Nga tạm ngưng cung cấp khí đốt tới Đức cuối tháng này, giá khí đốt lập kỷ lục mới

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga vừa thông báo sẽ dừng hoạt động hoàn toàn tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 tới Đức trong ba ngày cuối tháng này để tiến hành bảo dưỡng.

"Trent 60 - trạm nén khí duy nhất còn hoạt động sẽ phải dừng vận hành trong ba ngày để bảo trì và bảo dưỡng phòng ngừa. Sau khi công việc hoàn thành và không xảy ra trục trặc kỹ thuật đối với tổ máy, hoạt động vận chuyển khí đốt qua Nord Stream 1 sẽ được khôi phục ở mức 33 triệu m3/ngày", tập đoàn Gazprom thông báo.

Tập đoàn này cũng cho biết hoạt động bảo dưỡng sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia của Gazprom và Siemens (Đức). Mức công suất 33 triệu m3/ngày chỉ tương đương 20% tổng công suất thực tế của Nord Stream 1. Gazprom đã giảm lượng khí đốt qua Nord Stream 1 kể từ hồi tháng 6 với lý do một trạm nén khí khác được bảo trì tại Canada và kẹt lại tại Đức chưa được bàn giao lại cho Nga.

Nord Stream 1 là một trong những tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu quan trọng nhất hiện nay sau khi hoạt động cung ứng khí trên các tuyến đường ống khác bị gián đoạn.

Giá khí đốt tại châu Âu lập kỷ lục
 Diễn biến giá khí đốt giao sau trên Sàn giao dịch TTF trong 1 năm trở lại đây (Nguồn: tradingeconomics.com)

Sau thông báo của Gazprom, giá khí đốt tại châu Âu tăng lên mức kỷ lục. Chốt phiên giao dịch ngày 19/8, giá khí đốt giao sau trên Sàn giao dịch TTF (Hà Lan) đạt mức 257,4 EUR/MWh do thị trường lo ngại thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông sắp tới. 

Giá khí đốt tại châu Âu hiện đã tăng 350% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hợp đồng năng lượng giao sau tại Đức và Pháp cũng lần lượt tăng 540% và 790% so với cùng kỳ năm trước.

Nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa Đông đã buộc Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 7 thông qua đề xuất các nước thành viên tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023.

Một số quốc gia EU cũng đã ban hành các điều luật về sử dụng điều hòa và các mức độ sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng hay thương mại nhằm không rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn năng lượng dự trữ cho mùa Đông.

Đức đã chuyển sang giai đoạn thứ hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn. Nếu phải chuyển đến giai đoạn cuối cùng, nguồn cung khí đốt đối với nền sản xuất công nghiệp dự kiến bị cắt giảm. Nước này cũng sẽ áp dụng thuế khí đốt để giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước, khiến chi phí năng lượng của các hộ gia đình tại Đức sẽ tăng lên đáng kể.

Đức cũng đang thúc đẩy việc xây đường ống dẫn khí đốt từ Bồ Đào Nha qua Pháp đến Trung Âu để giúp khu vực giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga.

Các nhà phân tích dự báo giá khí đốt trên toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu có thể tăng thêm nữa trong những tháng tới khi thị trường bước vào mùa cao điểm tiêu thụ và các quốc gia EU chạy đua tìm nguồn thay thế năng lượng từ Nga.

Trong ngày 17/8, Gazprom cảnh báo giá khí đốt tại châu Âu trên thị trường giao ngay hiện đã lên tới 2.500 USD/1.000 m3 và theo các ước tính thận trọng nếu xu hướng này kéo dài thì giá khí đốt tại đây sẽ vượt mức 4.000 USD/1.000 m3 trong mùa Đông năm nay, tăng 60% so với mức giá hiện tại.

Tường Vy