Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC): Động lực tăng trưởng mới đến từ điện gió ngoài khơi

Dự kiến lợi nhuận năm nay của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) sẽ tăng 7% so với năm ngoái khi khối lượng công việc xây lắp tăng lên. Mảng điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới của công ty trong những năm tới đây.
Điện gió ngoài khơi Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) định hướng tập trung vào các dự án ngoài khơi (offshore) đối với các công trình dầu khí truyền thống và đẩy mạnh tham gia chào thầu các gói thầu thi công điện gió ngoài khơi.

Vietcombank Securities (VCBS) vừa dự báo lợi nhuận sau thuế trong năm nay của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã cổ phiếu: PVS – sàn: HNX) đạt 1.011 tỷ đồng, tăng 7% so với mức thực hiện của năm 2022.

Kết quả kinh doanh này được VCBS tính toán dựa trên giả định giá dầu thô Brent ở mức 85 USD/thùng, giá MFO Singapore ở mức 390 USD/tấn, giá LPG theo CP (Contract Price) Aramco ở mức 670 USD/tấn; đồng thời, giả định tỷ giá USD/VND ở mức trung bình 23.900 đồng. Giả định này cũng chưa bao gồm việc Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam có thể thắng thầu trong một số gói thầu thuộc chuỗi dự án khí, điện Lô B-Ô Môn.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và trong khu vực về cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Công ty hiện đang hoạt động kinh doanh chủ yếu trên 6 lĩnh vực, gồm: xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C); kho nổi FSO/FPSO; dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, bảo dưỡng O&M; cung ứng tàu dầu khí; căn cứ Cảng dầu khí; và khảo sát địa chấn.

Tỷ trọng doanh thu của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Tỷ trọng doanh thu (Biểu đồ bên trái) và tỷ trọng lợi nhuận gộp (Biểu đồ bên phải) các mảng kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (Nguồn: VCBS)

Trong đó, mảng dịch vụ xây lắp M&C là mảng kinh doanh mũi nhọn của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí nhờ lợi thế chuyên môn đặc thù liên quan tới đóng giàn, chân đế, lắp đặt các cấu kiện hay thi công các phần của dự án lọc hóa dầu. Đây cũng là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất, chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng doanh thu hàng năm của công ty. Trong quý 1/2023, doanh thu từ mảng này đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ khối lượng công việc tăng lên và thực hiện các dự án đúng tiến độ theo yêu cầu khách hàng.

Hiện tại công ty định hướng tập trung vào các dự án ngoài khơi (offshore) đối với các công trình dầu khí truyền thống và đẩy mạnh tham gia chào thầu các gói thầu thi công điện gió ngoài khơi. Tháng 5 vừa qua, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã ký kết hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi với tập đoàn Ørsted cho dự án ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc) trị giá hơn 300 triệu USD.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được nhận định sẽ hưởng lợi từ Quy hoạch Điện VIII trong bối cảnh năng lượng tái tạo sẽ đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Theo Quy hoạch Điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 6.000 MW và quy mô có thể tăng thêm nếu công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Đây là căn cứ để Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có khả năng chào và trúng thầu các hợp đồng EPC trong nước. Từ đó, dần đưa mảng thi công chế tạo cho các dự án điện gió ngoài khơi thành mảng kinh doanh chính. VCBS hiện nhận định Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có tiềm năng tiếp tục ký thêm hợp đồng thi công điện gió ngoài khơi trong bối cảnh các quốc gia giảm phát thải khí nhà kính.

Các dự án của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam PTSC
Các dự án xây lắp M&C đang được Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí triển khai. (Nguồn: VCBS)

Trong năm nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - Vietsovpetro - Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam dự kiến sẽ  thành lập tổ hợp phát triển chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi. Với lợi thế hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ liên quan để thực hiện các dự án trên biển, nên tổ hợp phát triển có nhiều lợi thế, năng lực để triển khai dự án năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, tỷ suất biên lợi nhuận gộp của mảng dịch vụ xây lắp M&C nhiều năm qua của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt mức thấp 1,6%-2% do giá nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh trong giá đấu thầu các dự án.

Trong khi đó, mảng dịch vụ căn cứ Cảng dầu khí chỉ chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu nhưng lại là mảng có biên lợi nhuận gộp cao nhất của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, lên đến 18% - 20%. Công ty hiện đang vận hành 08 cảng, doanh thu và lợi nhuận mảng này chủ yếu đến từ mảng dịch vụ dầu khí từ các cảng khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu.

Với hệ thống cảng kết hợp nhà xưởng có diện tích lên đến hơn 200 ha, cùng cầu cảng dài 1.000m lớn nhất trong khu vực, các cảng khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là nơi Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thực hiện gia công chế tạo chi tiết cho các dự án điện gió ngoài khơi. Công ty cũng vừa đầu tư 6 nhà xưởng mới dùng trong thi công chân đế điện gió với công nghệ hiện đại hơn so với các đối thủ trong khu vực.

VCBS kỳ vọng các hợp đồng điện gió ký mới sẽ thúc đẩy tăng trưởng mảng dịch vụ cảng biển của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí kể từ năm 2023.

Cùng với dịch vụ căn cứ cảng, mảng kinh doanh dịch vụ vận chuyển/lắp đặt bảo dưỡng O&M & dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng đem lại lợi thế cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong việc cung cấp các loại tàu vận chuyển nhân sự phục vụ dự án điện gió gần bờ và đẩy mạnh dịch vụ này ra các thị trường nước ngoài.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/6, giá cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đạt 30.900 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang