Báo cáo của IPCC nhấn mạnh khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu như nước biển dâng cao, sóng nhiệt, bão lớn… cùng với đó là sự suy giảm dòng chảy của sông do xây dựng hồ chứa và khai thác thủy điện.
Thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhiều kế hoạch quốc gia và khu vực đã được thiết lập trong những năm vừa qua nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính bằng cách chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, giảm dần việc sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Nhiều nước Đông Nam Á có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt. Đồng thời, chi phí lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo đã giảm mạnh trong 10 năm trở lại đây, giảm 80% đối với hệ thống điện mặt trời quy mô lớn và 40% đối với hệ thống điện gió trên bờ quy mô lớn.
Bên cạnh đó, năng lượng sinh học cũng là một công nghệ sạch đầy hứa hẹn khác đối với khu vực Đông Nam Á nhờ nguồn cung sinh khối dồi dào và bền vững như phụ phẩm cây trồng. Đồng thời, các công nghệ khai thác năng lượng tái tạo phức tạp như năng lượng địa nhiệt đã được hoàn thiện tại một số quốc gia trong khu vực như Philippines và Indonesia.
Với sự sẵn có của các nguồn năng lượng tái tạo trên khắp Đông Nam Á, công suất sản xuất điện tái tạo không dùng thủy điện trong khu vực đã tăng gần 5 lần kể từ năm 2011. Tuy nhiên, báo cáo của IPCC chỉ ra rằng hơn 50% mức tăng trưởng này là ở Việt Nam và 25% khác thuộc về Thái Lan.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời. Trong khi đó, sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tại 8 quốc gia khác trong khu vực ASEAN được IPCC theo dõi còn ở mức thấp.
Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng ASEAN do Trung tâm Năng lượng ASEAN đưa ra vào cuối năm 2020, mức tiêu thụ năng lượng trong khu vực ASEAN có thể tăng gấp đôi vào năm 2040 so với thời điểm hiện tại. IPCC cảnh báo điều này có thể đồng nghĩa với việc khu vực ASEAN sẽ tăng gấp đôi sử dụng nhiên liệu hóa thạch nếu như các quốc gia khu vực không có hành động triệt để trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định sự thiếu quyết tâm của các chính phủ trong khu vực là hạn chế lớn nhất đối với quá trình giảm lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất năng lượng tại khu vực Đông Nam Á.
"Trong khi hầu hết các quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng phát triển một hoặc nhiều nguồn năng lượng tái tạo không dùng thủy điện, ngoài Việt Nam và Thái Lan, hầu hết các nước đã không đưa ra được các chính sách ổn định để khuyến khích đầu tư của các tổ chức tư nhân trong lĩnh vực này", ông Philip Andrews-Speed chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng, Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá.
Ông Philip Andrews-Speed cũng khuyến nghị các quốc gia Đông Nam Á cần tập trung phát triển một hệ thống lưới điện tốt và linh hoạt cũng như hệ thống lưu trữ năng lượng để cân bằng các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục như năng lượng mặt trời và gió nhằm giảm thiểu rủi ro thiếu hụt năng lượng khi các nguồn cung năng lượng tái tạo bị gián đoạn như những gì đang xảy ra tại Anh, Trung Quốc...
Thậm chí một lưới điện truyền tải trong khu vực với cơ chế thương mại có thể cần được phát triển để chuyển năng lượng sạch từ các khu vực thặng dư như Lào, sang các khu vực thâm hụt như Malaysia và Singapore.