Doanh nghiệp Ấn Độ đề nghị điều tra chống trợ cấp với kính cường lực nhập từ Việt Nam

Ngày 8/12/2023, Cục Phòng vệ thương mại cho biết nhận được thông tin về việc Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng kính cường lực tráng và không tráng có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Ấn Độ tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng kính cường lực tráng và không tráng có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam
Ấn Độ tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng kính cường lực tráng và không tráng có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam

Cụ thể, hàng hóa bị điều tra là kính cường lực tráng và không tráng (textured tempered coated and uncoated glass) được phân loại theo mã HS 7003.1990, 7005.1010, 7005.1090, 7005.2190, 7005.2990, 7005.3090, 7007.1900, 7007.2190, 7007.2900, 7016.9000, 7020.0090 và 8541.4011.

Bên yêu cầu điều tra là Borosil Renewable Limited - doanh nghiệp chuyên sản xuất kính phản quang lớn nhất Ấn Độ.

Thời kỳ điều tra trợ cấp là từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2023. Thời kỳ điều tra thiệt hại là từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, hiện nay, DGTR đã xác nhận Đơn đề nghị điều tra đầy đủ và hợp lệ. Trong trường hợp quyết định khởi xướng điều tra, DGTR sẽ công bố công khai trên Công báo quốc gia, đồng thời ban hành Bản câu hỏi điều tra cho Chính phủ nước xuất khẩu và các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài và nhà nhập khẩu tại Ấn Độ để thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc.

Để kịp thời ứng phó vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan rà soát tình hình xuất khẩu sang Ấn Độ trong giai đoạn 2020 đến nay; nắm bắt thông tin và chuẩn bị phương án ứng phó trong trường hợp DGTR chính thức khởi xướng điều tra; chủ động liên lạc, phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết tháng 8/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).

Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra - basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...

Riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ với máy xịt rửa chạy bằng gas áp lực cao, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy và 1 vụ việc xem xét phạm vi sản phẩm đối với bánh xe kéo bằng thép; 1 vụ việc tự vệ của Philippines với vỏ bình gas bằng thép; 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của EU với thép không gỉ cán nguội; 1 vụ việc chống bán phá giá của Indonesia với nhựa Polypropylene Copolymer).

Thy Thảo