Kịch bản thứ nhất, theo VEPR, GDP tăng trưởng 6,56%, trong đó, tăng trưởng khu vực nhà nước là 4,51%, ngoài nhà nước là 6,31%, khu vực FDI là 12,34%. Theo ngành, nông lâm ngư tăng 3,68%, công nghiệp xây dựng tăng 8,78%, dịch vụ tăng 7,34%. Lạm phát cả năm 4,21%.
Kịch bản thứ hai là tăng trưởng GDP 6,81%. Tăng trưởng khu vực nhà nước là 5,23%, ngoài nhà nước là 6,07%, khu vực FDI là 12,52%. Theo ngành, nông lâm ngư tăng 3,94%, công nghiệp xây dựng tăng 9,02%, dịch vụ tăng 7,565. Lạm phát cả năm 4,79%.
"Kịch bản 1 có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi do tác động gia tăng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc", ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết.
Với kịch bản thứ 2, VEPR đánh giá là khả thi hơn với mức 6,81%, đạt mục tiêu của Quốc hội. “Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ”, VEPR cho biết.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chuyển mình trên lĩnh vực thương mại quốc tế. Điều này được thể hiện trong quý I/2019 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cao hơn của khối doanh nghiệp FDI.
Đây là điều khác biệt so với xu thế nhiều năm trước bởi doanh nghiệp FDI luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước, VEPR nhận định.
Về lạm phát năm 2019, VEPR cho rằng lạm phát sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4 - 5%.
Trong kịch bản đầu tiên, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát chỉ đạt mức 4,21%. Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm ở mức 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội.
“Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra hơn nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài” VEPR cho biết.
Cụ thể, ở trong nước, các đợt điều chỉnh giá đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn gia tăng lạm phát. Tính đến hết tháng 4/2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng khoảng 2,93% so với cùng kỳ năm trước và đang trong xu hướng đi lên. Trong khi đó, mức gia tăng này mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ tác động từ những điều chỉnh giá của Chính phủ do có độ trễ của chúng.
Bên ngoài, áp lực từ giá dầu thô thế giới có thể tiếp tục tăng do những căng thẳng ở Trung Đông leo thang và nguồn cung thế giới được cắt giảm.
Ngoài ra, VEPR cũng cho rằng khả năng đồng nhân dân tệ bị giảm giá vào cuối năm 2019 dưới sức ép của chiến tranh thương mại có thể khiến VND bị phá giá nhẹ cũng là một nhân tố rủi ro tác động đến mức giá chung trong nước.