Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hiện đang vận động kế hoạch áp trần giá khí đốt nhập khẩu từ Nga nhằm hạn chế nguồn thu của nước này cũng như kiềm chế việc giá khí đốt tại châu Âu tăng cao kỷ lục.
Hôm 5/9, Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng ủng hộ kế hoạch của EC. Ba Lan cũng cho biết EU nên áp trần giá khí đốt và mở rộng biện pháp này đối với tất cả hoạt động nhập khẩu khí đốt vào EU. Giới chức EU hiện đang chuẩn bị các phương án để triển khai và dự kiến một cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ trưởng năng lượng sẽ được tổ chức vào ngày 9/9 để thảo luận về kế hoạch này.
Tuy nhiên, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU đang phản đối đề xuất trên. Đức cũng là quốc gia nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga nhất trong số các nước EU và một phần lớn lượng khí đốt này được phân bổ cho các hoạt động công nghiệp. Người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức cho biết “Chúng tôi vẫn ngờ vực các vấn đề liên quan đến việc áp trần giá khí đốt. Nhưng nhìn chung chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc đàm phán trong khuôn khổ EU”.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết bản thân Đức đã bị Nga cắt phần lớn nguồn cung khí đốt. Nước này chỉ còn nhận được một lượng rất nhỏ qua Ukraine sau khi Nga quyết định ngưng hoạt động vô thời hạn tuyến đường ống Nord Stream 1. Ông Robert Habeck không tin rằng Nga sẽ tăng cung khí đốt trở lại cho Đức.
Chính phủ Đức lo ngại việc áp trần giá khí đốt của Nga có thể khiến Nga trả đũa bằng cách ngưng hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt sang EU. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia Trung Âu như Czech, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống phía nam TurkStream.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo nước này sẽ ngưng xuất khẩu năng lượng sang EU nếu như EU áp trần giá đối với các mặt hàng năng lượng của nước này. Nếu Nga giảm nguồn cung, Đức sẽ buộc phải chia sẻ phần khí đốt dự trữ của mình cho các nước khác theo quy định của EU, khiến nước này còn lại ít khí đốt hơn cho thị trường nội địa.
Đáp lại, một nhà ngoại giao EU đã chỉ trích động thái này của Đức đang gây rắc rối vì “khiến EU mất nhiều thời gian để ra quyết định cho những việc như áp giá trần”.
Bên cạnh đó, một số quan chức EU cũng ủng hộ quan điểm của Đức. "Nó tạo ra nguy cơ cắt đứt dòng chảy khí đốt đến Slovakia và Czech", một nhà ngoại giao EU cho biết.
Czech - quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU cũng không mặn mà với ý tưởng áp trần giá khí đốt. Bộ trưởng Công nghiệp nước này cho rằng nên đưa ý tưởng đó ra khỏi chương trình nghị sự.
"Theo tôi, đó không phải là một đề xuất mang tính xây dựng", hãng tin CTK của Czech dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Jozef Sikela cho biết. Ông cho rằng cách này giống trừng phạt Nga hơn là giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Các quốc gia như Czech, Slovakia và Hungary có tỷ lệ phụ thuộc khí đốt trong mùa đông năm nay cao hơn Đức. Trong khi đó, Hungary - đồng minh thân cận nhất của Nga trong EU - gần đây đã đạt được các thỏa thuận với Nga để thúc đẩy việc cung cấp khí đốt.
Tác động của việc giá khí đốt tăng cao kỷ lục đang buộc hàng loạt doanh nghiệp tại EU phải giảm công suất hoặc tạm ngưng hoạt động. Các chính phủ EU cũng phải chi hàng chục tỷ euro để kiềm chế một cuộc khủng hoảng năng lượng và hỗ trợ phần nào người tiêu dùng tại đây vượt qua cú sốc giá năng lượng.