Vào lúc 15h00 chiều nay (ngày 17/9), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 giảm 0,41% xuống 75,32 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2021 cũng giảm 0,55% xuống 72,22 USD/thùng.
Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu thô thế giới đã tăng gần 4%, chủ yếu do tình trạng đứt gãy nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ do siêu bão Ida gây ra kéo dài hơn nhiều so với dự báo. Siêu bão Ida đổ bộ vào bang Louisiana (Hoa Kỳ) hồi cuối tháng 8 vừa qua cũng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nhiều nhà máy lọc hoá dầu và hệ thống dẫn nhiên liệu tại đây, buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải sử dụng nguồn dự trữ dầu thô chiến lược quốc gia để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho một số khu vực.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị tường cấp cao tại hãng môi giới giao dịch chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ), nhận định giá dầu thô đang ghi nhận một tuần giao dịch tích cực trong bối cảnh hầu hết các loại hàng hoá, nguyên liệu thô khác đều suy giảm khi đồng USD tăng lên.
Tuy nhiên, ông Edward Moya cũng cho biết đà tăng nóng của dầu thô đang hạ nhiệt trong bối cảnh hoạt động khai thác dầu thô ngoài khơi Vịnh Mexico của Hoa Kỳ tiếp tục phục hồi trở lại; trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại phần lớn khu vực Châu Á đang dần tăng lên nhưng một số quốc gia trong khu vực vẫn đang đối mặt với diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng.
Dữ liệu cho thấy hiện sản lượng khai thác dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico hiện đạt khoảng 72% so với mức thông thường, tăng đáng kể so với mức 25% ghi nhận hồi cuối tuần trước. Trong khi đó, đồng USD trong phiên giao dịch hôm nay đã tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần trở lại đây so với các đồng tiền chủ chốt khác. Điều này khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn so với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Nhà phân tích thị trường hàng hoá Vivek Dhar thuộc tập đoàn ngân hàng Commowealth Bank (Australia) cho biết các dữ liệu mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ giảm thấp trong tháng 10 tới đây khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu phục hồi mạnh, cao vượt nguồn cung hiện nay.
Liên minh OPEC+ cũng dự báo thị trường dầu thô toàn cầu sẽ thiếu hụt nguồn cung khoảng 0,9 triệu thùng/ngày trong những tháng cuối năm nay do nhu cầu sử dụng nhiên liệu phục hồi mạnh. Tuy nhiên, liên minh OPEC+ cho biết nguồn cung sẽ tăng mạnh trở lại trong năm 2022 khiến tình trạng dư cung xảy ra với mức dư cung đạt 1,6 triệu thùng/ngày.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô trên toàn cầu.
Ông Vivek Dhar cũng cho biết sự suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô tại nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và Malaysia dương như đã chạm đáy và có thể phục hồi trở lại trong thời gian tới đây.