EuroCham muốn tổ chức Hội nghị trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam và EU

Buổi làm việc mới đây giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Tân Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cùng Ban Lãnh đạo EuroCham đã trao đổi về kế hoạch, phương hướng tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Tân Chủ tịch EuroCham Alain Cany
Tân Chủ tịch EuroCham Alain Cany

Tại buổi làm việc, Chủ tịch EuroCham Alain Cany hy vọng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam và Liên minh châu Âu triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

EuroCham cho rằng đây là hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, khi các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam có thể thu hút thêm các nguồn vốn nước ngoài của các công ty khác đầu tư vào Việt Nam, còn các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường châu Âu và thị trường toàn cầu.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng với những kết quả đạt này, Việt Nam vẫn nằm trong “top” các quốc gia là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông chia sẻ, hiện nay đại dịch vẫn chưa kết thúc, Việt Nam đã kiểm soát được tốt dịch bệnh nhưng triển khai vắc xin còn chậm hơn so với các quốc gia khác. EuroCham đã phối hợp với Chính phủ để tìm ra cách thức đưa vắc-xin về Việt Nam nhanh nhất, cũng như triển khai tiêm phòng vắc-xin cho người dân.

EuroCham hi vọng, quá trình triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng của Việt Nam sẽ diễn ra công bằng và phù hợp. Đồng thời mong muốn rút ngắn thời gian cách ly đối với các chuyên gia đã tiêm đủ vắc-xin và có đủ thời gian để vắc-xin phát huy hiệu quả. Để có thể thúc đẩy hơn nữa đầu tư vào Việt Nam, EuroCham mong muốn sẽ có một hội nghị trực tuyến với các điểm cầu là các doanh nghiệp của châu Âu trên thế giới mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá đây là những nội dung rất thiết thực mà Chính phủ Việt Nam mong muốn được EuroCham chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ nhất hiện nay. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực,… kiểm soát sớm dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế để không bị đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi lao động. Đồng thời, hỗ trợ các các doanh nghiệp chống đỡ, vượt qua đại dịch để đứng vững, vượt qua đại dịch và phát triển.

Việt Nam mong muốn EuroCham xây dựng một chương trình hành động của nhiệm kỳ mới cụ thể, thiết thực và hiệu quả hơn. Ví dụ như xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiêu chuẩn hợp tác với doanh nghiệp châu Âu, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Việt Nam cũng kỳ vọng  EuroCham sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng góp phần hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp châu Âu đến tìm hiểu môi trường đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thông qua các hoạt động đối thoại thường niên giữa EuroCham và Chính phủ.

Đồng thời khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp châu Âu thông qua EuroCham trao đổi, phản ánh những khó khăn, vướng mắc. Thẳng thắn tư vấn, hiến kế giúp chính phủ Việt Nam những giải pháp thiết thực, hiệu quả, những cơ chế chính sách đột phá để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn, nhất là trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch.

Phong Châu