Những điều kiện đảm bảo và vấn đề đặt ra khi vận dụng chính sách thử nghiệm trong bối cảnh phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Bài báo Những điều kiện đảm bảo và vấn đề đặt ra khi vận dụng chính sách thử nghiệm trong bối cảnh phát triển kinh tế số tại Việt Nam do Vũ Phương Thảo - Hoàng Thị Phương Mai - Vũ Vân Huyền (Nhóm sinh viên năm 4 Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Sự ra đời của chính sách thử nghiệm không chỉ là một giải pháp linh hoạt để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số tại Việt Nam mà còn là động lực quan trọng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, công ty công nghệ phát triển sản phẩm, dịch vụ mới không bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý truyền thống chưa theo kịp thực tiễn đổi mới. Tuy nhiên, để chính sách thử nghiệm thực sự phát huy hiệu quả, cần hội tụ những điều kiện đảm bảo - những yếu tố then chốt nhằm đảm bảo sự vận hành trơn tru và đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc vận dụng chính sách thử nghiệm trong nền kinh tế số cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Chỉ khi giải quyết được những thách thức này một cách hiệu quả, chính sách thử nghiệm mới có thể phát huy tối đa vai trò, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu.

Từ khóa: chính sách thử nghiệm, điều kiện đảm bảo, những vấn đề đặt ra, kinh tế số, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, kinh tế số đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng này, Việt Nam đã và đang phát triển chính sách thử nghiệm, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để các mô hình kinh doanh và công nghệ mới phát triển một cách có kiểm soát. Đặc biệt, thử nghiệm có kiểm soát đã chính thức được ghi nhận trong Luật Thủ đô năm 2024, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung pháp lý và đảm bảo sự vận hành chặt chẽ, hiệu quả của chính sách này. Tuy nhiên, để chính sách thử nghiệm thực sự phát huy tác dụng và phát triển nhanh chóng, Việt Nam cần kết hợp khung pháp lý với các điều kiện đảm bảo phù hợp khác, nhằm tạo nền tảng vững chắc và bắt kịp sự phát triển của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, trong quá trình triển khai, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần được khắc phục để đạt được mục tiêu mà chính sách thử nghiệm đề ra.

Vì vậy, việc nghiên cứu các điều kiện đảm bảo cũng như các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách thử nghiệm vô cùng cần thiết, góp phần không chỉ hoàn thiện khung pháp lý, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế số tại Việt Nam.

Khái niệm chính sách thử nghiệm (Sandbox Policy)

Khung thể chế thử nghiệm có mối quan hệ mật thiết với chính sách thử nghiệm, bởi chính sách là “linh hồn” luôn đi trước để định hướng và là cơ sở nền tảng để xây dựng khung pháp lý. Chính sách có vai trò chi phối đến khung pháp lý bởi khi tư tưởng - chính sách thay đổi thì khung pháp lý phải thay đổi theo. Bởi vậy, trước khi bắt tay vào việc xây dựng khung pháp lý, phải hoạch định chính sách từ việc xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nội dung chính sách… để đảm bảo sự nhất quán về nội dung chính sách và hình thức thể hiện chính sách.[1]

Như vậy, có thể đưa ra khái niệm về chính sách thử nghiệm như sau: chính sách thử nghiệm là tập hợp các quyết định được ban hành bởi nhà nước nhằm tạo ra môi trường thử nghiệm có sự giới hạn về thời gian và không gian dưới sự giám sát và bảo vệ phù hợp từ Nhà nước để cho phép các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện nhất định thử nghiệm trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo của mình.

2. Những điều kiện đảm bảo khi vận dụng chính sách thử nghiệm trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam

2.1. Điều kiện kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh một nền kinh tế phát triển, với cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào và trình độ giáo dục cao, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những ý tưởng sáng tạo mới của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức và doanh nghiệp có khả năng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực. Một nền kinh tế phát triển và thịnh vượng mới có khả năng đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, khai thác các ứng dụng công nghệ mới và sáng tạo góp phần đẩy mạnh tiềm năng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách thử nghiệm. Ngược lại, trong những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, việc thực hiện các chính sách thử nghiệm thường gặp nhiều thách thức. Thiếu hụt nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng kém phát triển và mức độ tiếp cận công nghệ thấp sẽ hạn chế khả năng áp dụng các giải pháp mới.

Hiện nay, Việt Nam có đầy đủ nguồn lực tài chính, nhân lực để vận dụng chính sách thử nghiệm. Thứ nhất, về nguồn lực tài chính: quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỉ đồng, tương đương 476,3 tỉ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước tăng 16,2% so với năm trước[2]. Thứ hai, về nhân lực: tính chung cả năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53,0 triệu người, tăng khoảng 575,4 triệu người so với năm 2023. Lực lượng lao động đã qua đào tạo bằng, chứng chỉ ước tính đạt 28,3%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với năm trước[3]. Như vậy, lực lượng lao động trẻ và trình độ lao động ngày càng nâng cao tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới để đổi mới sáng tạo. Dân số ở trong độ tuổi lao động đang gấp 2 lần số người ở trong độ tuổi phụ thuộc, cung cấp một nhóm lớn các tài năng công nghệ cao, chi phí thấp.

Bên cạnh đó, để việc vận dụng chính sách được diễn ra suôn sẻ, hiệu quả cần có sự tham gia, cũng như ủng hộ tích cực từ cộng đồng. Do đó, việc khảo sát và lắng nghe ý kiến của cộng đồng là cần thiết để điều chỉnh các chính sách sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Nhất là trong nền kinh tế số, chính sách thử nghiệm gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ, điều này cũng đặt ra những thách thức. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ có thể tạo ra khoảng cách giữa các nhóm dân cư, đặc biệt là những người không có khả năng tiếp cận công nghệ mới, dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc hưởng thụ lợi ích từ các chính sách thử nghiệm. Mang trong mình “sứ mệnh” góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, các cơ quan có thẩm quyền phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, định hướng cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách thử nghiệm.

2.2. Sự phát triển của công nghệ thông tin

Trong nền kinh tế số hiện nay, việc khai thác các ứng dụng công nghệ mới và sáng tạo góp phần đẩy mạnh tiềm năng trong xây dựng và thực hiện chính sách thử nghiệm. Bởi lẽ, công nghệ, máy móc và trang thiết bị hiện đại giúp phân tích được dữ liệu lớn, tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả năng suất hoạt động.

Việc phát triển Big Data tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thu thập và xử lý lượng lớn dữ liệu từ các hoạt động thử nghiệm, như hành vi người dùng, hiệu suất dịch vụ, từ đó hỗ trợ cơ quan quản lý đánh giá mức độ an toàn của sản phẩm/dịch vụ trước khi phê duyệt mở rộng. Hiện nay, Big Data (Dữ liệu lớn) tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ, với nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Theo dự báo, thị trường Big Data tại Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 5,32% trong giai đoạn 2023–2027, dự kiến đạt giá trị 2 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, khoảng 65% doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã tích hợp Big Data vào quy trình kinh doanh, tăng đáng kể so với 40% cách đây hai năm. [4]Ngoài ra, an ninh mạng nội bộ và thiết bị đầu cuối trong cơ quan nhà nước đã từng bước được trang bị các thiết bị, phần mềm về an toàn thông tin như: phần mềm diệt vi-rút cho máy tính, các thiết bị tường lửa, thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị bảo mật và chặn lọc thư rác chuyên dụng[5]. Như vậy, các công nghệ bảo mật này giúp bảo vệ dữ liệu và đảm bảo an toàn trong môi trường thử nghiệm.

2.3. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước

Để có thể vận dụng chính sách thử nghiệm một cách hiệu quả, trước hết phải có chủ trương, định hướng từ Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn. Chỉ khi có sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ cấp trung ương, kết hợp với một khung pháp lý hoàn thiện thì chính sách thử nghiệm mới thực sự phát huy được vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời kiểm soát tốt các rủi ro tiềm ẩn.

Trong các văn kiện quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng đã nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Văn kiện này đề cập đến: “Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm”8 tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học. Điều này cho thấy quyết tâm của Đảng trong việc tạo ra môi trường pháp lý linh hoạt, vừa hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, vừa bảo đảm kiểm soát rủi ro và ổn định kinh tế - xã hội.

Trên tinh thần chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các quy định về  chính sách thử nghiệm đã và đang dần hình thành. Sau khi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới về thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát, Việt Nam đã ban hành Luật Thủ đô năm 2024 quy định về Thử nghiệm có kiểm soát tại Điều 25. Đây có lẽ là một bước tiến mạnh mẽ tạo ra một môi trường pháp lý linh hoạt để thử nghiệm các mô hình mới, đặc biệt trong phát triển kinh tế số, đô thị thông minh và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, chính sách thử nghiệm cũng được ghi nhận trong một số văn bản pháp luật về các lĩnh vực cụ thể: lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực môi trường,...

2.4. Thành tựu của nền khoa học pháp lý

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, kịp thời điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều này góp phần tác động không nhỏ đến việc xây dựng những chính sách công nói chung và chính sách thử nghiệm nói riêng. Bởi lẽ, một nền khoa học pháp lý phát triển sẽ có những chủ thuyết ổn định, xây dựng được hệ thống thuật ngữ ổn định. Khi có chủ thuyết của mình, hoạt động hoạch định chính sách nói chung và hoạch định chính sách thử nghiệm nói riêng sẽ được tiến hành một cách thống nhất, logic.

Một quốc gia có nền khoa học pháp lý phát triển sẽ “hậu thuẫn” cho hoạt động hoạch định chính sách được tiến hành hiệu quả. Trong trường hợp một hệ thống pháp luật còn khoảng trống, còn mâu thuẫn chồng chéo thì sẽ là rào cản, kìm hãm sự phát triển các chính sách.

2.5. Năng lực của chủ thể hoạch định chính sách thử nghiệm

Năng lực, trình độ chuyên môn của chủ thể hoạch định chính sách là một trong các yếu tố rất quan trọng quyết định đến chất lượng của chính sách, chất lượng văn bản pháp luật và hiệu quả của quá trình xây dựng pháp luật. Khi cán bộ, công chức có năng lực thực thi chính sách tốt, không những chủ động điều phối được các yếu tố chủ quan tác động theo định hướng, mà còn khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của các yếu tố khách quan trong vận dụng chính sách thử nghiệm.

Nếu bộ máy hành chính quan liêu, thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, không có đủ khả năng nhận định, đánh giá, sàng lọc, dẫn đến việc phân tích, đề xuất, thông qua chính sách vội vàng, không đảm bảo chất lượng, sẽ gây ra những cản trở lớn cho việc thực hiện chính sách thử nghiệm, không phát huy được tác dụng của chính sách trên thực tế, làm sai lệch các mục tiêu của chính sách, hoặc hoàn toàn không thực hiện được mục tiêu của chính sách, để lại hậu quả trong việc định hướng nội dung của các khung thể chế thử nghiệm, gây tác động xấu đến đời sống xã hội.

3. Những vấn đề đặt ra khi vận dụng chính sách thử nghiệm trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Dưới sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, đây là thời cơ thích hợp để triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ mô hình kinh doanh số tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình vận dụng chính sách thử nghiệm trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam đặt ra những vấn đề như sau:

Thứ nhất, nhận thức về chính sách thử nghiệm trong phát triển kinh tế số.

Đối với người dân, thuật ngữ “chính sách thử nghiệm” vẫn còn rất mới mẻ và xa lạ. Điều này xuất phát từ việc thiếu thông tin rõ ràng và phổ biến rộng rãi trong các kênh truyền thông đại chúng. Các chiến dịch truyền thông có thể chưa đủ mạnh mẽ để đưa thông tin về chính sách này đến tay công chúng, đặc biệt đối với những người không làm việc trong các lĩnh vực công nghệ hoặc kinh tế. Ngoài ra, chính sách thử nghiệm có thể bao gồm nhiều yếu tố kỹ thuật và kinh tế phức tạp mà người dân không quen thuộc. Điều này khiến họ khó tiếp cận và hiểu được mục tiêu, cũng như lợi ích của chính sách này. Nhiều người lo ngại việc áp dụng các chính sách thử nghiệm có thể tạo ra những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính số, bảo mật dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Đối với nhiều doanh nghiệp, một số doanh nghiệp nhìn nhận chính sách này như một cơ hội quý báu để tiếp cận thị trường, thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ trong điều kiện thuận lợi. Ngược lại, chính sách thử nghiệm vẫn là một khái niệm mới mẻ đối với không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính vì vậy, khi tham gia, họ lo ngại về tính minh bạch và công bằng bởi các chính sách ưu đãi có thể bị lạm dụng, dẫn đến sự thiên vị cho các tập đoàn lớn hoặc các doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý trong việc lựa chọn đối tượng tham gia thử nghiệm.

Thứ hai, thách thức từ pháp luật về vận dụng chính sách thử nghiệm trong phát triển kinh tế số.

Một là, một vấn đề cần nhìn nhận trực diện, đó là việc thiết lập các khung thể chế thử nghiệm tại Việt Nam dường như chậm hơn so với các quốc gia khác. Điều này không chỉ phản ánh sự chưa đầy đủ trong hệ thống pháp lý, mà còn bộc lộ một số thách thức trong việc thích nghi với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. Trong khi các quốc gia tiên tiến đã sớm triển khai các chính sách thử nghiệm linh hoạt để khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển bền vững, Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp lý, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và sự sáng tạo trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ, tài chính và môi trường.

Hai là, mặc dù theo quy định tại Điều 25 Luật Thủ đô năm 2024 đã mở ra cơ hội thử nghiệm cho các tổ chức và doanh nghiệp, nhưng việc xác định rõ ràng các quy định về đối tượng, lĩnh vực, các tiêu chí rõ ràng để lựa chọn dự án tham gia thử nghiệm,.. vẫn là vấn đề cần được làm rõ hơn, để tránh việc áp dụng tràn lan hoặc thiếu trọng tâm. Nếu không có các quy định về tiêu chí rõ ràng, có thể sẽ dẫn đến việc áp dụng không công bằng hoặc không hợp lý, gây thất thoát nguồn lực.

Không phải tất cả các lĩnh vực đều có thể áp dụng chính sách thử nghiệm một cách dễ dàng, đặc biệt là trong các ngành có yêu cầu cao về bảo mật hoặc các vấn đề pháp lý phức tạp (tài chính, y tế hoặc bảo hiểm…). Điều này đòi hỏi phải có sự phân loại và lựa chọn cẩn thận các mô hình thử nghiệm phù hợp. Ngoài ra, luật quy định việc thử nghiệm không chỉ được thử nghiệm đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, mà còn “có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội”[6]. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, cần đặt ra các tiêu chí rõ ràng để lựa chọn dự án tham gia thử nghiệm, cũng như thuật ngữ “có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội”, có thể bao gồm tính khả thi, mức độ ảnh hưởng, lợi ích dự kiến và khả năng mở rộng sau thử nghiệm để khung pháp lý trở nên toàn diện hơn, tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai các chính sách thử nghiệm một cách hiệu quả và bền vững.

Ba là, về thời gian luật quy định “Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 03 năm và có thể được gia hạn 01 lần không quá 03 năm.” [7]Việc quy định thời gian thử nghiệm mang tính chung chung, chưa cụ thể trong mỗi dự án thử nghiệm, dẫn tới việc kéo dài, gây lãng phí nguồn lực.

Bốn là, việc thiết lập quy trình giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình thử nghiệm, đảm bảo các dự án tuân thủ quy định và đạt được mục tiêu đề ra cũng là một trong những nhiệm vụ tiên quyết. Trong quá trình xây dựng khung pháp lý của Việt Nam vẫn còn thiếu các quy định hoặc các văn bản hướng dẫn cụ thể về cách thức đánh giá, giám sát và điều chỉnh các dự án thử nghiệm của các cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm. Điều này dễ dẫn đến việc thiếu minh bạch, không đồng đều và không hiệu quả trong quá trình triển khai. Bởi việc thử nghiệm có thể yêu cầu sự phối hợp giữa nhiều cơ quan nhà nước ở các cấp khác nhau, nên cần xác định cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá kết quả thử nghiệm và đưa ra khuyến nghị về việc nhân rộng hoặc điều chỉnh chính sách. Nếu không có cơ chế phối hợp rõ ràng, việc phân chia trách nhiệm có thể dẫn đến xung đột, chồng chéo hoặc thiếu sự đồng bộ trong triển khai.

Thứ ba, điều kiện đảm bảo cho vận dụng chính sách thử nghiệm.

*Khó khăn về tài chính

Đối với các cơ quan quản lý: Việc triển khai chính sách thử nghiệm đòi hỏi các cơ quan quản lý phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và đội ngũ nhân sự có đủ năng lực để giám sát các mô hình thử nghiệm. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước dành cho các dự án thử nghiệm thường không đủ lớn, điều này có thể làm hạn chế khả năng thực thi và giám sát chặt chẽ các hoạt động thử nghiệm. Các cơ quan chức năng có thể gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển các cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại cần thiết cho quá trình thử nghiệm.

Đối với các doanh nghiệp: Mặc dù chính sách thử nghiệm tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, nhưng việc tham gia vào các chương trình thử nghiệm cũng có thể gặp phải chi phí tài chính không nhỏ. Các doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ và hệ thống pháp lý để đáp ứng yêu cầu của chương trình thử nghiệm. Điều này có thể đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các startup, khi họ có thể tạo cơ hội cho những mô hình kinh doanh mới, nhưng nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các quỹ đầu tư hoặc chính phủ, những doanh nghiệp này sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển và thử nghiệm sản phẩm.

Về huy động nguồn lực từ các bên ngoài: Một số chương trình thử nghiệm có thể không thu hút được đủ sự quan tâm và hỗ trợ từ các nhà đầu tư tư nhân hoặc quốc tế. Do tính chất mạo hiểm của các mô hình thử nghiệm, các nhà đầu tư có thể ngần ngại đầu tư vào các dự án thử nghiệm mà không có sự đảm bảo chắc chắn về lợi nhuận, điều này làm giảm hiệu quả của chính sách thử nghiệm trong việc thu hút đầu tư.

*Khó khăn về thời gian

Một là, việc thiết lập và triển khai một chính sách thử nghiệm đòi hỏi nhiều thời gian để xây dựng các quy định pháp lý, các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia và các cơ chế giám sát. Các cơ quan nhà nước cần thời gian để nghiên cứu, soạn thảo và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan, đồng thời chuẩn bị nguồn lực con người và công nghệ để thực thi chính sách. Do đó, quá trình triển khai chính sách thử nghiệm có thể mất một khoảng thời gian dài, ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định nhanh chóng và thúc đẩy sáng tạo.

Hai là, các mô hình thử nghiệm thường đòi hỏi một thời gian dài để kiểm nghiệm, đánh giá và hoàn thiện sản phẩm. Điều này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp khi họ muốn đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian ngắn. Việc thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, trong khi nhu cầu của thị trường và các yếu tố ngoại vi thay đổi nhanh chóng.

Ba là, thách thức trong việc điều chỉnh chính sách theo thời gian cũng là vấn đề quan trọng. Chính sách thử nghiệm cần phải linh hoạt và có thể điều chỉnh nhanh chóng để phù hợp với sự thay đổi của công nghệ và thị trường. Tuy nhiên, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách thường mất nhiều thời gian, do phải trải qua các thủ tục hành chính và quy trình phê duyệt. Sự chậm trễ trong việc cập nhật chính sách có thể làm giảm tính hiệu quả và khả năng đáp ứng nhanh với nhu cầu thị trường.

Thứ tư, sự thiếu ủng hộ từ các cơ quan liên quan. Trong quá trình xây dựng chính sách, một số cơ quan nhà nước vẫn còn lo ngại về các rủi ro tiềm ẩn của “sandbox”, khiến họ chưa thực sự ủng hộ và triển khai các chính sách thử nghiệm này. Sự e dè này có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết hoặc lo ngại về khả năng kiểm soát và giám sát các mô hình thử nghiệm mới. Việc tạo ra một môi trường hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của các bên liên quan là yếu tố then chốt để tăng cường tính khả thi của chính sách.

Chính sách thử nghiệm đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số Việt Nam, phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để chính sách thử nghiệm trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam phát huy hiệu quả, cần có một khung pháp lý linh hoạt nhưng chặt chẽ, đảm bảo sự cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và quản lý rủi ro, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1Ngô Ngọc Anh (2022). Đánh giá tác động về xã hội của chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.84.

2Nam Hải (2024), Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,09%, Tạp chí Ngân hàng, truy cập tại https://tapchinganhang.gov.vn/nam-2024-nen-kinh-te-viet-nam-dat-muc-tang-truong-709-15095-15095.html&link=autochanger#:~:text=Quy%20m%C3%B4%20GDP%20theo%20gi%C3%A1,USD%20so%20v%E1%BB%9Bi%20n%C4%83m%202023.

3Minh Hải (2025), Tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2024, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, truy cập tại https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-7/Tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-IV-va-nam-2024p3q7ar.aspx

4 Như Quỳnh (2024), Việt Nam được dự báo trở thành “con rồng” Đông Nam Á về thương mại điện tử, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, truy cập tại https://vneconomy.vn/viet-nam-duoc-du-bao-tro-thanh-con-rong-dong-nam-a-ve-thuong-mai-dien-tu.htm.

5Viện Chiện y cập ngày 28/12- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo hch và Đ28/12/2024;am-duoc-du-bao-tro-thanh-con-rong-dong-nam-a-ve-thutruyền thông quốc gia” và "Thực trạng và phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử quốc gia”, truy co hch vhttps://vids.mpi.gov.vn/van-ban-phap-quy/bao-cao-hop-phan-thuc-trang-va-phuong-huong-phat-trien-ha-tang-thong-tin-va-truyen-thong-quoc-gia-va-thuc-trang-va-phuong-huong-phat-trien-mang-luoi-co-so-bao-chi-xuat-ban-phat-thanh-truyen-hinh-thong-tin-dien-tu-quoc-gia-1006.html

6,7Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2024). Luật Thủ đô năm 2024.

8Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Conditions and challenges in implementing regulatory sandbox policies for Vietnam’s digital economic development

Vu Phuong Thao1

Hoang Thi Phuong Mai1

 Vu Van Huyen1

1Hanoi Law University

Abstract:

The regulatory sandbox policy serves as a flexible mechanism to accommodate the rapid evolution of Vietnam’s digital economy while fostering innovation among startups and technology companies. By allowing the development and testing of new products and services outside traditional regulatory constraints, the sandbox plays a pivotal role in accelerating digital transformation. However, its effectiveness hinges on meeting essential guarantee conditions that ensure smooth operation and alignment with intended objectives. Additionally, the implementation of the sandbox policy in the digital economy presents various challenges that must be addressed to optimize its impact. Overcoming these challenges will enable the policy to cultivate a thriving innovation ecosystem and enhance Vietnam’s competitiveness in the global digital landscape.

Keywords: sandbox policy, guarantee conditions, problems to be addressed, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 2 năm 2025]

Tạp chí Công Thương