Đây là nội dung được nêu tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 được Văn phòng Chính phủ thông báo mới đây.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 02 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài Chính chủ động nghiên cứu, rà soát, xem xét các chính sách có hiệu lực đến hết năm 2023. Trong trường hợp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, cần kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn chính sách.
Tại họp báo thường kỳ quý III/2023 của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang nghiên cứu nội dung này.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023 là khoảng 196.000 tỉ đồng, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho một số nhóm hàng hóa dịch vụ.
"Hiện Bộ Tài chính đang đánh giá tổng thể việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ đã triển khai trong thời gian qua để có thể tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành trong thời gian tới" - ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh.
Hiện nay, thuế giá trị gia tăng được giảm từ mức 10% về mức 8% đối với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ. Việc giảm thuế giá trị gia tăng đã góp phần giảm giá bán. Từ đó, góp phần giảm chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thuế suất 10% cũng đã được hưởng lợi từ khi đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng được thông qua.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.