Để Luật Bảo vệ người tiêu dùng thực sự đi vào cuộc sống

Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được xây dựng để thay thế Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu

 

Bên cạnh Pháp lệnh về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, còn có nhiều văn bản pháp luật khác như: Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005), Luật Kinh doanh bảo hiểm (2000), Luật Bảo vệ môi trường (20065), Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (2007). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những tranh chấp, khiếu nại đòi giải quyết quyền lợi của khách hàng đối với các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngày càng nhiều và người tiêu dùng vẫn chưa thực sự được bảo vệ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh khẳng định: Trong bối cảnh các vụ việc về xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh như hiện nay, việc xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng là một việc làm cấp bách, không những bảo vệ người tiêu dùng mà còn bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp.

Trước thực tế này, Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Dự thảo Luật gồm có 9 chương, 71 điều, tập trung quy định về các nội dung liên quan tới trách nhiệm của thương nhân trước, trong và sau khi giao dịch với người tiêu dùng; các phương thức mà NTD có thể thực hiện để bảo vệ quyền lợi của mình, hoạt động của Hội Bảo vệ NTD.

Ông Đặng Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, thành viên Ban Soạn thảo, tổ phó tổ biên soạn Luật Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Dự thảo Luật này coi người tiêu dùng là trung tâm và là một bên yếu thế trong quan hệ với thương nhân, yếu thế về tài chính, về trình độ chuyên môn về thông tin, về khả năng liên kết. Mặt khác, chế tài xử lý lại chưa đủ sức răn đe, cơ chế xử lý khiếu nại của người tiêu dùng còn nhiều bất cập, chưa huy động được sức mạnh của cả xã hội để bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, định hướng xây dựng Luật sẽ sử dụng quyền lực thị trường nhằm nâng cao lợi ích người tiêu dùng bao gồm: Cân bằng lợi ích xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng; Bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững; Thông qua hoạt động bảo vệ người tiêu dùng nhằm đảm bảo trật tự công; Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng...

Vừa qua, cùng với việc thực hiện Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên Giai đoạn III (EU - Việt Nam MUTRAP III), Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức nhiều cuộc Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật này. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam góp ý: Xây dựng Luật này phải cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Người tiêu dùng là một phần xã hội và hưởng thụ những sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất, nhưng lâu nay vẫn bị yếu thế và không biết làm thế nào để bảo vệ lợi ích của mình, trong khi để giải quyết những vấn đề người tiêu dùng khiếu kiện, thì chúng ta cũng vẫn đang lúng túng. Bên cạnh đó, cần xem xét tới quyền lợi của doanh nghiệp, đặc biệt là trong những vụ tranh chấp kiện tụng, bởi trên thực tế, còn nhiều vụ kiện chưa được minh bạch. Ông Hà Đăng Hiển, nguyên Trưởng Ban Pháp chế, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VN đề nghị: Không nên đưa người mua nguyên vật liệu làm đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật vì đã thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Thương mại. Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ quyền lợi thông qua các tổ chức, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước. Ông Vũ Khắc Thư - Ban Pháp chế Tập đoàn Điện lực VN thì đề cập đến hợp đồng mẫu: Ngành Điện có hai loại hợp đồng mẫu đối với khách hàng lớn (khách hàng có quyền đàm phán về điều khoản lớn, cơ bản và điều khoản tùy nghi) và khách hàng tiêu dùng (dự thảo luật nên chỉ quy định là khách hàng có quyền thỏa thuận về điều khoản tùy nghi). Ông cho rằng, đứng ở góc độ của nhà cung cấp dịch vụ lớn, Dự thảo Luật nên đảm bảo lợi ích hài hòa của người tiêu dùng và nhà cung cấp. Luật gia Vũ Xuân Tiền - Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam cho rằng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần phải được xem xét toàn diện hơn. Tuy nhiên, để Luật phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống, bảo đảm sự hài hòa về lợi ích giữa người sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng thì các điều khoản của Luật cần được xem xét một cách toàn diện. Thạc sĩ Trần Thị Quang Hồng - Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp nêu: Luật Bảo vệ người tiêu dùng không thể thay thế tất cả các văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trước đây, nhưng Luật cần phải đóng vai trò trung tâm trong hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ NTD. Vai trò trung tâm này đòi hỏi Luật phải thể chế hóa những yêu cầu tối thiểu và căn bản nhất cho việc bảo vệ NTD ở khía cạnh pháp luật chung, đồng thời xác định các quy định mang tính nền tảng để làm cơ sở cho các yêu cầu bảo vệ NTD trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Tham gia góp ý tại Hội nghị, còn có các chuyên gia nước ngoài. Bà Midori Tani - chuyên gia phân tích cao cấp về chính sách người tiêu dùng, Bộ Thương mại và Kinh tế Nhật Bản cho rằng: Đại diện doanh nghiệp cần phải tích cực có những ý kiến đóng góp cho Luật Bảo vệ người tiêu dùng để công tác này có hiệu quả hơn. Những doanh nghiệp kém và không có ý thức trách nhiệm với người tiêu dùng sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam kém phát triển và ngược lại. Còn giáo sư luật Trường Đại học Hitotsubashi - Ông Tsuneo Matsumoto thì đưa ra ví dụ từ kinh nghiệm của Nhật Bản. Ông cho biết, ngày 14/9/2009, Nhật Bản thành lập Cục Bảo vệ người tiêu dùng. Các thành viên là các bộ ngành liên quan. Lý do thành lập Cục này là do Nhật nhập khẩu nhiều hàng hóa Trung Quốc và nhiều người tiêu dùng của Nhật Bản đã bị hàng hóa này tác động. Việc nền kinh tế thế giới toàn cầu hóa sẽ không tránh khỏi việc giao thương hàng hóa ở các nước khác liên thông với nhau và việc hình thành Cục Bảo vệ người tiêu dùng là rất cần thiết.

Nhìn chung, hầu hết các nhà khoa học, các nhà quản lý, các luật sư, chuyên gia nước ngoài, đại diện các bộ ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ Dự thảo Luật. Dư luận thì đánh giá Dự thảo có rất nhiều điều mới, khái niệm mới, những quy định cụ thể. Dự thảo đã thể hiện một sự tiến bộ vượt bậc so với Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng hiện nay về các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, Dự thảo quá nghiêng về bảo vệ người tiêu dùng, mà ít quan tâm tới quyền lợi của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo và trình Chính phủ vào cuối năm 2009 và thông qua Quốc hội vào năm 2010.

  • Tags: