Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ vượt qua Singapore vào năm 2029, hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng DBS Bank cho hay.
Theo dự báo của DBS, kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong thập kỷ tới, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh và tăng trưởng năng suất trong những năm sắp tới.
"Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng này, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa", chuyên gia kinh tế Irvin Seah của DBS tại Singapore nói trong báo cáo ra ngày 28/5.
Chính phủ Việt Nam dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng ít nhất 6,8% trong năm nay. Theo chuyên gia Seah, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai sẽ được thúc đẩy bởi lợi thế về cơ cấu dân số, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, và nền chính trị ổn định giúp thu hút dòng vốn nước ngoài.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam dự kiến đạt 260,3 tỷ USD trong năm 2019, còn GDP của Singapore dự kiến đạt 372,8 tỷ USD.
"Các nhà đầu tư nước ngoài đang xếp hàng để trở thành một phần câu chuyện Việt Nam", ông Seah nói. "Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông trong 4 tháng đầu năm nay có thể đánh dấu sự khởi đầu của một xu hướng mới".
Theo số liệu mà DBS đưa ra, trong 4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vào Việt Nam đạt 2 tỷ USD, nên nhiều khả năng năm nay sẽ là năm mà Việt Nam đón lượng vốn FDI lớn nhất từ hai nhà đầu tư này. Các dự án vốn Trung Quốc vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, chế biến-chế tạo, và bất động sản, theo báo cáo.
DBS cho rằng Việt Nam đang hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Một báo cáo ra ngày 26/5 của Citi cũng đồng tình với quan điểm này.
Theo khảo sát của Citi, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng về phía Việt Nam đến nay chủ yếu diễn ra dưới dạng tăng sử dụng hoặc mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có, thay vì các dự án đầu tư mới hoặc thương vụ mua lại.
Báo cáo cũng nhận thấy các công ty Mỹ có mức độ quan tâm ngày càng lớn đến dịch vụ gia công ở Việt Nam, nhất là trong những ngành như may mặc và đồ nội thất.