Điện Biên: Liên kết nâng cao giá trị cho nông sản

Điện Biên là tỉnh có nguồn nông sản phong phú như gạo, chè, cà phê... Điện Biên đã và đang tích cực xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị nông sản. Đến nay nông sản Điện Biên đã phủ sóng trên thị trường trong nước và các tỉnh Bắc Lào.

Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác và nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, Điện Biên đã có nhiều sản phẩm sản xuất theo chuỗi, đem lại giá trị kinh tế cao nông sản địa phương.

Tiêu biểu cho loại sản phẩm nông nghiệp của Điện Biên được lựa chọn để sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi chính là gạo Bắc thơm số 7 và IR. Đây là giống lúa thuần chủng dẻo thơm nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng. Do tập quán canh tác truyền thống khiến năng suất, chất lượng kém.

Gạo Séng cù Nàng Hiên - sản phẩm của mô hình liên kết với nông dân

Với mong muốn giữ gìn chất lượng, thương hiệu gạo Điện Biên, đồng thời nâng cao sản lượng lúa gạo, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Năm 2016, Công ty liên kết với người dân ở các xã: Thanh Yên, Thanh Xương, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) tổ chức sản xuất lúa gạo theo chuỗi trên diện tích gần 10 ha.

Công ty hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa… để mang lại sản phẩm gạo có chất lượng, an toàn. Khi thu hoạch, Công ty thu mua 100% sản lượng trên diện tích sản xuất theo chuỗi với giá bằng và cao hơn giá thị trường. Từ thành công vụ đầu, đến nay, Công ty đã liên kết với hàng ngàn hộ dân mở rộng diện tích lên 50 ha lúa, nâng sản lượng mỗi vụ lên 300 tấn gạo thành phẩm.

Không chỉ Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên, nhiều doanh nghiệp hợp tác xã đã tham gia phát triển sản xuất gạo theo chuỗi liên kết, như: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green liên kết thực hiện dự án cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ lúa IR64, Bắc thơm số 7, liên kết trồng và bao tiêu quả vú sữa tại xã Thanh Hưng.

Đến nay, sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã Dịch vụ Thanh Yên, gạo séng cù Nàng Hiên của Công ty TNHH Safe Green đã thâm nhập một số thị trường khó tính trong nước như: Hà Nội, Quảng Ninh…

Cây ca cao cũng đều áp dụng mô hình liên kết để nâng cao giá trị cho nông sản địa phương

Cùng với gạo, các mặt hàng nông sản khác như chè, cà phê, ca cao cũng đều áp dụng mô hình liên kết để nâng cao giá trị cho nông sản địa phương. Từ đây các nông sản liên kết tự tin gia nhập thị trường trong và ngoài nước với nguồn gốc, tiêu chuẩn rõ ràng.

Song song với việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, Điện Biên chú trọng xúc tiến thương mại, nhằm xây dựng thương hiệu và phủ sóng sản phẩm nông sản địa phương. Những năm gần đây, ngành Công Thương đang phối hợp với các ban ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là sản phẩm OCOP.

Hàng năm, Sở Công Thương tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng, chủ lực tại tỉnh Điện Biên, tổ chức phiên chợ hàng Việt trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức đoàn doanh nghiệp, cá nhân, có sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của tỉnh tham gia hội chợ thương mại trong cả nước và quốc tế (các tỉnh Bắc Lào).

Từ năm 2020, Sở Công Thương Điện Biên sẽ từng bước ứng dụng xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản trên nền tảng công nghệ số, thương mại điện tử. Đây là cơ hội để lan tỏa hơn thương hiệu nông sản Điện Biên ra thị trường.

Hoàng Lâm