44 tỉnh thành bùng phát dịch bệnh, 2 triệu con lợn bị tiêu hủy
Thông tin về tình hình dịch bệnh hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, tính đến ngày 29/5/2019, dịch bệnh đã lây lan ra 44 tỉnh, thành phố; trên 2 triệu con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy, tương đương với 7% tổng đàn lợn. Tại những địa phương có dịch như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng... dịch bệnh đang lan rộng ra nhiều huyện xã của địa phương đó.
Từ tháng 3, sau khi có thông tin về tình hình dịch bệnh lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá lợn hơi đã giảm đồng loạt trên cả nước. Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, giá tăng nhẹ trở lại.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục giảm trở lại, hiện giá lợn hơi tại phía Bắc phổ biến từ 28.000-33.0000 đồng/kg, giá lợn hơi từ miền Nam phổ biến từ 32.000-38.000 đồng/kg (giảm 2.000-8.000 đồng/kg so với tháng trước), giá thịt lợn thành phẩm từ 70.000-90.000 đồng/kg (tùy chủng loại, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước).
Trong thời gian 3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt lợn (thời tiết nắng nóng, lo ngại trước thông tin dịch bệnh) nên sức ép nguồn cung trong thời gian tới sẽ không quá lớn.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên…) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lo ngại.
Do vậy, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong các giải pháp cần thiết để giảm thiểu lây lan dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, giữ ổn định giá lợn không bị rơi xuống thấp trong thời điểm hiện nay, đảm bảo thực phẩm sạch, cung cấp thịt lợn trong thời gian tới, không để sốt giá, nhất là những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Thu mua dự trữ cấp đông thịt lợn - nhất cử tam tiện
Nói về chủ trương hỗ trợ việc thu mua, giết mổ lợn và cấp đông thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNN cho rằng, đây là chủ trương “nhất cử tam tiện” (một mũi tên trúng ba đích).
Theo ông, chủ trương này vừa đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi, vừa giúp giảm ngân sách nhà nước trong việc tiêu hủy và nhất là đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, chưa bao giờ con lợn được kiểm soát chặt chẽ, gắt gao như hiện nay. Cũng chưa bao giờ thịt lợn lưu hành trên thị trường lại sạch đến vậy và cũng chưa bao giờ người dân được ăn thịt sạch như hiện nay.
Do vậy, để đề phòng và ngăn chặn dịch bệnh, chúng ta chỉ có 2 biện pháp. Một là ăn ngay, hai là cấp đông dự trữ. Việc cấp đông dự trữ thịt lợn được dự báo sẽ là công việc thường xuyên trong những năm tiếp theo khi Luật chăn nuôi có hiệu lực.
Tuy nhiên, nhìn nhận về tính khả thi khi thực hiện chủ trương giết mổ, cấp đông thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế, việc cấp đông, sản phẩm thịt lợn trong một thời gian dài với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính.
Ngoài ra, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu về giết mổ của cơ sở chế biến, cấp đông (cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng).
Đặc biệt, nhu cầu thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân còn hạn chế, gây lo ngại cho doanh nghiệp trong việc dự trữ, bán các sản phẩm này. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra phù hợp với yêu cầu của khách hàng, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Dự trù giải pháp nhập khẩu thịt lợn
Trước diễn biến phức tạp khó lường của dịch tả lợn châu Phi, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đều nhất trí với chủ trương thu mua, giết mổ cấp đông thịt lợn. Bà Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội khẳng định, hiện nay, người dân trên địa bàn Thủ đô không còn e ngại, quay lưng với thịt lợn.
Mỗi tháng, thành phố tiêu thụ khoảng 18.414 tấn thịt lợn, đây là lượng tiêu thụ rất lớn, vì vậy, chủ trương giết mổ cấp đông thịt lợn là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn Thủ đô chỉ có 1 đơn vị thực hiện cấp đông.
Do vậy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị, các Bộ, ban ngành phải có chính sách thiết thực, cụ thể cho các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia thực hiện dự trữ, cấp đông thịt lợn.
“Sở Công Thương Hà Nội đề nghị cần có cơ chế, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình về giá; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện chủ trương vay lãi suất ưu đãi và đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính xem xét chính sách hỗ trợ việc kiểm dịch trong quá trình thu mua lợn cấp đông”, bà Nguyễn Thị Phương Lan đề xuất.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề xuất, hiện nay, Hà Nội đang có 1,6 triệu con lợn, nếu cấp đông hết số lợn này cũng chỉ đủ cung trong 6 tháng. Vậy bao lâu được tái đàn trong vùng bùng phát dịch, tái đàn bao lâu có thịt lợn, có đủ lợn phục vụ cho những tháng tết?
“Phải tính toán đến việc nhập khẩu thịt lợn, nếu như việc tái đàn không đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu người dân. Ngoài ra, chú trọng đến việc điều tiết thịt lợn cấp đông về các địa phương sao cho phù hợp (bởi hiện nay, chỉ ở những thành phố lớn mới đủ điều kiện để thực hiện chủ trương cấp đông thịt lợn).
Hiện, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang chuẩn bị nguồn cung thịt bò, thịt gà bổ sung cho nguồn lợn bị thiếu hụt và dự trữ đủ cung cho thị trường trong trong thời gian tới”, bà Lan nhấn mạnh.
Đánh giá tính khả thi của chủ trương này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, trước hết, mục đích của chủ trương này là giảm khó khăn cho người nông dân trong thời điểm hiện nay khi giá lợn và thịt lợn rất thấp, rất khó bán. Thứ hai là, đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là giai đoạn trước tết Nguyên đán.
Để kiểm soát dịch bệnh, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT nắm sát các thông tin về tình hình dịch bênh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có phương án bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường.
Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch.
Sau cuộc họp này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cam kết, sẽ sớm có đề xuất đến với các cấp có thẩm quyền để ban hành chính sách để khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua thực phẩm, nhất là việc thu mua thịt lợn dự trữ cấp đông.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị, hai Bộ cần tăng cường tuyên truyền biện pháp để người dân hiểu rằng, thịt lợn thu mua, giết mổ, cấp đông đều được kiểm dịch, an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
“Chính phủ và các Bộ, Ngành luôn đồng hành cùng người chăn nuôi, người dân trong lĩnh vực chăn nuôi nuôi lợn và đồng hành cùng các doanh nghiệp thu mua, phân phối thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. Các Bộ, ngành sẽ cùng vào cuộc để tuyên truyền về chất lượng của thịt lợn cấp đông và cam kết sẽ đồng bộ giải pháp để giảm thiểu lây lan dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, giữ ổn định giá lợn và đảm bảo nguồn cung”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cam kết.