TÓM TẮT:
Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng với khu vực và thế giới, để cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển bền vững, tiếp cận các dòng vốn trên thị trường quốc tế thì việc yêu cầu lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đang trở thành nhu cầu cần thiết, xu hướng tất yếu của các tập đoàn và công ty đại chúng. Áp dụng IFRS được xem là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình đón đầu các làn sóng đầu tư nước ngoài nhưng thực tế còn tồn tại những vấn đề cần giải quyết.
Từ khóa: chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, báo cáo tài chính quốc tế, IFRS, áp dụng IFRS.
1. Đặt vấn đề
Kế toán không còn là vấn đề mang tính nội tại, riêng biệt của từng quốc gia trong xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế. Các quốc gia chuyển dần từ việc áp dụng chuẩn mực quốc gia sang chuẩn mực quốc tế nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp có tiếng nói chung phục vụ các nhà đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, trên cơ sở thực tiễn Bộ Tài chính đã ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính với những lộ trình cụ thể trong việc áp dụng toàn bộ hay từng phần có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Việc nghiên cứu, áp dụng IFRS sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn trên các khía cạnh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
2. Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và lợi ích của việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam
IFRS là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được thiết kế và phát triển bởi một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận là Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế. IFRS ra đời cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) cho các công ty đại chúng. IFRS hướng dẫn, diễn giải chung nhất về cách lập BCTC hơn là thiết lập các quy tắc lập báo cáo ngành cụ thể. Đến nay, IFRS đã trở thành ngôn ngữ kế toán chung phổ biến nhất trên toàn cầu.
Do các chuẩn mực kế toán Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, áp dụng các chuẩn mực BCTC quốc tế IFRS tại Việt Nam là xu thế tất yếu của thời đại, giúp các doanh nghiệp có thể thu hút vốn ngoại cũng như ngày càng trở nên minh bạch. Vì vậy, tháng 3/2020, Bộ Tài chính chính thức phê duyệt Đề án áp dụng các chuẩn mực IFRS tại Việt Nam, tạo cú hích đến thị trường Kế toán - Tài chính.
Lợi ích của việc áp dụng IFRS tại Việt Nam
Hệ thống kế toán của mỗi quốc gia là rất đa dạng phụ thuộc vào chính sách của cơ quan quản lý kế toán của quốc gia đó. Việc áp dụng IFRS sẽ giúp cho kế toán tại các quốc gia được thống nhất với nhau. Sự thống nhất này là cơ sở để tạo ra nhiều lợi ích:
Là “ngôn ngữ” chung
Trong bối cảnh kế toán được xem là một ngôn ngữ kinh doanh toàn cầu thì việc cho phép áp dụng IFRS sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước các nước nói chung và Việt Nam nói riêng cũng như các chủ sở hữu, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có công cụ, để đánh giá và so sánh thông tin tài chính giữa các đơn vị theo cùng một ngôn ngữ, chuẩn mực chung để đưa ra các quyết định kinh tế một cách phù hợp.
Dễ dàng tạo dựng khuôn khổ pháp lý theo chuẩn quốc tế
Việc áp dụng IFRS sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên thị trường quốc tế hoặc nhận được các khoản vay ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á. Áp dụng IFRS sẽ tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho việc kế toán nhiều loại công cụ tài chính, tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý.
Nâng cao tính minh bạch và trung thực của báo cáo tài chính
Việc áp dụng IFRS sẽ nâng cao tính minh bạch và trung thực của BCTC, giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, do IFRS yêu cầu các khoản mục của BCTC phải được ghi nhận và trình bày theo bản chất hơn là hình thức hay tên gọi của giao dịch, qua đó giúp giảm thiểu tác động của hình thức giao dịch đến phương pháp kế toán. Hỗ trợ làm tăng khả năng so sánh giữa BCTC của doanh nghiệp tại Việt Nam với các doanh nghiệp khác trong khu vực và thế giới.
IFRS yêu cầu trình bày và thuyết minh chi tiết về những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải như rủi ro kinh doanh, rủi ro tín dụng, rủi ro chính sách… nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho các nhà đầu tư, chủ nợ khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp. IFRS cũng yêu cầu áp dụng nhiều mô hình tài chính để xác định giá trị tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, giá trị sử dụng, giá trị thời gian…
3. Những vấn đề đặt ra khi áp dụng IFRS ở Việt Nam
Thứ nhất, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp đã bị thất bại hoặc gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi mà một trong các nguyên nhân chính là vì lãnh đạo của các doanh nghiệp đó suy nghĩ rất đơn giản là chuyển đổi sang IFRS chỉ là việc thay đổi chính sách kế toán và là trách nhiệm của bộ phận kế toán (Daske, H. et al, 2008; Li, S., 2010). Tuy nhiên, trên thực tế, IFRS cần rất nhiều sự thay đổi của doanh nghiệp và đòi hỏi phải có sự hiểu biết và hợp tác của nhiều bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp.
Sau khi xác định được những khác biệt trọng yếu giữa VAS và IFRS, doanh nghiệp sẽ phải đánh giá ảnh hưởng của những khác biệt này có liên quan đến quy trình kinh doanh nào để có thể đề ra những yêu cầu cụ thể cho các phòng, ban liên quan.
Thứ hai, thách thức về nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực không chỉ giới hạn ở đội ngũ các nhân viên kế toán của các doanh nghiệp là đối tượng áp dụng IFRS mà bao gồm cả lãnh đạo của các công ty vì họ là những người chịu trách nhiệm phê duyệt BCTC.
Các doanh nghiệp áp dụng IFRS sẽ phải thành lập một nhóm dự án triển khai IFRS riêng biệt bao gồm những nhân viên được đào tạo chuyên sâu về IFRS vì sẽ rất khó khăn cho đội ngũ kế toán hiện thời vừa phải thực hiện công tác kế toán theo VAS (trong giai đoạn chuyển đổi) vừa phải đi đào tạo về IFRS để có thể hạch toán kế toán và trình bày báo cáo theo IFRS. Ngoài ra, các nhân sự được giao triển khai IFRS cũng cần đạt được một trình độ tiếng Anh khá cao để có thể tự mình nghiên cứu các quy định và diễn giải của IFRS khi có những thay đổi của IFRS.
Ngoài ra, theo Quyết định số 345/QĐ-BTC, các doanh nghiệp áp dụng IFRS sẽ thực hiện lập BCTC hợp nhất theo IFRS, điều này có nghĩa là các công ty con, công ty liên kết của họ cũng phải lập các bộ báo cáo thông tin tài chính cho mục đích lập BCTC hợp nhất của công ty mẹ theo IFRS. Do vậy, các công ty con, công ty liên kết này cũng cần phải tuyển dụng và đào tạo các cán bộ kế toán có chất lượng.
Thứ ba, thách thức về hệ thống công nghệ thông tin
Để có thể lập BCTC theo IFRS, tối thiểu ở cấp độ công ty mẹ, các doanh nghiệp áp dụng IFRS sẽ phải thiết lập và duy trì một hệ thống phần mềm và sổ sách kế toán theo IFRS. Khó khăn đối với Việt Nam là trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục lập BCTC riêng theo VAS và chỉ thực hiện lập BCTC hợp nhất theo IFRS, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ phải duy trì song song 2 hệ thống tài khoản kế toán, sổ sách kế toán riêng biệt theo VAS và IFRS.
Thứ tư, ảnh hưởng tiêu cực đến báo cáo tài chính khi áp dụng IFRS lần đầu tiên
Khi lập BCTC năm đầu tiên theo IFRS, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực đến báo cáo tài chính do có sự khác biệt lớn giữa VAS hiện tại và IFRS, cụ thể:
Tổn thất tài sản: Theo quy định của Chuẩn mực kế toán quốc tế số 36 (IAS 36) - Tổn thất tài sản, nếu giá trị ghi sổ của tài sản của một doanh nghiệp cao hơn giá trị có thể thu hồi của tài sản đó thì doanh nghiệp phải ghi nhận khoản dự phòng tổn thất tài sản ngay vào báo cáo thu nhập toàn diện trong kỳ. Ở Việt Nam hiện nay chưa có Chuẩn mực kế toán tương đương với IAS 36. Vì vậy, đây sẽ là một chuẩn mực có thể có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với BCTC IFRS lần đầu tiên của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc có các công ty con hoặc bộ phận hoạt động thua lỗ, những dấu hiệu cho thấy là tài sản của họ có thể bị tổn thất.
Thuê tài sản: Theo quy định của VAS 06 - Thuê tài sản, các tài sản thuê hoạt động không được ghi nhận tên bảng cân đối kế toán. Còn theo quy định của IFRS 16 - Thuê tài sản, các khoản thuê hoạt động sẽ được ghi nhận ngay trên báo cáo tình hình tài chính của doanh nghiệp như Quyền sử dụng tài sản và Nợ thuê phải trả. Đối với những doanh nghiệp có các tài sản thuê hoạt động với các bên cho thuê ở nước ngoài, khoản nợ thuê phải trả sẽ được coi là một khoản nợ tài chính có gốc bằng ngoại tệ và theo quy định về BCTC, khoản nợ tài chính có gốc bằng ngoại tệ này sẽ được đánh giá lại theo tỷ giá thực tế tại doanh nghiệp lập BCTC.
Do các doanh nghiệp sẽ lập BCTC riêng theo VAS, còn BCTC hợp nhất theo IFRS, sẽ có tình huống xảy ra là báo cáo riêng theo VAS thì doanh nghiệp có lãi, còn báo cáo hợp nhất theo IFRS sẽ bị lỗ và doanh nghiệp sẽ không thể phân chia lợi nhuận cho các cổ đông, bởi theo quy định của Việt Nam, phần lợi nhuận sau thuế dùng để chia cổ tức sẽ được tính trên số nhỏ hơn giữa BCTC riêng và BCTC hợp nhất.
4. Một số khuyến nghị
4.1. Về phía Nhà nước và các cơ quan chủ quản
Bộ Tài chính cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng IFRS như ban hành thông tư hướng dẫn rõ ràng và sát với nội dung IFRS, tránh tình trạng dịch không sát nghĩa, dẫn đến hiểu sai hoặc khó áp dụng. IFRS hàng năm có sự cập nhật, thay đổi, cần được Bộ Tài chính bổ sung kịp thời.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các chuyên gia, các công ty kiểm toán hỗ trợ doanh nghiệp trong các khâu, đặc biệt là trong năm chuyển đổi BCTC; phối hợp với các cơ quan quản lý khác để xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp. Cần phát triển thị trường định giá, thị trường vốn, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai IFRS.
4.2. Về phía các trường đại học, nhà nghiên cứu, công ty kiểm toán và hội nghề nghiệp
Các trường đại học cần đưa nội dung IFRS vào chương trình đào tạo bậc đại học. Các trường đại học cần tiến hành rà soát chương trình đào tạo ngành Kế toán và bổ sung nội dung đào tạo IFRS, theo các cách thức khác nhau. Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy IFRS, thông qua đào tạo chuyên môn IFRS và các kỹ năng cần thiết khác để làm chủ các phương pháp giảng dạy tích cực trong đào tạo IFRS. Chủ động xây dựng hệ thống học liệu phong phú về IFRS, gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt. Các trường đại học cần nhận thức rõ việc đào tạo IFRS hiện nay, không chỉ là sự lựa chọn mà hướng đi cần phải thực hiện để góp phần vào công cuộc đào tạo đội ngũ nhân lực kế toán, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cần đầu tư chi phí để phát triển hệ thống học liệu về IFRS, đầu tư cho giảng viên học tập, trau dồi chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu trong thời gian sắp tới, thông qua xây dựng các cơ chế tài chính phù hợp với hướng ưu tiên đào tạo IFRS.
Về phía các nhà nghiên cứu, công ty kiểm toán, hội nghề nghiệp: Cần tăng cường khả năng nghiên cứu và tư vấn về IFRS của các nhà nghiên cứu, công ty kiểm toán; phát triển đội ngũ kiểm toán viên có chứng chỉ kế toán công chứng quốc tế và năng lực chuyên môn gắn với IFRS. Tăng cường sự tham gia về chuyên môn, đặc biệt về IFRS của các hội nghề nghiệp tại Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp
Về phía các doanh nghiệp, cần nhận thức rõ vai trò của IFRS và coi đây là một chiến lược quản lý, từ đó có kế hoạch cụ thể để chủ động áp dụng IFRS; ưu tiên đầu tư đào tạo IFRS cho đội ngũ nhân viên kế toán thông qua việc tham gia các khóa học, mời chuyên gia IFRS đến tư vấn tại doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp; đầu tư công nghệ thông tin đủ mạnh để hỗ trợ việc thu thập, xử lý thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp; mua sắm phần mềm kế toán phù hợp với IFRS.
5. Kết luận
Trước sự chuyển đổi ngày càng phổ biến IFRS tại các quốc gia trên thế giới, áp dụng IFRS được xem là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, đón đầu các làn sóng đầu tư nước ngoài. Do đó, các nhân sự Kế toán - Tài chính nên cập nhật kiến thức IFRS từ sớm để có thể đáp ứng yêu cầu công việc và có cơ hội ứng tuyển vào các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị áp dụng hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các hội nghề nghiệp, các tổ chức khác hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng IFRS thông qua những văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để IFRS nhanh chóng được triển khai trong thực hiện tại các doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2015), Luật Kế toán sửa đổi 2015.
- Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam”.
- Nguyễn Khánh Thu Hằng “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và lộ trình áp dụng tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 6 (2021).
- SAAP (2021). 55% doanh nghiệp sẽ áp dụng các chuẩn mực BCTC quốc tế IFRS trước năm 2025. Truy cập tại https://blog.sapp.edu.vn/certifr/doanh-nghiep-se-ap-dung-cac-chuan-muc-bctc-quoc-te-ifrs
- https://fast.com.vn/chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-ifrs-la-gi-nhung-dieu-can-biet/
- https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai chinh?dDocName=MOFUCM203439
- https://smarttrain.edu.vn/lo-trinh-ap-dung-ifrs-tai-viet-nam-nhung-dieu-ban-can-biet/
- https://taca.edu.vn/chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te/
The International Financial Reporting Standards and some challenges of IFRS implementation in Vietnam
Master. Vu Thi Diep
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
As Vietnam’s economy is integrating into the regional economy as well as the world economy deeper and broader, it is necessary for businesses in general and public companies in particular to apply the International Financial Reporting Standards (IFRS) to improve the business environment, develop sustainably, and access the capital flows in international markets. Applying the IFRS is considered an important step for Vietnam to catch up with foreign investment waves but it has some problems that need to be resolved.
Keywords: international financial reporting standards, international financial statements, IFRS, applying IFRS.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 3 năm 2023]