Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cà phê và gia vị Việt Nam

Chiều 26/4/2024, tại Đắk Lắk, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 4/2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cà phê và gia vị Việt Nam”.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, nông sản Việt Nam từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt những năm trở lại đây, khi nền kinh tế của Việt Nam tăng cường mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thay đổi trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu, tập trung khai thác vào các mặt hàng có lợi thế và sức cạnh tranh, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, điều, rau củ quả…đã chinh phục và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cà phê và gia vị Việt Nam
Nhóm mặt hàng cà phê và gia vị Việt Nam đã chinh phục và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới

Cục Xúc tiến thương mại nhận định, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và sự đa dạng về sản phẩm cùng những nỗ lực tuân thủ yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giá trị nông sản toàn cầu.

Trong bối cảnh hoạt động thương mại của Việt Nam gặp nhiều khó khăn tại nhiều lĩnh vực trên toàn cầu, nông sản Việt Nam, đặc biệt nhóm mặt hàng cà phê và gia vị (đáng chú ý là hồ tiêu, quế, hồi...), vẫn vững vàng, duy trì những tín hiệu tích cực trên thị trường cũng như thể hiện mức độ thích ứng cao.

Với vị thế là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, các mặt hàng cà phê của Việt Nam đã hiện diện trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu chiếm 9,1% thị phần, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng cho ngành cà phê Việt Nam.

Ngoài thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu cà phê, Việt Nam còn là một trong những nước đứng đầu thế giới về cung ứng hồ tiêu và gia vị với kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Gia vị của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gia vị toàn cầu, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.

Theo số liệu thống kê của sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 4 năm nay, xuất khẩu các mặt hàng nông sản cà phê và gia vị đều có sự tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu cà phê ước tính đạt hơn 306 triệu USD, tăng khoảng 59%, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu ước tính đạt khoảng 58.5 triệu USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù đã ghi nhận những tín hiệu tích cực ngay từ những tháng đầu năm 2024, nhưng dự báo nhu cầu tiêu thụ nhóm mặt hàng cà phê và gia vị sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những nguyên nhân bất ổn về thương mại toàn cầu đi kèm với những dấu hiệu suy thoái kinh tế, căng thẳng địa chính trị kéo dài, thị trường tài chính toàn cầu có những biến động mạnh, biến động về giá cả thị trường (so với cùng kỳ năm ngoái, hiện nay giá hồ tiêu tăng 30%, giá cà phê tăng 100%).

Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cà phê và gia vị Việt Nam
Khung cảnh Hội nghị (Ảnh: Báo Công Thương)

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, thị trường cà phê Việt Nam năm nay đã trở thành một vấn đề thời sự, giá cà phê tăng mạnh từ 30.000-50.000 đồng/kg lên đến hơn 130.000 đồng/kg, gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam.

Các nhà xuất khẩu, các công ty thương mại thu mua cà phê trong nước đã ký hợp đồng với các nhà nhập khẩu cà phê ở nước ngoài từ đầu vụ cà phê với giá dao động từ khoảng 50.000-70.000 đồng/kg, đến nay, do thị trường nước ngoài khan hiếm cà phê, cung không đủ cầu,... chuỗi cung ứng thay đổi, địa chính trị thay đổi nên thị trường cà phê thế giới biến động lớn, giá cà phê tăng phi mã.

Đến nay, do giá cà phê tăng nên nhiều nhà vườn có thu hoạch cà phê cũng không muốn bán, dẫn đến “cháy” hợp đồng với nhà cung ứng và nhà nhập khẩu nước ngoài, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành cà phê Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế.

Tương tự như cà phê, hạt tiêu và gia vị khác cũng được dự báo sẽ tăng giá trong thời gian tới đây.

Vì vậy, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 4/2024, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, cập nhật thông tin thị trường, kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu của các địa phương, doanh nghiệp để tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu của hai nhóm ngành hàng tiềm năng trên, đồng thời đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường cà phê và gia vị trong năm 2024.

Hội nghị gồm 2 phiên thảo luận chính:

Phiên 1: Đánh giá tình hình xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cà phê và gia vị: Thực trạng, thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại.

Phiên 2: Thông tin cập nhật về chính sách, khuyến nghị của Thương vụ, tổ chức hỗ trợ thương mại quốc tế đối với xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cà phê và gia vị.

Huyền My