PTSC ký hợp đồng sản xuất chân đế turbine cho dự án điện gió ngoài khơi lớn hàng đầu châu Á

Ngày 19/5, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho dự án CHW2204 của Tập đoàn năng lượng Orsted (Đan Mạch) tại Đài Loan (Trung Quốc).
Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam ký hợp đồng Orsted
Việc thực hiện hợp đồng với Orsted đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam.

Theo đó, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán: PVS – sàn: HNX) sẽ sản xuất 33 kết cấu móng chân đế hút chân không (suction bucket) cho các turbine. Các kết cấu này sẽ được lắp đặt tại cụm trang trại điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 của Orsted tại Đài Loan (Trung Quốc) vào cuối năm 2025. Cụm dự án này có công suất thiết kế lên đến 920 MW.

Dự án ước tính sử dụng 70.000 tấn thép và mang lại hàng nghìn việc làm cho Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam và các nhà thầu trong chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh, việc ký kết và thực hiện Hợp đồng này là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử hoạt động và phát triển của Tổng Công ty, đánh dấu sự thay đổi tư duy, chuyển dịch và mở rộng mô hình sản xuất từ đơn chiếc sang sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, năng suất cao, chu trình sản xuất theo chuỗi khép kín hoàn toàn khác biệt với dầu khí truyền thống.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi. Việc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam trúng thầu góp phần hình thành nên trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Đông Nam Bộ, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi hoàn chỉnh với nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo trong nước.

Ông Jonas Bak Solhøj, Giám đốc Phát triển Dự án CHW2204 thuộc Tập đoàn Orsted, chia sẻ: “Với tư cách là công ty dẫn đầu toàn cầu về điện gió ngoài khơi, chúng tôi rất vui mừng khi được hợp tác cùng Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam để phát triển sản xuất các kết cấu móng trụ turbine cho điện gió ngoài khơi đạt tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và chất lượng. Đây sẽ là lần đầu tiên công nghệ tiên tiến sản xuất móng chân đế hút chân không được triển khai tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.”

Lĩnh vực điện gió ngoài khơi được đánh giá là động lực tăng trưởng kinh doanh mới và dài hạn đối với Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Hiện tại, Tổng Công ty  đang cung cấp các dịch vụ khảo sát ngoài khơi cho các nhà thầu năng lượng gió ngoài khơi; vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm, cung cấp tàu dịch vụ... cho các dự án điện gió ở Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận.

Điện gió ngoài khơi
Điện gió ngoài khơi được xem là động lực tăng trưởng mới và dài hạn đối với hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam.

Việt Nam hiện là nước có tiềm năng điện gió lớn nhất Khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Thế giới ước tính tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam là hơn 500 GW và có thể cung cấp nguồn điện năng tương đương lượng điện từ điện than hiện đang cung cấp nhờ có đường bờ biển dài và khả năng chịu sức gió mạnh của gió mùa Đông Bắc.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước sẽ đạt khoảng 6.000 MW, chiếm 4% tổng công suất các nhà máy điện và trong trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn.

Việc trúng thầu với Tập đoàn Orsted mở ra cơ hội lớn cho Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam có thể tiếp tục giành được các hợp đồng điện gió ngoài khơi khác với các đối tác nước ngoài trong thời gian tới.

Liên quan tới lĩnh vực điện gió, gần đây Tổng Công ty cũng đã tham gia nhiều ký kết thỏa thuận với các đối tác nước ngoài lớn như: SARENS (Bỉ) vào tháng 10/2022 về việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại thị trường Việt Nam và quốc tế; HDF Energy (Pháp) vào tháng 12/2022 về phát triển các nhà máy điện Năng lượng tái tạo ổn định và điện khí Hydro; Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (Singapore) vào tháng 2/2023 về hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, trong quý 1/2023 vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.703 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là hơn 227 tỷ đồng, lần lượt giảm 1,7% và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng Công ty cho biết nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm là khoản thu nhập khác trong quý 1/2023 giảm so với quý 1/2022. Trong quý 1/2022, Tổng Công ty có phát sinh thu nhập từ thanh lý tài sản cố định.

Theo Báo cáo thường niên năm 2022, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu kinh doanh trong năm nay với doanh thu thuần 13.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 560 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 1/2023, Tổng Công ty đã hoàn thành 28% mục tiêu doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Duy Quang