Đi ngược thị trường, Dệt may TNG báo doanh thu 5 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực

Trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam thiếu hụt đơn hàng, Dệt may TNG cho biết doanh thu 5 tháng đầu năm tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và thị trường xuất khẩu chiếm tới 98% tổng doanh thu.
Dệt may TNG ghi nhận doanh thu tăng
Thị trường xuất khẩu hiện đóng góp 98% tổng doanh thu của Dệt may TNG; trong đó, Hoa Kỳ, Pháp và Canada là các thị trường trọng điểm của công ty.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã chứng khoán: TNG – sàn: HNX) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 5/2023 với mức doanh thu tiêu thụ đạt 668 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 6,5% so với hồi tháng 4/2023.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm nay, Dệt may TNG ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.630 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, trở thành một trong số ít doanh nghiệp dệt may niêm yết có mảng kinh doanh cốt lõi ghi nhận tăng trưởng doanh thu dương trong bối cảnh toàn ngành dệt may Việt Nam đối mặt tình trạng sụt giảm đơn hàng.

Đáng chú ý, 98% doanh thu của Dệt may TNG là đến từ các đối tác nước ngoài, thị trường nội địa chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu công ty. Trong số các thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường trọng điểm của Dệt may TNG (chiếm 47% tổng doanh thu), theo sau là Pháp (chiếm 16%) và Canada (chiếm 11%). Công ty cũng đang đẩy mạnh thâm nhập vào các thị trường khác như Nga, Tây Ban Nha và Đức.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, cổ đông Dệt may TNG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu đạt 6.800 tỷ đồng (tương đương năm 2022) và lợi nhuận sau thuế 299 tỷ đồng (tăng 2,73% so với năm 2022). Như vậy, sau 5 tháng đầu năm, Dệt may TNG đã hoàn thành gần 39% mục tiêu doanh thu.

Theo đánh giá mới nhất về tình hình ngành dệt may của Chứng khoán KIS Việt Nam, quý 2/2023 tiếp tục là khoảng thời gian khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may khi lượng tồn kho cao tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ và châu Âu khó có thể giảm đáng kể, dẫn đến việc phục hồi đơn hàng khó xảy ra.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng là một trở ngại đối với nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu hàng may mặc của nước này trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu ở mức yếu.

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất định, lãnh đạo Dệt may TNG cho biết để đạt được mục tiêu kinh doanh đã đề ra, Công ty sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm may xuất khẩu cho khách hàng có thương hiệu là những nhà bán lẻ lớn trên thế giới và các hãng thời trang có thương hiệu, uy tín như Nike, ANF, Adidas, Tomtailor....

Đồng thời, Công ty tập trung triển khai các dự án nghiên cứu chế tạo sản phẩm phục vụ tự động hóa lĩnh vực may mặc; cung cấp, ký kết các hợp đồng phần mềm; tập trung thúc đẩy hoạt động bán và cho thuê đất tại Cụm công nghiệp Sơn Cẩm...

Vào ngày 15/6 tới đây, Dệt may TNG sẽ chốt quyền đăng ký nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 08 cổ phiếu mới. Theo đó, Công ty dự kiến phát hành hơn 8,4 triệu cổ phiếu với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 84 tỷ đồng để trả cổ tức.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 5/6, giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG đạt 20.500 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang