Phạm vi điều chỉnh quy định tại dự thảo Thông tư mở rộng hơn, không chỉ bao gồm kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường mà còn kiểm tra các hoạt động khác trong hoạt động công vụ của Quản lý thị trường.
Về thẩm quyền quyết định kiểm tra, dự thảo nêu rõ:
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường quyết định việc kiểm tra nội bộ đối với cơ quan, công chức theo phân cấp quản lý được giao. Thẩm quyền kiểm tra được mở rộng đối tượng là Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, phạm vi của Cục trưởng mở rộng hơn không chỉ kiểm tra các Đội Quản lý thị trường mà còn bao gồm các đơn vị, công chức trực thuộc (cấp phòng).
Về hình thức kiểm tra, có 3 hình thức bao gồm:
Kiểm tra nội bộ định kỳ theo chương trình, kế hoạch; kiểm tra nội bộ bất thường; kiểm tra nội bộ đột xuất trong hoạt động công vụ của cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường. Đối chiếu với hình thức kiểm tra quy định tại Quyết định số 20/2008/QĐ-BCT, dự thảo Thông tư đã mở rộng thêm hình thức kiểm tra nội bộ việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính để phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong những năm gần đây.
Về nội dung kiểm tra:
Cơ cấu tổ chức của cơ quan Quản lý thị trường được thay đổi, tổ chức theo mô hình ngành dọc, tập trung, thống nhất do vậy nội dung kiểm tra tại dự thảo được mở rộng hơn để phù hợp với cơ cấu tổ chức của cơ quan Quản lý thị trường trong tình hình mới. Theo đó, bổ sung thêm các nội dung kiểm tra như: Kiểm tra hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường đối với hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường; Kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản tại cơ quan Quản lý thị trường các cấp; Kiểm tra kỷ cương, kỷ luật lao động và việc chấp hành các quy định của pháp luật của công chức Quản lý thị trường.
Về số lần kiểm tra nội bộ dự thảo quy định rõ:
Kiểm tra nội bộ định kỳ theo kế hoạch không quá một lần trong năm đối với một cơ quan Quản lý thị trường; Kiểm tra nội bộ bất thường và đột xuất không giới hạn số lần kiểm tra đối với một cơ quan Quản lý thị trường.
Về thời gian thực hiện một cuộc kiểm tra nội bộ định kỳ, bất thường:
Cuộc kiểm tra nội bộ của Tổng cục không quá 15 ngày làm việc, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày làm việc; Cuộc kiểm tra nội bộ của Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Cục) không quá 10 ngày làm việc, trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc nơi đi lại khó khăn thì thời gian kiểm tra có thể kéo dài, nhưng không quá 15 ngày làm việc.
Về thời gian thực hiện một cuộc kiểm tra nội bộ đột xuất:
Cuộc kiểm tra khi phát hiện công chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật không quá năm ngày làm việc; Cuộc kiểm tra nhanh việc thực hiện kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính và chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ của công chức, cơ quan Quản lý thị trường không quá một ngày làm việc.
Thời gian thực hiện mỗi cuộc kiểm tra nội bộ được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra hoặc ngày bắt đầu kiểm tra nội bộ đột xuất đến ngày kết thúc việc kiểm tra nội bộ tại đơn vị được kiểm tra.
Việc kéo dài thời gian thực hiện một cuộc kiểm tra nội bộ do người quyết định kiểm tra quyết định bằng văn bản.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.