Điện gió - Cơ hội lớn của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Hãng tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey (Hoa Kỳ) vừa công bố báo cáo “Đón gió: Cơ hội Năng lượng Tái tạo cho Việt Nam” với nhận định trong bối cảnh Việt Nam cam kết mạnh mẽ tăng công suất năng lượng từ các nguồn tài tạo, đồng thời tạo điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi sẽ là cơ hội quý giá cho các nhà đầu tư và phát triển năng lượng gió.
Điện gió ngoài khơi
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể lên tới 500 gigawatts và các trang trại điện gió quy mô lớn ngoài khơi có thể đáp ứng đáng kể nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam

Cụ thể, kể từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể để mở rộng năng lượng tái tạo, bổ sung thêm gần 10 gigawatts công suất năng lượng tái tạo, chiếm gần nửa tổng công suất phát điện tăng thêm và con số này chưa bao gồm năng lượng mặt trời phát điện phân tán. Mặc dù năng lượng mặt trời chiếm đa số trong phần công suất năng lượng tái tạo tăng thêm nhưng McKinsey nhận định năng lượng gió đang có dư địa tăng trưởng lớn với khả năng nhân rộng quy mô.

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi cho điều kiện phát triển năng lượng gió, với 3.000 km đường bờ biển và vận tốc gió thổi từ 5,5 đến 7,3m/giây (chưa tính đến thay đổi theo mùa). Đặc biệt, các trang trại điện gió quy mô lớn nằm ở ngoài khơi dọc theo đường bờ biển  có thể đáp ứng đáng kể nhu cầu sử dụng năng lượng liên tục tăng cao của Việt Nam. 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể lên tới 500 gigawatts – gấp hơn 800 lần so với công suất lắp đặt 0,6 gigawatts hiện nay. Để so sánh, Đức – quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển năng lượng gió hiện có khoảng 62 gigawatts công suất lắp đặt phong điện, trong đó gồm 8 gigawatts là phong điện ngoài khơi.

Bên cạnh tiềm năng tự nhiên cho điện gió, McKinsey đánh giá Chính phủ Việt Nam đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển điện gió. Đơn cử, việc ban hành biểu giá bán điện năng (FiT) cho các dự án điện gió từ năm 2021 đến cuối năm 2023 cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm rủi ro tài chính cho các dự án điện gió để có thể nghiệm thu đưa vào vận hành trước thời hạn mới.

Mặt khác, chi phí sử dụng vốn của các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã giảm mạnh từ mức 19% xuống chỉ còn 5% trong vòng 2 năm trở lại đây và ngày càng có nhiều ngân hàng quốc doanh lẫn tư nhân lớn tại Việt Nam sẵn sàng cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Hàng loạt dự án năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành thành công trong thời gian qua đã cho thấy sự hấp dẫn của lĩnh vực năng lượng xanh.

McKinsey cũng nhấn mạnh làn sóng đầu tư tiếp theo vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam có thể sẽ thu hút các dự án với quy mô lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi, sẽ cung cấp công suất phát điện lớn hơn so với các dự án năng lượng mặt trời hoặc điện gió trên đất liền.

Mặc dù có chi phí cao hơn và phức tạp hơn, các dự án điện gió ngoài khơi mang lại cơ hội gia tăng công suất đồng thời giảm áp lực cho lưới điện so với các nguồn năng lượng tái tạo khác. Sản lượng gió ngoài khơi có xu hướng dao động ít hơn so với trên bờ hoặc năng lượng mặt trời và có thể kết nối trực tiếp vào lưới điện ở điện áp cấp truyền tải. Các dự án điện gió ngoài khơi lớn, nếu thành công, sẽ trở thành một nguồn năng lượng tái tạo có khả năng nhân rộng hơn nữa cho Việt Nam.

Trong giai đoạn gần đây, hàng loạt doanh nghiệp quốc tế đã đề xuất các dự án phát triển điện gió ngoài khơi quy mô lớn tại Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn điện gió lớn nhất thế giới Ørsted (Đan Mạch) đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và đề xuất nghiên cứu triển khai dự án điện gió ngoài khơi có tổng công suất suất 3.900 MW với mức đầu tư ước tính từ 11,9 đến 13,6 tỷ USD tại Hải Phòng.

Trước đó, Tập đoàn Ørsted đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn T&T của Việt Nam để triển khai hàng loạt dự án ở vùng biển Nam Trung Bộ với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10.000 MW và tổng giá trị đầu tư lên đến 30 tỷ USD. Tập đoàn PNE (Đức) cũng đề xuất thực hiện dự án điện gió có tổng công suất 2.000 MW với mức đầu tư dự kiến 4,8 tỷ USD đặt ngoài khơi tỉnh Bình Định.

McKinsey cho biết Chính phủ Việt Nam kiên định và mở rộng pham vi cam kết tăng công suất năng lượng tái tạo đem lại cơ hội đầu tư hấp dẫn cho khối tư nhân. Giai đoạn mở rộng lĩnh vực năng lượng tiếp theo của Việt Nam sẽ đòi hỏi các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và kỹ thuật phức tạp hơn, đối với cả điện mặt trời và điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Một số doanh nghiệp đi trước đón đầu đã có các dự án đang triển khai, song vẫn còn dư địa cho các doanh nghiệp khác tham gia phát triển thị trường.

Tường Vy