Pháp luật về đốt rác phát điện ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp

Đề tài Pháp luật về đốt rác phát điện ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp do Phan Thị Mỹ Hạnh - Phạm Thị Thu Hằng - Nguyễn Thị Hoài (Sinh viên Khóa 46 - Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Đốt rác phát điện (ĐRPĐ) là vấn đề quan trọng, cần thiết của Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bài viết tập trung phân tích thực trạng pháp luật về ĐRPĐ ở Việt Nam và đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về ĐRPĐ, như: hoàn thiện pháp luật về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường, quản lý chất thải, pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với các hoạt động ĐRPĐ.

Từ khóa: đốt rác phát điện, pháp luật, an ninh năng lượng, đánh giá tác động môi trường.

1. Đặt vấn đề

ĐRPĐ được coi là một trong những biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam. Để ĐRPĐ phát huy tối đa vai trò, đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp. Điều này đã được cụ thể hóa trong pháp luật môi trường nói chung hay Luật Bảo vệ môi trường nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện trong những năm qua đã cho thấy một số hạn chế của pháp luật trong lĩnh vực này như: hạn chế trong cơ chế thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án ĐRPĐ, hạn chế về giấy phép môi trường, về quản lý chất thải... Để giải quyết những vướng mắc nêu trên, cần có những giải pháp phù hợp để hoàn thiện các quy định pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện ĐRPĐ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới.

2. Khái quát về đốt rác phát điện

ĐRPĐ hay còn gọi là điện rác (waste to energy - WTE) là quá trình xử lý chuyển hóa rác thải hữu cơ thành năng lượng, dưới dạng điện và/hoặc nhiệt bằng phương pháp đốt cháy, là một trong những công nghệ tái chế thu hồi năng lượng. Trong bối cảnh cần thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, áp dụng ĐRPĐ là hết sức cần thiết. Điều này có thể được lý giải bới các lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, tận dụng năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu trên thế giới. Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, năng lượng là một vấn đề cấp thiết đối với mỗi quốc gia trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng năng lượng vẫn luôn thường trực. Bên cạnh việc tận dụng những nguồn năng lượng sẵn có trong tự nhiên, cần tập trung phát triển năng lượng tái tạo... Hơn thế, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần tận dụng rác thải - nguồn năng lượng sinh khối sẽ góp phần quan trọng giải quyết bài toán an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai, ĐRPĐ góp phần đảm bảo phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Việc thực hiện ĐRPĐ là một trong những biện pháp hữu hiệu để cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo hướng đó, ĐRPĐ tận dụng rác thải từ sản xuất, sinh hoạt làm nguyên liệu đầu vào tạo ra điện năng phục vụ đời sống.

Thứ ba, ĐRPĐ nhằm xử lý rác thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. ĐRPĐ khác với đốt rác thủ công ở khía cạnh mặc dù cùng dùng nhiệt để xử lý rác thải nhưng ĐRPĐ được thực hiện nghiêm ngặt tại các nhà máy chuyên dụng theo quy định của pháp luật, kết quả của quá trình này là năng lượng điện chứ không chỉ đơn thuần là loại bỏ rác thải.

3. Thực trạng pháp luật Việt Nam về đốt rác phát điện

Để thúc đẩy phát triển điện rác và bảo vệ môi trường khi triển khai ĐRPĐ, pháp luật Việt Nam đã điều chỉnh một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án ĐRPĐ.

Đánh giá tác động môi trường là một công cụ giúp phòng ngừa và ngăn chặn những ảnh hưởng tới môi trường trong chính sách môi trường và đây là công cụ lồng ghép trong quá trình kế hoạch hóa về môi trường. Vấn đề này hiện được quy định khá cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2022/TT-TNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, chủ các dự án ĐRPĐ phải lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường, trong đó chỉ rõ những vấn đề môi trường tại nơi thực hiện dự án và cùng kế cận, dự báo những tác động tới môi trường khi triển khai dự án và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường. Báo cáo này sẽ được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và là cơ sở để cấp giấy phép môi trường cho dự án.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động tham vấn trong đánh giá tác động môi trường của các dự án ĐRPĐ vẫn còn mang tính hình thức, chưa đem lại được sự khách quan và toàn diện khi nhận thức của người dân nói chung và cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư nói riêng vẫn còn kém khi nhắc đến các dự án ĐRPĐ. Mặt khác, trong thực tiễn áp dụng quy định về hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án ĐRPĐ chưa thật sự đạt hiệu quả, bởi lẽ chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý của hội đồng thẩm định.

Hai là, quy định pháp luật về giấy phép môi trường đối với các chủ thể thực hiện ĐRPĐ.

Đối với các dự án ĐRPĐ, về nguyên tắc, mô hình công nghệ nào cũng cần được giám sát bởi việc đốt rác cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường khí thải với các phát thải gây mưa axit hay các hợp chất Dioxin, Furan thuộc nhóm các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) theo quy định của Công ước Stockholm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, hay việc hoạt động của các nhà máy ĐRPĐ có tiếng ồn động cơ lớn… Như vậy, các dự án ĐRPĐ theo nhóm nghiên cứu thuộc đối tượng phải được quản lý theo quy định quản lý chất thải và phải xin cấp giấy phép môi trường.

Tuy nhiên, đối với các dự án ĐRPĐ, giấy phép môi trường chỉ tập trung kiểm soát các hoạt động/hành vi gây tác động xấu đến môi trường và không bao gồm toàn bộ hành vi liên quan đến môi trường nên phạm vi tên gọi là giấy phép còn rộng, vượt quá phạm vi nội dung của giấy phép. Bên cạnh đó, quy định các doanh nghiệp phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường rồi mới làm hồ sơ xin giấy phép môi trường. Đây là một rủi ro cho doanh nghiệp cần phải lưu ý khi chi phí đầu tư cao cho các công nghệ xử lý nước thải, xử lý chất thải và các hệ thống quản lý môi trường khác. Nhất là đối với các dự án ĐRPĐ có sử dụng các công nghệ cao, chi phí để hoàn thành được công trình bảo vệ môi trường là rất cao, điều này có thể khiến các chủ thể xin giấy phép môi trường khó khăn, tạo ra rào cản khiến các doanh nghiệp thực hiện dự án.

Ba là, quy định pháp luật về quản lý chất thải liên quan đến các hoạt động ĐRPĐ.

Các quy định về vấn đề này tập trung điều chỉnh 2 nhóm nội dung: phân loại, thu gom chất thải làm nguyên liệu cho ĐRPĐ và quản lý chất thải phát sinh trong quá trình ĐRPĐ. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 tiếp tục kế thừa việc phân loại chất thải dựa trên mức độ độc hại của từng loại chất thải nhằm đưa ra những quy định về việc thu gom chất thải cho hoạt động ĐRPĐ. Việc phân loại từng nhóm chất thải và quy định quản lý đối với từng loại chất thải góp phần nâng cao hiệu quả cho hoạt động ĐRPĐ.

Đối với các cơ sở ĐRPĐ, pháp luật Việt Nam đã quy định khá đầy đủ về quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại các cơ sở ĐRPĐ, bao gồm: nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng đất, trầm tích; về chất lượng không khí; về tiếng ồn, độ rung; về nước thải; về chất thải nguy hại; về lò đốt chất thải,… Ngoài ra, chủ dự án đầu tư các cơ sở ĐRPĐ đều phải thực hiện các biện pháp quản lý chất thải đã cam kết với cơ quan nhà nước trong Báo cáo ĐTM và thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép môi trường. Tuy nhiên, pháp luật quản lý chất thải trong hoạt động ĐRPĐ còn chưa có quy định cụ thể về quản lý mùi khó chịu.

Bốn là, các quy định về ưu đãi, hỗ trợ với hoạt động ĐRPĐ.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhà đầu tư dự án sản xuất, cung cấp thiết bị xử lý chất thải thông qua phương pháp ĐRPĐ được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Chủ dự án đầu tư sản xuất, cung cấp xử lý chất thải bằng phương pháp ĐRPĐ được hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai cũng như các đối tượng thuộc diện quản lý dự án; được vay vốn với mức ưu tiên tối đa không quá 50% lãi suất tín dụng đầu tư nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay. Thêm vào đó, thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư sản xuất, cung cấp xử lý chất thải kết hợp công nghệ thu hồi năng lượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều dự án vẫn đang thực hiện các thủ tục đầu tư, phần nhiều bị chậm tiến độ, hoặc bị đình trệ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu do thiếu chính sách và các cơ chế hỗ trợ. Để phát triển công nghệ điện rác, các chuyên gia kiến nghị cần cụ thể hóa cơ chế chính sách để phát triển công nghệ điện rác như: quy hoạch, đầu tư; giá mua điện; tiêu chuẩn thẩm định kỹ thuật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, phân loại chất thải.

4. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về đốt rác phát điện ở Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả ĐRPĐ, qua đó đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam trong thời gian tới, cần sớm khắc phục các hạn chế của pháp luật lĩnh vực này. Sau đây là một số giải pháp cơ bản:

Giải pháp thứ nhất: Hoàn thiện các quy định về ĐTM đối với các dự án nói chung và dự án ĐRPĐ nói riêng

Một là, để hoàn thiện pháp luật về ĐRPĐ liên quan đến đánh giá tác động môi trường đối với các chủ thể thực hiện ĐRPĐ, trước hết cần chú ý tới hoạt động tham vấn. Theo đó, pháp luật về đánh giá tác động môi trường cần mở rộng hơn nữa về đối tượng thực hiện tham vấn nhằm đồng nhất với mục tiêu và định hướng liên quan đến chủ trương thúc đẩy sự tham gia rộng rãi, tích cực của cộng đồng vào đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, trên cơ sở ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư (bao gồm cả các ý kiến không đồng thuận đối với việc triển khai dự án), chủ dự án có trách nhiệm “nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường” và “giải trình đầy đủ, rõ ràng các ý kiến không được tiếp thu”. Như vậy, cần quy định rõ vấn đề này, vì thực tế, vẫn có khả năng kết quả tham vấn của cộng đồng bị phớt lờ trong trường hợp chủ dự án ĐRPĐ và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của dự án cùng thỏa thuận và có sự giúp đỡ lẫn nhau.

Hai là, các cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án ĐRPĐ không chỉ có thẩm quyền và còn có nghĩa vụ chịu trách nhiệm với nội dung thẩm định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đó, trong trường hợp ý kiến của hội đồng thẩm định là sai, trái với quy định của pháp luật thì tính chịu trách nhiệm pháp lý ở đây sẽ được thực hiện như thế nào hoặc sẽ bị xử lý ra sao, điều này cần được làm rõ. Để đảm bảo tính công bằng, chính trực, pháp luật nên có cả những quy định liên quan đến xử phạt vi phạm đối với các chủ thể có thẩm quyền thẩm định ĐTM trong các trường hợp phát hiện sai phạm.

Giải pháp thứ hai: Hoàn thiện các quy định về giấy phép môi trường đối với các dự án/cơ sở ĐRPĐ

Để thực hiện pháp luật về giấy phép môi trường một cách hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, về tên gọi “Giấy phép môi trường” chưa thực sự phù hợp. Nội dung của Giấy phép môi trường hướng tới kiểm soát các hoạt động/ hành vi tác động xấu đến môi trường, nên tên gọi này còn chưa phù hợp do bản chất của giấy phép không rộng đến mức bao hàm toàn bộ các nội dung liên quan đến hoạt động môi trường. Bên cạnh đó, giấy phép này được quy định trong văn bản luật có tên gọi là Luật Bảo vệ môi trường nên để đảm bảo sự thống nhất giữa nội dung và tên gọi của giấy phép và tên gọi của văn bản Luật, Giấy phép môi trường nên được gọi là “Giấy phép bảo vệ môi trường”.

Hai là, đối với các dự án ĐRPĐ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, những dự án này vừa thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, vừa thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép môi trường thì trước đó, doanh nghiệp phải hoàn thành công trình bảo vệ môi trường thì mới có cơ sở để làm báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường. Quy định này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, bởi không phải trường hợp nào hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường cũng được duyệt ngay từ lần đầu tiên. Bên cạnh đó, chi phí thẩm định có thể là một rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc xin giấy phép do khi chi phí thẩm định cao, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ rất khó để có thể xin giấy phép. Pháp luật nên điều chỉnh mức chi phí nói trên, cân nhắc về điều chỉnh trình tự và các hướng dẫn cụ thể trong quá trình xin cấp giấy phép môi trường để tạo điều kiện nhất có thể cho các chủ dự án ĐRPĐ.

Giải pháp thứ ba: Hoàn thiện các quy định về quản lý chất thải trong lĩnh vực ĐRPĐ

Để khắc phục những hạn chế của pháp luật về vấn đề này, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật môi trường còn thiếu nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Như đã phân tích, điểm mới tiến bộ của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là đã quy định kiểm soát mùi khó chịu. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với mùi khó chịu. Do đó, trong thời gian tới cần ban hành quy chuẩn này và các quy chuẩn khác liên quan đến ĐRPĐ.

Thứ hai, cần bổ sung quy định hướng dẫn nhằm đưa những điểm tích cực của quy định quản lý và kiểm soát mùi khó chịu. Quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy ĐRPĐ. Để các quy định về kiểm soát mùi khó chịu đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả thì vấn đề này cần được quy định chi tiết hơn về các nội dung như: bổ sung quy định mùi khó chịu cũng cần xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; quản lý mùi khó chịu không chỉ trong khu dân cư mà còn trong quá trình thu gom, vận chuyển rác thải (luật mới chỉ quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong khu dân cư); và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với quản lý mùi khó chịu...

Giải pháp thứ tư: Hoàn thiện các quy định pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động ĐRPĐ

Cần ban hành quy định đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phát triển năng lượng từ rác thải để thu hút nhiều người tham gia hơn. Hoạt động xử lý chất thải để phát điện cần có sự ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt, vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí vận hành cao và thời gian thu hồi vốn lâu. Khi so sánh với chi phí sản xuất điện từ các loại hình phát điện khác, chi phí sản xuất điện từ chất thải cao hơn nhiều. Xây dựng nhà máy xử lý rác thải thành năng lượng với công nghệ hiện đại đòi hỏi sự đầu tư vốn lớn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiệu suất của các nhà máy biến rác thải thành năng lượng chỉ đạt khoảng 20-25%, thấp hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện khoảng 40-42%.

Do lưới điện quốc gia có công suất nhỏ nên thời gian hoàn vốn của các dự án này thường kéo dài từ 10 đến 20 năm. Hiện nay, mặc dù Nhà nước có ưu đãi giá đối với các dự án phát điện sử dụng công nghệ đốt rác thải rắn trực tiếp như phân tích ở trên nhưng giá mua điện mới chỉ áp dụng cho các dự án phát điện đốt trực tiếp chất thải rắn và các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp rác thải. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về ưu đãi giá đối với các dự án ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực biến rác thải thành năng lượng như công nghệ phát điện dựa trên khí hóa, công nghệ phát điện dựa trên đốt, công nghệ phát điện từ khí sinh học sản xuất, từ quá trình lên men,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 - Chuyên đề về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Nhà xuất bản Dân trí, Hà Nội.
  2. Chu Thế Huyền (2013), Hoàn thiện pháp luật về đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam hiện nay, luận văn thạc sỹ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  3. Lương Thị Thoa (2020), Đánh giá tác động môi trường theo pháp luật Việt Nam và một số kiến nghị nâng cao hiệu quả thực thi, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn - Số 42.
  4. Lê Minh Hương (2017). Năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển, truy cập tại <https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM115185 >
  5. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2023). Kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải ở Việt Nam,truy cập tại < https://dangcongsan.vn/xa-hoi/kinh-te-tuan-hoan-trong-quan-ly-rac-thai-o-viet-nam-651728.html>
  1. Phan Đình Minh (2021). Những bất cập trong quy định pháp luật về hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện nay tại Việt Nam và một số giải pháp hoàn thiện, truy cập tại < https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nhung-bat-cap-trong-quy-dinh-phap-luat-ve-hoat-dong-tham-dinh-bao-cao-danh-gia-tac-dong-moi-truong-hien-nay-tai-viet-nam-va-mot-so-giai-phap-hoan-thien-78829.htm>,
  2. Vu Thị Duyen Thuy (2022). The legal provisions of waste-to-energy development assistance during the climate change in Vietnam, International Journal of Law, Volume 8, Issue 6, 2022, Page No. 84-87.

Regulations on waste-to-energy in Vietnam: Current situation and solutions

Phan Thi My Hanh1

Pham Thi Thu Hang1

Nguyen Thi Hoai1

1Student, Hanoi Law University

Abstract:

Burning waste to generate electricity is an important and necessary solution for Vietnam to ensure energy security and cope with climate change. This paper analyzed Vietnam’s current regulations on waste-to-energy and made some recommendations to improve these regulations, including suggested improvements for regulations on environmental impact assessment, environmental permits, waste management, and proposed regulations on incentives and support from the government for waste-to-energy.

Keywords: waste-to-energy, law, energy security, environmental impact assessment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]

Tạp chí Công Thương