Gia đình chị Đào Phương Anh (phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong nhiều hộ gia đình đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Chị Phương Anh cho biết, trước khi lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà, tiền điện bình quân mỗi tháng của gia đình bà là hơn 1 triệu đồng. Hiện tại, tiền điện giảm còn 600-700 nghìn đồng/tháng.
Còn ông Nguyễn Đình Nghĩa (xã Nguyên Khê, Huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ đã đầu tư gần 80 triệu đồng lắp đặt hệ điện mặt trời mái nhà cho xưởng may gia đình nhờ đó tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Theo tính toán của mình, ông Nghĩa ước tính sẽ thu hồi vốn đầu tư trong vòng 3 năm trong khi tuổi thọ của hệ thống điện mặt trời thường là hơn 10 năm và gần như không phát sinh chi phí liên quan hàng tháng.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn trong phát triển điện mặt trời với tổng số giờ nắng trong năm đạt từ 1.400 – 3.000 giờ tuỳ khu vực và cường độ bức xạ mặt trời trung bình ngày trong năm ở các địa phương phía Bắc là 3,69 kWh/m2 và tại phía Nam lên tới 5,9 kWh/m2.
Việc phát triển điện mặt trời áp mái không chỉ giúp các gia đình, doanh nghiệp tiết giảm chi phí tiền điện mà còn giúp giảm áp lực cung ứng điện cho ngành điện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Đồng thời, việc tăng cường sử dụng nguồn năng lượng xanh còn giúp giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển bền vững.
Về những băn khoăn, liệu hệ thống điện mặt trời áp mái có thể sử dụng trong điều kiện mùa đông tại miền Bắc, ông Diệp Bảo Cánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời Đỏ giải thích, nguyên lý của điện mặt trời mái nhà là biến quang năng thành điện năng. Ở miền Trung và miền Nam, nơi có nắng quanh năm, cường độ bức xạ mặt trời trung bình có thể đạt 5,2 kWh/m2/ngày, việc lắp đặt nguồn điện này khá thuận lợi. Tại miền Bắc, người dân vẫn có thể khai thác nguồn năng lượng sạch này. Bởi, chỉ cần có ánh sáng là có điện, không nhất thiết phải có ánh nắng.
“Tuy nhiên, những ngày không có nắng thì lượng điện sản xuất sẽ giảm. Trong khoảng 4 tháng mùa thu - đông ở miền Bắc, cường độ bức xạ mặt trời thấp, sản lượng điện có giảm, nhưng so với các nước châu Âu vẫn hơn gấp 2 lần”, ông Cánh so sánh.
Nhận định về chi phí và hiệu quả lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh (CEGR), cho biết: "Hà Nội có số ngày nắng trong năm nhiều nên việc phát triển điện mặt trời mái nhà là giàu tiềm năng, tính khả thi cao. Chi phí đầu tư cho thiết bị này trong vài năm trở lại đây đã giảm đáng kể. Chỉ riêng năm 2020, giá thành giảm còn khoảng 60% so với năm 2019".
Bà Tô Lan Phương, Trưởng ban Kinh doanh EVNHANOI cũng cho biết việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái sẽ giảm sức nóng cho các tòa nhà. Đặc biệt, nếu hệ thống điện mái nhà phát triển mạnh mẽ còn giúp giảm công suất nguồn cho lưới điện Hà Nội khi hệ thống điện có sự cố ngắn hạn trong những ngày thời tiết nắng nóng.
Để khuyến khích việc sử dụng và phát triển điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/04/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ phát triển, ký hợp đồng mua điện lâu dài lên đến 20 năm từ các nhà máy điện mặt trời, bao gồm các dự án Điện mặt trời nổi, Điện mặt trời mặt đất và Hệ thống điện mặt trời mái nhà với mức giá dao động từ 1.644 - 1.943 đồng/kWh.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời mái nhà nói riêng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững.
Nhiều chuyên gia nhận định người lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời đang ở điều kiện vô cùng thuận lợi. Nếu không sử dụng hết, người sử dụng điện mặt trời cũng có thể được lắp đặt công tơ 2 chiều miễn phí và bán ngược lại cho lưới điện quốc gia. Đặc biệt là khi một hệ thống điện năng lượng mặt trời chất lượng tốt và được vận hành, bảo trì đúng cách có thể khai thác, sử dụng lên tới 30 năm. Đây được coi là bài toán tiết kiệm, kinh tế hiệu quả lâu dài không chỉ cho người dùng mà còn cho cả nền kinh tế.