Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đặc biệt Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về tình hình triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đang tích cực triển khai các công việc như: ký kết hợp đồng các gói thầu, khởi công hạng mục các hạng mục công trình của Dự án...
Ký hợp đồng tư vấn giám sát thi công nhà ga hành khách
Ngày 07/7/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã ký kết và trao hợp đồng tư vấn gói thầu 5.12 “Tư vấn giám sát, thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công công trình nhà ga hành khách” của dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cho Liên danh Nhà thầu JAC – CONINCO (Japan Airport Consultants, Inc. và Công ty cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – CONINCO).
Nhà ga hành khách thuộc Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không, với tổng công suất thiết kế 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đây được coi là hạng mục quan trọng nhất bởi thời gian thi công dài nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất, quyết định đến sự thành công của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và nhận được sự quan tâm đặc biệt, những chỉ đạo quyết liệt về tiến độ và chất lượng công trình từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước. Do vậy, việc lựa chọn đơn vị có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm trên thế giới thực hiện tư vấn giám sát công tác triển khai thi công công trình được Chủ đầu tư đặt lên hàng đầu.
Tiếp đó, ngày 11/7/2023 ACV đã ký kết và trao Hợp đồng Gói thầu 6.12: Thi công xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình Hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cho các nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh.
Ngày 14/7/2023, ACV đã tổ chức khởi công xây dựng công trình Hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 của Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án. Đây là kết quả sau quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định về đấu thầu, thương thảo hợp đồng và sự phối hợp giữa ACV và UBND tỉnh Đồng Nai để có mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.
Với thời gian thực hiện theo hợp đồng là 885 ngày và giá trị hợp đồng hơn 2.630 tỉ đồng, gói thầu 6.12 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dấu mốc mở ra giai đoạn thi công khẩn trương các hạng mục lớn của Dự án đồng bộ khởi công trong tương lai, đặc biệt là hạng mục xây dựng Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Đôn đốc triển khai gói thầu chậm tiến độ
Ngày 12/7/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 5208/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về triển khai gói thầu 5.10 ((gói thầu “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách”), Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến: Gói thầu 5.10 thuộc Dự án thành phần 3, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 triển khai chậm, không đáp ứng được tiến độ Dự án theo yêu cầu của Quốc hội.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo quyết liệt Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để sớm lựa chọn được nhà thầu phù hợp theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 13/7, chủ trì họp phiên thứ 6 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu nhà ga hành khách để khởi công trong tháng 8/2023.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan, bổ sung nhân sự tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án đường bộ cao tốc, trong đó có tuyến giao thông kết nối Cảng hàng không Long Thành.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, tạo nền tảng phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy kết nối nền kinh tế nước ta với thị trường ASEAN, khu vực châu Á và toàn cầu, đồng thời, khắc phục tình trạng quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu đi tăng trưởng của thị trường hàng không.
Việc đầu tư, hoàn thành Dự án sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh với các cảng hàng không khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế. Dự kiến sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính là vị trí địa lý với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả an ninh - quốc phòng.