Chile hiện đối mặt với nguy cơ xảy ra đình công đồng loạt tại 3 mỏ khai thác đồng lớn của nước này, bao gồm cả mỏ Escondida – mỏ khai thác đồng lớn nhất thế giới. Bất đồng về lương giữa công nhân khai thác tại mỏ Escondida với đơn vị vận hành mỏ là tập đoàn BHP Group tiếp tục rơi vào bế tắc trong vòng đàm phán lương cuối cùng giữa hai bên diễn ra vào cuối tuần trước.
Như vậy hoạt động sản xuất tại mỏ Escondida sẽ tiếp tục bị đình trệ cho đến khi các bất đồng được giải quyết; trong năm ngoái, các bất đồng về lương tương tự đã khiến sản lượng khai thác tại mỏ này giảm khoảng 1,2 triệu tấn.
Công nhân tại hai mỏ khai thác là mỏ Andina thuộc tập đoàn khai khoáng quốc doanh Codelco và mỏ Caserones thuộc tập đoàn khai khoáng JX Nippon Mining & Metals cũng đang tiến hành đàm phán lương. Tổng nguồn cung đồng từ 3 mỏ khai thác này của Chile chiếm tới 7% tổng nguồn cung đồng trên toàn cầu. Do đó, bất kỳ sự đình trệ khai thác kéo dài nào tại những mỏ này sẽ gây tác động lớn đến thị trường kim loại đồng thế giới.
Giá kim loại đồng thế giới đã xác lập xu hướng tăng liên tục trong 2 tuần trở lại đây, hướng đến vùng giá cao lịch sử được xác lập hồi tháng 5 vừa qua. Chốt phiên giao dịch ngày 2/8, giá kim loại đồng theo hợp đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 0,6% lên 9.782 USD/tấn.
Bên cạnh các bất đồng với công nhân, các hãng khai thác mỏ tại Chile cũng đối mặt với nhiều khó khăn khác khi Chính phủ Chile đang đề xuất một dự thảo Hiến pháp mới với các quy định siết chặt hơn về bảo vệ nguồn nước, sông băng, nguồn khoáng sản và lợi ích của cộng đồng. Trong khi đó, các hãng khai khoáng đang phải nỗ lực giữ chi phí lao động ở mức thấp nhất có thể khi chất lượng quặng khai thác có dấu hiệu suy giảm và chi phí đầu vào ngày càng tăng cao hơn.
Đồng được xem là một trong những kim loại cơ bản quan trọng nhất và được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Nhu cầu sử dụng đồng trên toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, việc các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính sẽ giúp nhu cầu sử dụng đồng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và các lĩnh vực kinh tế xanh tăng vọt trong những năm tới.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) dự báo kim loại đồng sẽ tăng giá trong thời gian tới, lên mức 11.000 USD/tấn vào cuối năm nay và chạm ngưỡng 11.500 USD/tấn trong vòng 12 tháng tới.