Doanh nghiệp vào mùa sản xuất hàng Tết

Hiện các doanh nghiệp (DN) đã hoạt động trở lại với khoảng 90% công suất. Không khí phục hồi sản xuất đang rất khẩn trương và tích cực để phục vụ cho đơn hàng Tết và đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm.

Nỗ lực bình ổn giá cả hàng hóa

Cùng với việc trở lại sản xuất sau giãn cách, cuối năm cũng là thời điểm để các DN tăng tốc với các đơn hàng mùa cao điểm tết Nhâm Dần 2022. Thông tin từ Ban lãnh đạo Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), đơn vị có kế hoạch đầu tư hơn 754 tỷ đồng chuẩn bị hơn 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 8% và hơn 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước nhằm cung ứng cho thị trường mùa Tết sắp tới.

Hiện công ty Vissan đang tuyển thêm nhân sự, tăng ca để sản xuất đủ nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường Tết, nhất là những mặt hàng như lạp xưởng, giò chả, xúc xích và một số sản phẩm mới như thịt tẩm ướp coca…

Tương tự, để đảm bảo tiến độ, sản lượng đơn hàng, Công ty CP Việt Hải - chuyên chế biến các mặt hàng thủy hải sản, sau khi được hoạt động trở lại đã huy động công nhân làm tăng ca từ thu mua, chế biến, đóng gói, lưu kho... DN cũng ưu tiên nhập nguyên liệu mặc dù trong bối cảnh hiện nay giá cả các mặt hàng ngày càng leo thang, thậm chí còn phải "tranh giành" với đối tác mới mua được. Nhờ vậy, đến nay DN đã hoàn thành khoảng 80% kế hoạch. Công việc còn lại từ nay đến Tết chủ yếu là phân loại, phân đơn theo thời gian giao hàng và thực hiện các đơn phát sinh.

Tuy nhiên, khác với thời điểm mọi năm, các DN hiện chỉ sản xuất theo đặt hàng và dự trữ sẵn nguyên liệu để sẵn sàng tăng tốc nếu thị trường cuối năm có dấu hiệu khởi sắc. Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty CP TNHH Ba Huân cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa dám bung ra sản xuất hết công suất.

Qua khảo sát, sức mua của thị trường yếu, giảm khoảng 30% so với trước dịch bệnh nên cả tuần nay công ty triển khai các chương trình giảm giá sâu nhưng sức mua vẫn chậm. Trước đây, mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 1,5 triệu trứng gia cầm nhưng hiện nay bán được chưa đến 1 triệu trứng. Theo đó, công ty tiếp tục thăm dò thị trưởng rồi mới chuẩn bị nguồn hàng Tết.

Mặc dù chi phí sản xuất tăng, sẽ kéo theo tăng giá sản phẩm, nhưng tăng ở mức cho phép theo bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán, công ty cam kết không thiếu thực phẩm ngành hàng này dịp Tết, bà Phạm Thị Huân chia sẻ.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan cho biết, sau dịch, một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20-30%. Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh. Tuy nhiên, DN vẫn cam kết bán giá bình ổn thị trường 2 tháng trước, trong và sau Tết để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

doanh nghiep
Hoạt động sản xuất tại Công ty Vissan

Doanh nghiệp cần trợ lực

Thông lệ hàng năm, thời điểm này các DN đã nhộn nhịp tăng ca làm hàng Tết. Thế nhưng, không khí chung tại nhiều DN năm nay khá căng thẳng vì vừa lo kiểm soát dịch vừa lo sản xuất, chào hàng bán Tết.

Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, một số DN lớn đang sản xuất gối đầu cho 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết nhưng do sức mua đang rất chậm, diễn biến thị trường khó lường và tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 nên các DN không tăng sản lượng nhiều, càng không dám phát triển nhiều sản phẩm mới như mọi năm. Thay vào đó, DN chuẩn bị sẵn nguyên phụ liệu, bao bì để khi nhà phân phối tăng đặt hàng hoặc thị trường khởi sắc sẽ lập tức tăng tốc, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu.

Theo Sở Công Thương TPHCM, vào dịp này hằng năm, DN tích cực chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất hàng Tết. Tuy nhiên, tác động lớn của dịch Covid-19, dự báo tình hình tiêu thụ dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 sẽ khó khăn nên các nhà sản xuất cũng dè chừng trong việc đầu tư.

Theo đó, từ nay đến giáp Tết, Sở Công Thương sẽ tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước. Trong đó, tập trung phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa để chủ động phối hợp với DN bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội... trong dịp trước, trong và sau Tết.

Mặt khác, theo một số DN, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang gặp khó khăn do vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, hàng hóa nhập khẩu vẫn còn vướng vì vấn đề lưu thông hàng hóa chưa hồi phục hoàn toàn, các DN sản xuất vừa phải tính toán cân đối chi phí sản xuất, tìm giải pháp bán hàng hiệu quả hơn, vừa phải kiểm soát dịch trong nội bộ.

Trước diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp tại nhiều nơi, số ca nhiễm bệnh tại TPHCM tăng trở lại, sức mua xuống thấp, mới đây Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM đã kiến nghị UBND thành phố có giải pháp hỗ trợ kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, nhiều DN cho biết đang rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn để phục hồi sản xuất trong thời điểm vàng này. Đặc biệt là các DN ngành lương thực, thực phẩm đang rất cần vay vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho mùa sản xuất dịp Noel, tết Nguyên đán…

Theo các DN, thời gian qua, một phần lớn nguồn vốn dự trữ đã được doanh nghiệp dùng để duy trì một phần sản xuất trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh và giãn cách xã hội, đến nay đã gần cạn kiệt. Vì vậy, nguồn vốn hỗ trợ cho vay mới là rất cấp bách và cần thiết lúc này…

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương):

Dịch Covid-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước gây ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ. Không những thế, đại dịch còn khiến thu nhập của nhiều bộ phận người dân đều giảm, vì vậy dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Vì thế, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa, kể cả trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó là triển khai, thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng vào đúng dịp tết Nguyên đán 2022 thì về cơ bản các địa phương, doanh nghiệp và kể cả người dân đều đã có kinh nghiệm và kế hoạch trong công tác bảo đảm cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu.

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, Tổng giám đốc Dầu Tường An:

Giá cả thế giới biến động dẫn tới Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng gây khó khăn trong chi tiêu. Tuy nhiên, Công ty vẫn mạnh dạn lên kế hoạch sản xuất sản lượng lớn dầu ăn phục vụ nhu cầu vừa làm quà tặng ý nghĩa, vừa làm nguyên liệu chế biến quen thuộc cho gia đình trong dịp Tết 2022. Công ty đã chuẩn bị triển khai kế hoạch sản xuất từ đầu tháng 10/2021 để cung ứng đủ nguồn hàng cho các khối doanh nghiệp cùng 450.000 điểm bán của Tường An trên toàn quốc. Dự kiến sản lượng dầu ăn được tung ra thị trường Tết năm nay sẽ tăng 30% so với cùng kỳ.

Hiện Tường An đã tiếp nhận nhiều đơn hàng từ khối doanh nghiệp, cơ quan khắp cả nước để chuẩn bị kế hoạch quà biếu tặng nhân viên và đối tác dịp tết Nguyên đán.