Điện Biên: Phát huy tiềm năng, lợi thế

Có tiềm năng lớn về tài nguyên, khoáng sản, cùng sân bay Ðiện Biên Phủ là cầu nối quan trọng kết nối Ðiện Biên với Thủ đô Hà Nội, các miền trong cả nước và cả quốc tế, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực với mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực.

Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế

Điện Biên với quy mô đất đai rộng lớn, có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, thủy văn... là những điều kiện thuận lợi để phát triển vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, chuyên canh lúa gạo, khai khoáng, thủy điện... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ. Cơ sở hạ tầng như giao thông, lưới điện và hạ tầng phục vụ hoạt động công nghiệp, thương mại đã được quan tâm và dần phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Một số tuyến đường giao thông quan trọng ra các cửa khẩu, lối mở như: cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc (giáp với Lào), Lối mở A Pa Chải (giáp với Trung Quốc) đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, các loại hình vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đã phát triển đa dạng trong và ngoài nước, hiện nay tỉnh có các tuyến xe liên vận quốc tế sang 5 tỉnh Bắc Lào (Luông Pha Băng, Bo Kẹo, Luông Nậm Thà, U Đôm Xay, Phông Sa Ly) đã được mở, tạo điều kiện cho giao thương, phát triển thương mại, du lịch... Đây là nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư.

Cửa khẩu quốc tế Tây Trang

Bên cạnh đó, dựa trên thế mạnh địa phương, tỉnh Điện Biên đã quy hoạch 3 vùng kinh tế, bao gồm: Trục kinh tế động lực quốc lộ 279 (gồm các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông và Thành phố Điện Biên Phủ), trục kinh tế sinh thái sông Đà (gồm các huyện Mường Chà, Tủa Chùa và Thị xã Mường Lay) và trục kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé.

Các trục kinh tế này có nhiệm vụ khai thác các tiềm năng và phát triển các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế của từng vùng để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, thủy điện, khai khoáng, chăn nuôi đại gia súc. Việc quy hoạch vùng đã giúp Điện Biên thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, công nghiệp chế biến, phát triển cây công nghiệp như mắc ca, cà phê, cao su, cây ăn quả như cam, chanh leo, xoài... Đồng thời, thông qua quy hoạch vùng, tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, gắn với phát triển du lịch.

Hơn 600 ha cây mắc ca được trồng tại xã Quài Nưa - Tuần Giáo

Đặc biệt, ngày 14/10, chuyến bay mang số hiệu QH1692 chặng Hà Nội – Điện Biên đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không Điện Biên Phủ, đánh dấu chính thức việc khai trương và công bố đường bay thẳng kết nối Hà Nội/TP Hồ Chí Minh với Điện Biên, với tổng thời gian bay thẳng Hà Nội - Điện Biên chỉ hơn 40 phút, trong khi đi bằng đường bộ mất từ 9 - 12 giờ, tạo thuận tiện hơn rất nhiều cho hành trình của hành khách.

Trước đó, do sân bay Điện Biên Phủ được xây dựng từ lâu, cùng với các hạn chế tự nhiên về địa hình, do đó trong nhiều năm, sân bay này không phát huy được hết vai trò đầu mối của mình. Vì vậy, sự kiện khai trương và công bố đường bay thẳng kết nối Hà Nội/TP Hồ Chí Minh với Điện Biên đã chính thức mở ra một trang sử mới cho ngành hàng không Điện Biên, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung, góp phần thúc đẩy để Điện Biên sớm trở thành trung tâm kinh tế tổng hợp, có tốc độ tăng trưởng và trình độ phát triển cao, đóng vai trò trọng điểm trong hệ thống du lịch quốc gia.

Cảng hàng không Điện Biên Phủ khai trương và công bố đường bay thẳng kết nối Hà Nội/Tp Hồ Chí Minh với Điện Biên

Ở vị trí người đứng đầu tỉnh Điện Biên, ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc đưa vào khai thác tuyến bay Điện Biên – Hà Nội, và tới đây là Điện Biên – Thành phố Hồ Chí Minh bằng máy bay phản lực Embraer sẽ là động lực lớn để tỉnh nhà tiếp tục tiến trình đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ lưu trú, từ đó thu hút thêm nhiều hành khách ghé thăm và khám phá địa phương. Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ðiện Biên nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, bởi sân bay Ðiện Biên Phủ là cầu nối quan trọng kết nối Ðiện Biên với Thủ đô Hà Nội, các miền trong cả nước và cả quốc tế.

Nhờ các giải pháp kể trên, kinh tế địa phương đã có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 liên tục tăng ước đạt 7,84%/năm. Năm 2020, tổng sản phẩm GRDP đạt trên 11.765 tỷ đồng, tăng 1,83% so với năm 2019. Tỉnh đã được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch có hiệu quả và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế dương.

Bước sang năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý III năm 2021 ước đạt 3.009,33 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 5,16% so với quý III năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2021 tăng 4,29%, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,75%; khu vực công nghiệp - xây tăng 7,5%; khu vực dịch vụ tăng 3,55%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt tăng 2,16% so với năm 2020.

Quyết tâm tiếp tục đưa Điện Biên thành tỉnh khá trong khu vực

Theo quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch.

Để kế thừa truyền thống và tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, ngay trong năm 2021, UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành đẩy nhanh thực hiện các chương trình, dự án theo kế hoạch và mục tiêu đặt ra. Trong đó, tập trung triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh bổ sung một số cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn. Trong đó, ngoài Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên, tỉnh sẽ triển khai các dự án đã được ký kết giữa UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC như Dự án khách sạn, trung tâm thương mại và nhà ở thương mại, Dự án tổ hợp sân Golf, khu thương mại dịch vụ và khu du lịch nghỉ dưỡng…

Để phát huy các tiềm năng, lợi thế hiện có, tỉnh Điện Biên cũng tiếp tục xúc tiến, hoàn thành việc xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Đề án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030. Hiện nay tỉnh cũng đang triển khai xây dựng dự án Đền thờ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ trên Đồi F với diện tích 49.534m2.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại, Điện Biên vẫn nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đưa địa phương thành tỉnh khá trong khu vực.

Hưng Nguyên