Định hướng phát triển ngành nội thất Việt trong tương lai và câu chuyện nhân sự của ngành

Đã đến lúc những nhà thiết kế nội thất cần được định vị vai trò một cách riêng biệt, độc lập song song với nhiệm vụ thiết kế kiến trúc của một công trình hay dự án; cần có một bộ quy chuẩn riêng dành cho thiết kế nội thất trong quy trình thiết kế xây dựng nói chung.

Chương trình tọa đàm “Nội thất Việt: Bức tranh đa diện” và Gala trao giải thưởng sinh viên nội thất Việt Nam vừa diễn ra mới đây đã hội tụ các chuyên gia đầu ngành đại diện của các lĩnh vực đa dạng từ thiết kế, sản xuất, thương mại... mang đến những góc nhìn đa chiều, góp phần khai mở tầm nhìn của ngành nội thất trong kỷ nguyên mới.

Chương trình được tổ chức bởi Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam với sự tham gia của hơn 250 người, gồm nhiều nhà thiết kế, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học, góp phần không nhỏ vào việc mở ra tầm nhìn của ngành nội thất Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Những mảnh ghép đa diện của “Bức tranh nội thất Việt”

Bắt nhập với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, ngành Nội thất nước ta đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Cả nước hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: thiết kế, sản xuất, thi công, kinh doanh nội thất và các dịch vụ khác liên quan đến sản phẩm nội thất, tạo ra việc làm cho khoảng 500.000 - 600.000 lao động.

Riêng về mảng xuất khẩu nội thất, theo số liệu từ VIFOREST, hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 Châu Á, thứ 5 Thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nội thất. Năm 2021 đã đạt 14,12 tỷ USD, năm 2022 ước đạt trên 16 tỷ USD. Trong đó, giá trị của đồ gỗ nội thất chiếm tới gần 70%.

Định hướng phát triển ngành nội thất Việt trong tương lai và câu chuyện nhân sự của ngành
Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành

"Bức tranh nội thất Việt sẽ tiếp tục ngày càng trở nên sống động, đa sắc, đa chiều, tạo ra nhiều giá trị không chỉ về kinh tế mà còn cả về văn hóa, bản sắc giúp nâng tầm hình ảnh Việt trên bản đồ thế giới nếu các mảnh ghép - “diện” đó được gắn kết và bổ trợ cho nhau", KTS Nguyễn Văn Tất – Phó chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam khóa VIII chia sẻ tại Chương trình.

Chung quan điểm, PGS.TS Lý Tuấn Trường, Viện trưởng Viện Công nghiệp Gỗ & Nội thất, Đại học công nghiệp cho biết, bên cạnh tính đa diện, đa sắc, nội thất Việt còn có tính đa hướng.

Cụ thể, theo PGS Trường, tính đa hướng này được thể hiện qua sự khác biệt rất rõ nét của từng nhóm chuyên môn: Nhóm tư vấn thiết kế nội thất, nhóm sản xuất sản phẩm nội thất, nhóm thi công công trình nội thất, nhóm kinh doanh thương mại nội thất , nhóm phụ trợ và ngành liên quan, và nhóm nghiên cứu và đào tạo mỗi nhóm của những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Do đó, rất cần thiết để có sự hợp lực giữa các diện – sắc – hướng đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả ngành nội thất.

Định hướng phát triển ngành nội thất Việt trong tương lai và câu chuyện nhân sự của ngành
KTS Nguyễn Văn Tất trình bày bối cảnh bức tranh ngành nội thất

Đặc biệt, đề cập đến câu chuyện của thiết kế nội thất, PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương – Chủ tịch Chi hội kiến trúc nội thất cho biết, chúng tôi luôn trăn trở về tình hình đào tạo nhân lực thiết kế nội thất tại Việt Nam, điều đó bao gồm cả việc cập nhật chương trình đào tạo và định hướng để giới trẻ sau khi tốt nghiệp có con đường tốt để phát triển.

Để nâng cao chất lượng nhân sự của ngành, các diễn giả đều cho rằng, cần có sự hợp lực của không chỉ bộ giáo dục, và các đơn vị đào tạo ngành Nội thất Việt Nam, mà còn cần sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp về thiết kế, sản xuất, thương mại… nhằm tạo ra những chuẩn kiến thức có tính cập nhật, tính thực tiễn và thiết kế phù hợp cho từng nhóm nhân sự.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin và các hoạt động tích cực của hội nhóm, câu lạc bộ… nhiều chương trình và giải thưởng đã được tạo ra nhằm hỗ trợ thế hệ các nhà thiết kế trẻ rèn luyện kỹ năng, tăng cường óc sáng tạo và mở rộng networking.

Đã đến lúc định vị vai trò của “nhà thiết kế nội thất”

Do vậy, đã đến lúc những nhà thiết kế nội thất cần được định vị vai trò một cách riêng biệt, độc lập song song với nhiệm vụ thiết kế kiến trúc của một công trình hay dự án; cần có một bộ quy chuẩn riêng dành cho thiết kế nội thất trong quy trình thiết kế xây dựng nói chung, KTS Lê Trương (Sáng lập TT-AS Architecture – Top 10 công ty về kiến trúc – xây dựng tại Việt Nam) nhấn mạnh.

Không thể “coi nhẹ” vai trò của thiết kế nội thất, bởi “để có được sản phẩm tốt, người làm nghề này cần am tường về văn hóa nghệ thuật, về nhân trắc học để tạo ra không gian, sản phẩm có cảm xúc nghệ thuật, phù hợp tâm sinh lý người sử dụng; họ cần làm chủ khoa học kỹ thuật để ứng dụng những công nghệ tiên tiến phù hợp nhất để tạo ra sản phẩm; am tường về kiến trúc, xây dựng; am tường về công trình điện, nước, phòng chống cháy nổ …”

PGS.TS Lý Tuấn Trường cũng đưa ra một dẫn chứng: một số thương hiệu nội thất nước ngoài sang Việt Nam đặt hàng sản xuất đồ nội thất và bán với giá cao gấp 3 lần so với giá trị thực tế, và giá trị chênh lệch đó có sự góp phần không nhỏ của “phí thiết kế” để kết luận rằng đã đến lúc xã hội, công chúng tại Việt Nam cần nhận định lại đúng đắn vị thế và định vị đúng giá trị gói gọn trong từ khóa “nhà thiết kế nội thất”.

Định hướng phát triển ngành nội thất Việt trong tương lai và câu chuyện nhân sự của ngành
Ban Tổ chức Cuộc thi trao giải Nhất cho thí sinh

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Gala Giải thưởng sinh viên Nội thất Việt Nam (ISA), tôn vinh Top 10 tác phẩm thiết kế nội thất xuất sắc nhất của sinh viên chuyên ngành nội thất cũng được diễn ra.

I.S.A (Vietnam’s Interior Design Student Awards) là giải thưởng thường niên của Diễn đàn Sinh viên Nội thất Việt Nam, có mục đích tạo ra một cuộc thi chuyên nghiệp và mang đến cơ hội cho sinh viên trong ngành nội thất thực hành và trải nghiệm thực tế, thúc đẩy sự sáng tạo.

Trải qua ba năm khởi động, uy tín và tính chuyên môn của giải thưởng luôn là tiêu chí hàng đầu khi hội tụ hội đồng giám khảo vô cùng quyền lực, thu hút hàng ngàn đồ án tốt nghiệp của các sinh viên chuyên ngành nội thất từ các 27 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Sau hai vòng chấm bài nghiêm túc và vòng bình chọn trực tuyến thu hút 10.000 lượt bình chọn, Ban Giám khảo đã lựa chọn những bài thi xuất sắc nhất, trao tặng các Giải thưởng: 04 Giải Bình chọn; 05 Giải Khuyến khích; 03 Giải Ba; 01 Giải Nhì và 01 Giải Nhất.

Giải Nhất thuộc về Tác phẩm RESORT A-MA-NOI NINH THUẬN – “NƠI HẠT SƯƠNG SỚM RƠI NGHIÊNG” của thí sinh Trần Ngọc Phát đến từ Trường đại học kiến trúc TP. HCM, tổng giá trị giải thưởng 40 triệu đồng

Tác phẩm đạt giải Nhất đã gây ấn tượng đặc biệt với hội đồng giám khảo không chỉ bởi ý tưởng sáng tạo, kỹ thuật và hình thức thể hiện hấp dẫn mà còn ở khả năng thuyết trình chuyên nghiệp, truyền cảm hứng.

Định hướng phát triển ngành nội thất Việt trong tương lai và câu chuyện nhân sự của ngành

Ông Lưu Việt Thắng - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, người sáng lập Diễn đàn sinh viên nội thất cho biết, sứ mệnh của Diễn đàn là tạo ra một cộng đồng kết nối bền chặt giữa sinh viên, các nhà thiết kế trẻ với chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành, từ đó, tạo nên nhiều sân chơi bổ ích, chuyên nghiệp, giúp các bạn tự tin hơn với công việc và lĩnh vực mà mình lựa chọn. Chúng tôi luôn định vị tầm quan trọng của yếu tố - con người, sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo đà phát triển mạnh mẽ đối với ngành nội thất tại Việt Nam”

Linh Đan