast Asian Countries: Where Does Indonesia Stand? 2th Asia-Pacific Conference on Global Business, Economics, Finance and Social Sciences.
  2. IFRS foundation (2018). Use of IFRS around the world overview. Available at: https://www.ifrs.org/content/dam/ifrs/around-the-world/adoption/use-of-ifrs-around-the-world-overview-sept-2018.pdf.
  3. Nguyễn Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Phước, Hoàng Thụy Diệu Linh (2016). Áp dng IFRS ti các nước và kinh nghim cho Vit Nam. Kỷ yếu Hội thảo “IFRS - Cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam”, do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức tại Hà nội - TP. Hồ Chí Minh tháng 12/2016. Số ISBN: 978-604-79-1528-6.
  4. Phạm Thị Minh Tuệ (2016). Vận dụng IFRS - Kinh nghiệm thế giới và giải pháp cho Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo “IFRS - Cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam”, sdd.
  5. Trần Thị Yến (2016). Cách thức vận dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và hướng đi của Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo “IFRS - Cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam”, sdd.
  6. Phạm Thị Lai (2016). Lí do áp dụng IFRS tại Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo “IFRS - Cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam”, sdd.
  7. Bộ Tài chính (2020). Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 của Bộ Tài chính, Đề án Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam.
  8. Trịnh Đức Vinh (2021). Giải pháp để áp dụng thành công IFRS tại Việt Nam. Truy cập tại: https://www.clbketoantruong.com/giai-phap-de-ap-dung-thanh-cong-ifrs-tai-viet-nam/.
  9. Lương Thanh Hà (2022). Hoạt động đào tạo ở các trường đại học với lộ trình bắt buộc áp dụng IFRS tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, số 7, tháng 4/2022, 234-239. 

Solutions for successfully applying

the International Financial Reporting Standards (IFRS) in Vietnam

Master. Tran Thi Thanh Thao

Faculty of Accounting - Finance, Hai Phong University

Abstract:

This study analyzed the current application of Vietnamese Accounting Standards (VAS) and the impact of implementing the International Financial Reporting Standards (IFRS) on Vietnamese businesses and Vietnam’s economy. By analyzing the implementation of IFRS in Vietnam, this study pointed out some advantages and disadvantages of using IFRS, such as language barriers, insufficient capital markets, the quality of the Huaman resource, etc. Based on the study’s findings, some solutions were proposed for the state, businesses, and universities to successfully apply IFRS in Vietnam.

Keywords: International Financial Reporting Standards (IFRS), finance, financial reporting.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]