Vào lúc 15h00 chiều nay ngày 3/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 giảm nhẹ 0,15% xuống mức 72,92 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2021 giảm 0,33% về mức 69,76 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 2/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng 2% lên 73,03 USD/thùng; giá dầu thô WTI tăng 2% lên 69,99 USD/thùng.
Xét trên góc độ kỹ thuật, giá dầu thô WTI hiện đã vượt đường trung bình động 50 ngày lần đầu tiên trong 1 tháng trở lại đây. Điều này có thể là tín hiệu cho thấy giá dầu thô WTI sắp bước vào nhịp tăng giá mới. Bên cạnh đó, các hợp đồng dầu thô có kỳ hạn giao sau tháng 9/2021 đang có xu hướng tăng mạnh hơn, phản ánh tâm lý thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra vào cuối năm nay.
Dữ liệu mới nhất của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã giảm mạnh 7,2 triệu thùng, chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 9/2019. Mức sụt giảm này cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,6 triệu thùng của giới phân tích đưa ra trước đó.
Ông Robert Yawger, Giám đốc Bộ phận thị trường năng lượng kỳ hạn tại hãng chứng khoán Mizuho (Nhật Bản), nhận định xu hướng tăng giá của dầu thô WTI đang được củng cố khi nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ vẫn đang giảm 1,5 triệu thùng/ngày do tác động của siêu bão Ida.
Giới phân tích nhận định nhiều nhà máy lọc hoá dầu tại tiểu bang Louisiana sẽ phải mất đến vài tuần để khắc phục các thiệt hại do siêu bão Ida gây ra và hoạt động trở lại. Tiểu bang Louisiana là một trong những trung tâm lọc hóa dầu quan trọng nhất Hoa Kỳ.
Trong khi đó, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm xuống. Đồng thời, số người bị mất việc làm trong tháng 8 vừa qua tại nước này cũng chạm mức thấp nhất trong hơn 24 năm trở lại đây. Điều này cho thấy thị trường lao động của Hoa Kỳ tiếp tục phục hồi bất chấp số ca nhiễm mới Covid-19 đang tăng cao kỷ lục trở lại. Sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong thời gian tới.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, cũng cho thấy các quan điểm lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Liên minh OPEC+ đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong năm 2022.
Liên minh OPEC+ cũng dự báo thị trường dầu thô toàn cầu sẽ thiếu hụt nguồn cung khoảng 0,9 triệu thùng/ngày trong những tháng cuối năm nay do nhu cầu sử dụng nhiên liệu phục hồi mạnh. Tuy nhiên, liên minh OPEC+ cho biết nguồn cung sẽ tăng mạnh trở lại trong năm 2022 khiến tình trạng dư cung xảy ra với mức dư cung đạt 1,6 triệu thùng/ngày.
Các dữ liệu cho thấy nhu cầu sử dụng xăng dầu tại Ấn Độ đã đạt mức cao kỷ lục trong năm tài chính 2021 khi lượng lớn người dân nước này thực hiện các hoạt động di chuyển sau thời gian dài bị phong toả nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.