Định giá cổ phiếu VNM của Vinamilk đang được chiết khấu sâu so với triển vọng kinh doanh?

Dữ liệu cho thấy thị phần của Vinamilk (mã cổ phiếu VNM) đã tăng lên mức 44% - củng cố vị thế đầu ngành vững chắc. Đồng thời, doanh nghiệp này vừa chốt giá nguyên liệu đầu vào ở mức thấp nhất 5 năm qua, giúp củng cố khả năng biên lợi nhuận gộp tiếp tục được cải thiện.

Biên lợi nhuận gộp lên cao nhất 7 quý, thị phần tiếp tục tăng

Vinamilk
Xu hướng phục hồi kết quả kinh doanh của Vinamilk trong các quý gần đây. (Nguồn: Vinamilk, BSC Equity Research)

Trong quý 3/2023, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.636 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của các hãng nghiên cứu thị trường và các tổ chức tài chính, đây là mức giảm nhẹ hơn so với mặt bằng chung toàn ngành khi sức mua chưa thực sự khởi sắc trở lại.

Điều này cũng phản ánh các nỗ lực giành lại thị phần được Vinamilk thực hiện xuyên suốt thời gian qua. Tính đến cuối quý 3/2023, thị phần của Vinamilk đã tăng thêm 2% so với hồi đầu năm, chiếm 44% thị phần toàn thị trường; qua đó, củng cố vị thế đầu ngành.

Theo BSC Equity Research, Vinamilk đã mở rộng được thị phần bất chấp nhu cầu toàn thị trường ở mức yếu là nhờ mở rộng tập khách hàng thông qua việc liên tục đa dạng hóa danh mục sản phẩm và thực hiện các chiến dịch marketing bắt kịp xu thế nhằm tăng tương tác, kích thích hành vi mua sắm.

Thị phần của Vinamilk
Thị phần của Vinamilk đã tăng trở lại so với hồi đầu năm nay. (Nguồn: Euromonitor, Vinamilk, BSC Equity Research)

Bên cạnh đó, Vinamilk đã có chiến lược cân bằng lợi ích bán hàng đa kênh nhằm bảo vệ kênh truyền thống (GT) khỏi tình trạng chênh lệch giá với kênh hiện đại (MT). Đồng thời, doanh nghiệp này đã mở thêm 11 cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt trong 9 tháng đầu năm, phần giảm phụ thuộc vào các nhóm khác trong cùng kênh MT (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thương mại điện tử...).

Những nỗ lực mở rộng thị phần cùng việc giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu giảm đã giúp biên lợi nhuận gộp của Vinamilk trong quý 3/2023 đạt tới 41,9% - chạm mức cao nhất kể từ quý 4/2021. Qua đó, lãi ròng trong quý 3/2023 đạt 2.533 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện ban lãnh đạo Vinamilk dự kiến mức lãi ròng cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 8.900 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với năm 2022 - cao hơn gấp nhiều lần so với mục tiêu tăng trưởng 0,5% được đưa ra hồi đầu năm.

Thị giá cổ phiếu VNM đã chiết khấu sâu so với triển vọng kinh doanh?

BSC Equity Research đánh giá triển vọng kinh doanh thời gian tới của Vinamilk tiếp tục được cải thiện nhờ loạt yếu tố tích cực. Trong đó, giá sữa bột nguyên liệu hiện đã được Vinamilk chốt hợp đồng ở khoảng 2.700 - 2.800 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Vinamilk
 Vùng giá chốt nguyên vật liệu của Vinamilk vừa qua ở mức thấp nhất 5 năm trở lại đây. (Nguồn: Vinamilk, Global Dairy Trade, BSC Equity Research)

Giá sữa bột thế giới được kỳ vọng sẽ duy trì ở vùng giá thấp do Trung Quốc giảm nhập khẩu và hiện tượng El Nino sẽ suy yếu. Giá các nguyên vật liệu phụ như đường, thức ăn chăn nuôi… cũng đang có xu hướng dần hạ nhiệt.

Trong khi đó, giá bán các sản phẩm sữa tại Việt Nam ước tính sẽ duy trì đà tăng trung bình từ 2-5% mỗi năm. Do đó, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk có thể sẽ tăng thêm 2 - 3 điểm phần trăm, đạt khoảng 45%.

Đồng thời, Vinamilk đang chú trọng tăng cường các hoạt động tương tác, khuyến mãi, nâng cao độ nhận diện với khách hàng. Nhờ đó, sẽ tăng tốc chiếm lĩnh thị phần khi nhu cầu dần hồi phục trong năm 2024.

Giá cổ phiếu VNM
Tương quan diễn biến giá cổ phiếu VNM với chỉ số VN-Index từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: Tradingview)

Xem thêm: "Vinamilk (VNM): Mở rộng kênh phân phối, đưa sữa chua vào thị trường Trung Quốc" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo BSC Equity Research, thị giá cổ phiếu VNM đang được chiết khấu sâu so với triển vọng kinh doanh. Cụ thể, thị giá cổ phiếu VNM đã giảm khoảng 7% so với hồi đầu năm nay, trong khi chỉ số VN-Index đã tăng gần 12%. Nguyên nhân có thể do nhà đầu tư e ngại Vinamilk sẽ gặp khó trong tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới khi ngành sữa Việt Nam đã đến giai đoạn bão hoà.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy kết quả kinh doanh của Vinamilk đang được cải thiện ấn tượng và duy trì lợi nhuận tốt hơn so với mặt bằn chung ngành hàng tiêu dùng, thậm chí tốt hơn 70% các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE trong bối cảnh sức mua yếu. Đây là nền tảng cho kỳ vọng lợi nhuận của Vinamilk sẽ bứt tốc trong năm 2024 khi các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn.

Đồng thời, cổ phiếu VNM hiện có tỷ suất cổ tức đạt 6.5% - cao hơn so với lãi suất trung bình ngân hàng với thời hạn gửi 18 tháng (5,5%/năm), theo BSC Equity Research.

Duy Quang