Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Việt Nam và Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID), Nghệ An được đánh giá là một trong các địa phương tại Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời với số giờ nắng trung bình đạt khoảng 1.700 – 2.000 giờ/năm, thuộc nhóm các khu vực có số giờ nắng cao trên cả nước, và lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4.73kWh/m2/ngày. Với vị trí địa lý và khí hậu Nghệ An có thể khai thác điện mặt trời hiệu quả trong cả năm, đặc biệt là từ tháng 4 cho đến tháng 10.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh tăng cao qua các năm và việc phát triển nguồn cung năng lượng hoá thạch ngày càng được hạn chế nhằm giảm thiệu các tác động đến môi trường, Nghệ An đã và đang ưu tiên phát triển nguồn điện từ nguồn năng lượng sạch, tái tạo như điện mặt trời, góp phần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng đẩy mạnh công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong tháng 6/2021, Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 330 về triển khai thực hiện định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gồm các mục tiêu thúc đẩy việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới hợp lý, phù hợp với tiềm năng địa phương nhằm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của tỉnh, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030) của tỉnh Nghệ An. Sở Công Thương Nghệ An được giao làm đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại địa phương.
Thực hiện kế hoạch trên cũng như thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, nhằm tiết kiệm sử dụng năng lượng hóa thạch và góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo tiết kiệm tối thiểu 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm, Sở Công Thương Nghệ An đã trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An chủ trương xây dựng và thực hiện Đề án “Lắp đặt mô hình thí điểm hệ thống điện mặt trời mái nhà cho cơ quan, công sở”.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà được đánh giá là giải pháp năng lượng tái tạo phù hợp cho các cơ quan, công sở vì thời gian làm việc chủ yếu vào ban ngày nên tận dụng được tối đa nguồn năng lượng này. Hệ thống điện mặt trời chỉ sử dụng một phần diện tích mái hoặc sân thượng vốn hầu như bị bỏ trống tại các công sở và cơ quan; đồng thời, việc lắp đặt và bảo đảm vận hành hệ thống điện mặt trời không yêu cầu kỹ thuật cao như một số hệ thống năng lượng tái tạo khác. Hệ thống cũng không phát sinh các chi phí hàng tháng khác và rất ít khi phải bảo dưỡng, giúp việc phát điện ổn định và hiệu quả vượt trội. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, các cơ quan hành chính sử dụng hệ thống điện mặt trời hòa lưới.
Ông Mai Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Sở Công Thương Nghệ An, cho biết “Theo tính toán, chi phí đầu vào, đầu ra thì thời gian hòa vốn của hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh là sau 4 năm. Đánh giá tất cả các chỉ tiêu kinh tế tài chính của các dự án đều đạt hiệu quả nên triển khai dự án là phù hợp. Đối với vận hành và bảo dưỡng mô hình điện mặt trời, một vấn đề tương đối quan trọng trong việc sử dụng dàn pin năng lượng mặt trời hiệu quả là việc vệ sinh và làm sạch bản mặt pin”.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương Nghệ An đã khảo sát địa điểm và phương án lắp đặt mô hình thí điểm tại một số đơn vị, xây dựng phương án cung cấp điện mặt trời, tính toán lượng điện năng sản xuất và dự kiến thi công mô hình thí điểm điện mặt trời.
Mục tiêu Đề án nhằm góp phần vào mục tiêu đến cuối năm 2025 có khoảng 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà (hoặc tương đương 1.000Mwp) được lắp đặt và vận hành trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giúp giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, giảm chi phí trả cho lượng điện năng sử dụng hàng tháng, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của tỉnh Nghệ An.