Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề cập đến 2 phương án liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 1 quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Trong đó, nhóm 1 là người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Đối với nhóm người lao động này, sau 12 tháng nghỉ việc, nếu có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Ưu điểm của phương án này sẽ dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của thời gian qua. Nhược điểm của phương án này là số người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực (khoảng hơn 17,5 triệu người) vẫn có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 2 quy định người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm có yêu cầu rút bảo hiểm xã hội thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Ưu điểm của phương án này là hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể không giảm nhiều nhưng khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại.
Nhược điểm của phương án là chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi luật có hiệu lực thi hành. Tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vẫn còn nhiều ý kiến về quy định bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó có ý kiến cho rằng không đồng ý với cả 2 phương án trên. Lý do phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trong khi phương án 2 cho rút bảo hiểm xã hội 50% không hợp lý vì số tiền đóng là của người lao động. Ban soạn thảo cũng chưa giải thích được vì sao đưa ra tỷ lệ 50%.