Trên cơ sở tiềm năng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, những năm qua Điện Biên chú trọng phát triển sản xuất gắn chế biến nông, lâm sản, thực phẩm trên cơ sở gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu như: gạo tại huyện Điện Biên, vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên, vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, vùng chè Tủa Chùa…tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Gia tăng các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị của ngành đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và phục vụ du lịch, tạo điều kiện để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Từng bước sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Phát triển trên cơ sở gắn với liên kết chặt chẽ về lợi ích giữa ngành công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu. Khuyến khích sắp xếp các hộ chế biến từng bước chuyển thành cơ sở chế biến tập trung để giải quyết việc xử lý môi trường và tăng chất lượng sản phẩm.
Hình thành một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được củng cố; khoa học công nghệ; cơ giới được áp dụng trong sản xuất, bảo quản, chế biến. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ cấu sản xuất nội ngành từng bước chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, quy mô, giá trị sản xuất lúa chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh tiếp tục được duy trì và phát triển về chất lượng, hình thành một số vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung như chè Shan tuyết, cà phê, cao su, trồng rừng sản xuất, gắn với phát triển công nghiệp chế biến.
Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp bước đầu được hình thành và từng bước được nhân rộng trên các lĩnh vực như sản xuất lúa chất lượng cao, chè Shan tuyết, cà phê, cao su. Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu đã được tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân yên tâm sản xuất, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là xu hướng chung và cần thiết trong quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Trồng và chế biến chè, theo số liệu thống kê, diện tích trồng chè trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt 594,9 ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 74,1 tấn trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Tủa Chùa. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 02 doanh nghiệp chế biến chè là Công ty cổ phần giống nông nghiệp Điện Biên và Công ty TNHH Trà Phan Nhất, còn lại một số xưởng sơ chế nhỏ quy mô hộ gia đình.
Trồng và chế biến cà phê, tổng diện tích trồng cà phê toàn tỉnh đạt 3.949 ha trong đó diện tích cho sản phẩm là 3.646 ha với tổng sản lượng cà phê nhân đạt 7.964 tấn trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Mường Ảng. Hiện tại chế biến cà phê của tỉnh chủ yếu là sơ chế cà phê nhân để xuất khẩu, một số doanh nghiệp chế biến cà phê bột tuy nhiên sản phẩm còn chưa cạnh tranh được với một số sản phẩm cùng loại trên thị trường, chủ yếu phục vụ thị trường trong tỉnh.
Trồng và chế biến lúa, gạo, tổng diện tích lúa cả năm của tỉnh là 50.162 ha trong đó lúa đông xuân là 9.076 ha và lúa mùa là 41.086 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Điện Biên. Tổng sản lượng lúa cả năm đạt 178.116 tấn với năng suất bình quân đạt 35,51 tạ/ha. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 01 nhà máy chế biến gạo tại xã Thanh Hưng với dây chuyền khép kín, công suất xay sát đạt 6.000 tấn lúa/năm (3.000 tấn gạo/năm) và nhiều xưởng xay sát quy mô hộ gia đình, đáp ứng đủ nhu cầu xay sát thóc gạo trong tỉnh.
Trồng, chế biến tinh bột sắn, diện tích sắn toàn tỉnh là 7.584 ha đạt năng suất 81,78 tạ/ha với tổng sản lượng sắn toàn tỉnh là 62.021 tấn, tập trung chủ yếu ở huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Điện Biên Đông...năm 2018, tỉnh đã thu hút đầu tư 01 doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh với doanh nghiệp tại Điện Biên đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn khô tại huyện Điện Biên, công suất đạt 80 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày.
Cây cao su, diện tích trồng cây cao su toàn tỉnh là 5.172 ha, trong đó diện tích đến kỳ thu hoạch là 630 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Điện Biên, Mường Chà, tuy nhiên hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su mà chủ yếu bán mủ khô.
Chế biến thức ăn chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có tổng sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm khá lớn song hiện tại chỉ có 01 doanh nghiệp sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi duy nhất của là Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Việt-Trung tại xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), công suất thiết kế của Công ty là 10.000 tấn sp/năm, tuy nhiên sản lượng sản xuất và tiêu thụ trên thị trường chỉ đạt từ 1.000 đến 2.000 tấn/năm do sản phẩm của Công ty chưa cạnh tranh được với các sản phẩm khác trên thị trường.
Ngoài ra, trong thời gian qua, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho một số dự án trồng và chế biến nông, lâm sản như: Dự án trồng và chế biến Mắc Ca tại huyện Điện Biên và Mường Nhé với quy mô 15.508,6 ha, tổng số vốn đăng ký thực hiện dự án là 3.707,2 tỷ đồng; một số dự án chăn nuôi tập trung như nuôi bò, lợn, dê... làm tiền đề phát triển ngành công nghiệp chế biến trong thời gian tới...