Hàng nội mất lợi thế cạnh tranh
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, mức nhập khẩu phân bón của cả nước đạt gần 4,12 triệu tấn, trị giá trên 1,41 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với năm 2022. Giá trung bình nhập phân bón trong năm 2023 đạt 342,9 USD/tấn, giảm 28% so với năm 2022.
Trong đó, Trung Quốc và Nga lần lượt là 2 thị trường đứng đầu về cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm gần 60% tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu phân bón của nước ta.
Theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng) của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng.
Tại Trung Quốc, mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón hiện ở mức 11% và đang đề xuất giảm xuống mức 9%, trong khi Nga áp mức thuế 20% đối với mặt hàng này. Ngoài ra, một số nước có thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, ví dụ như Romania, Croatia, Ấn Độ,…
Thực tế, việc các nước đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT lại giúp doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.
Trong khi đó, tại Việt Nam, phân bón không nằm trong danh sách hàng hóa “được” chịu thuế GTGT, theo Luật Thuế Giá trị gia tăng 2014 (Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014).
“Doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp không chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất”, Bộ Tài chính phân tích.
Những năm qua, các doanh nghiệp phân bón và Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã liên tục kiến nghị sửa đổi quy định này, chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% để vừa tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT.
Doanh nghiệp thiệt hại cả nghìn tỷ đồng
Phân tích cụ thể hơn về câu chuyện thuế GTGT ngành phân bón, đại diện Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, phần thuế GTGT không được khấu trừ đối với nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón được tính vào chi phí sản xuất, làm giá thành sản xuất phân bón trong nước tăng lên, dẫn đến giá bán cũng tăng theo.
Đối với Lâm Thao, phần chi phí thuế này chiếm khoảng 2% - 3,4% trong giá thành tùy loại sản phẩm phân bón, làm giãn khoảng cách lợi thế về giá của sản phẩm Công ty từ 5% - 8,4% khi cạnh tranh trên thị trường.
“Phân bón nội mất lợi thế, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng và sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân sẽ phải mua phân bón với giá đắt. Như vậy, thiệt hại thuộc về cả Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân”, đại diện Công ty nhận định.
Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư sản xuất phân bón, hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón (đặc biệt là máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu của các nhà bản quyền) đều chịu thuế GTGT 10%.
Trước khi có Luật số 71/2014/QH13, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ khi có Luật số 71/2014/QH13, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, tăng giá trị tài sản cố định.
Ước tính mỗi nhà máy sản xuất phân bón bàn giao đưa vào sử dụng trong gia đoạn này tăng nguyên giá tài sản cố định ít nhất từ 6% - 8%, dẫn đến hiệu quả các dự án đầu tư giảm, không khuyến khích đầu tư sản xuất phân bón.
Như vậy, toàn bộ số thuế GTGT đầu vào cho sản xuất sản phẩm phân bón trong nước phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, làm giá thành sản phẩm của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tăng thêm 5% - 8,4% tùy loại. Mỗi năm, thuế GTGT tính vào giá trị tài sản cố định, tăng nguyên giá tài sản ước tính là 21 tỷ đồng; thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất phân bón của Công ty là 1.054 tỷ đồng.
Trong khi đó, đối với Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem, việc không được khấu trừ thuế đầu vào đã khiến Công ty tăng chi phí trung bình 100-200 tỷ đồng/năm, tùy thuộc vào giá nguyên vật liệu đầu vào. Kéo theo đó, giá thành sản phẩm tăng lên và bắt buộc phải tính vào giá bán.
Tính toán của Công ty cho thấy, tổng chi phí thuế VAT đầu vào không được khấu trừ từ năm 2015 đến 12/2023 là 808 tỷ đồng.
“Tương ứng nếu không chịu tác động của Luật số 71/2014/QH13 thì chi phí sản xuất kinh doanh của Công ty sẽ giảm tương ứng và giá bán sản phẩm tới người nông dân có thể giảm gần 0,6 triệu đồng/tấn DAP”, đại diện Công ty cho biết.
Cụ thể, năm 2022, thuế GTGT tính vào chi phí của Công ty là 200,3 tỷ đồng và bằng 8% tổng chi phí sản xuất kinh doanh cả năm của Công ty, tăng giá thành sản phẩm 1,15 triệu đồng/tấn. Trong năm 2023, khoản thuế GTGT tính vào chi phí là 86,8 tỷ đồng và tăng giá thành sản phẩm 0,5 triệu đồng/tấn.
Kỳ vọng vào Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
Tại Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) mới nhất, Bộ Tài chính đã đề xuất “Sửa đổi quy định mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế GTGT thành đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%”.
Ngày 29/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Sau khi điều chỉnh, theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) Quốc hội sẽ thông qua 9 Luật, 1 Nghị quyết và cho ý kiến 12 dự án Luật; tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) Quốc hội sẽ thông qua 12 Luật, cho ý kiến 3 dự án Luật.
Theo đó, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Nếu được thông qua, đây sẽ là “ánh sáng” cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón sau 8 năm liên tục kiến nghị thay đổi chính sách. Không chỉ tạo một “cuộc chơi” công bằng hơn, môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, việc sửa đổi chính sách thuế GTGT cũng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón có động lực kinh doanh, tạo lợi nhuận phát triển doanh nghiệp, tăng sản lượng cung cấp cho người nông dân góp phần chủ động, ổn định an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung phân bón toàn cầu ngày càng bị thắt chặt trước chính sách hạn chế xuất khẩu của các nước lớn và tình hình kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường trong năm 2024.