Chốt phiên giao dịch ngày 2/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai giảm mạnh 3,3% xuống còn 72,89 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng lao dốc 3,6% xuống còn 71,26 USD/thùng.
Giá dầu thô sụt giảm sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế tại Hoa Kỳ và Trung Quốc đều thấp hơn kỳ vọng; cùng với đó là sản lượng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) tăng mạnh trong tháng trước. Giới đầu tư lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô yếu hơn so với các dự báo và thị trường có thể rơi vào tình trạng dư cung.
Cụ thể, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của khối sản xuất nước này trong tháng 7 vừa qua chỉ đạt 50,4 điểm, thấp hơn mức 50,9 điểm ghi nhận hồi tháng 6 trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm của chỉ số PMI trong hơn 1 năm trở lại đây. Các dữ liệu khác cũng cho thấy tăng trưởng hoạt động sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua ở mức yếu nhất trong vòng 17 tháng trở lại đây.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cấp cao tại hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ), nhận định “Trung Quốc đã đóng vai trò dẫn dắt sự phục hồi kinh tế khu vực Châu Á và nếu tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế của nước này tiếp tục nghiêm trọng hơn thì triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Trong khi đó, khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng Hoa Kỳ (ISM) cho thấy chỉ số hoạt động sản xuất công nghiệp của Hoa Kỳ trong tháng 7/2021 chỉ đạt 59,5 điểm – mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, nền kinh tế Hoa Kỳ ghi nhận sự sụt giảm tăng trưởng hoạt động sản, chủ yếu do tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào. Hoạt động sản xuất hiện đóng góp đến 11,9% tổng GDP của Hoa Kỳ.
Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng vừa cho biết sẽ không tái áp đặt các biện pháp phong toả diện rộng nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giới chức nước này cảnh báo “tình hình đang trở nên tồi tệ hơn” khi biến chủng virus Delta lây lan mạnh, khiến số ca nhiễm Covid-19 mới tại đây tăng cao, đặc biệt là đối với những người chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của khối OPEC trong tháng 7 vừa qua đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 – thời điểm khối OPEC và các nước khai thác dầu thô đồng minh (liên minh OPEC+) thoả thuận cắt giảm sản lượng cao kỷ lục nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường.