EU chính thức thông qua việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga

Liên minh châu Âu vừa chính thức thông qua gói trừng phạt mới nhắm vào Nga, bao gồm cả việc cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô của Nga vào cuối năm nay.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ cắt giảm khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga tới EU vào cuối năm nay (Ảnh: AFP)

Ngày 3/6 (theo giờ địa phương), Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga, bao gồm cả việc dần loại bỏ nhập khẩu dầu thô của nước này qua đường biển trong vòng 6 tháng tới và đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ như dầu diesel trong vòng 8 tháng tới.

EU cũng cho biết gói trừng phạt mới này sẽ tạm thời miễn trừ việc nhập khẩu dầu thô từ Nga qua các đường ống dẫn dầu, cho phép các quốc gia vốn phụ thuộc mạnh vào hoạt động này tiếp tục được nhập khẩu dầu từ Nga. Tuy nhiên, EU nêu rõ các quốc gia được hưởng miễn trừ bị hạn chế bán lại dầu thô của Nga cho bên thứ ba hoặc các nước châu Âu khác.

Bên cạnh đó, Bulgaria sẽ được phép nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu Nga bằng đường biển tới cuối năm 2024 do "yếu tố địa lý đặc thù". Croatia được phép tiếp tục nhập khẩu dầu nhớt Nga, sản phẩm cần thiết cho các hoạt động của nhà máy lọc dầu nước này, đến cuối năm 2023.

Gói biện pháp trừng phạt mới nhất của EU cũng cấm các nhà khai thác trong khối tài trợ hoặc đảm bảo vận chuyển dầu Nga tới các nước bên thứ ba. Hội đồng châu Âu (EC) khẳng định biện pháp này sẽ “đặc biệt làm khó Nga” trong việc tiếp tục xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu ra thị trường quốc tế.

Trong năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 51,5 tỷ USD dầu thô từ Nga và 24,7 tỷ USD các sản phẩm tinh chế từ dầu thô. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ “cắt giảm khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga tới EU vào cuối năm nay".

Trong ngày 2/6, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo biện pháp cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga của EU có thể gây mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và gây thiệt hại cho chính các quốc gia châu Âu.

Trong một diễn biến khác, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu (liên minh OPEC+) đã đạt đồng thuận về việc nâng sản lượng khai thác thêm lên mức 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8/2022. Con số này cao hơn tới 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch cũ. Liên minh OPEC+ hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định quyết định của OPEC+ chỉ mang tính chất “biểu tượng” chứ không có tác dụng nhiều trong việc kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu trên toàn cầu, nhất là khi nguồn cung dầu thô từ Nga ra thị trường quốc tế suy giảm dưới tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Tường Vy