Ngày 10/4/2020 sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về kinh tế - xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị, cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị sẽ thảo luận về 3 nhóm giải pháp chính bao gồm: Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Nhóm giải pháp hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị tài liệu theo phân công để gửi các cơ quan, địa phương nghiên cứu trước.
UBND các tỉnh, thành phố kiến nghị các giải pháp cụ thể gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, ngày 4/3/2020, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương thời gian qua đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm quán triệt tinh thần thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh ở mức độ cao nhất song song với đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt về bình ổn thị trường, phát triển thương mại nội địa, thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ đã nghiên cứu thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trước hết là huy động các ngân hàng tái cơ cấu khoản nợ, tạo điều kiện giãn nợ và hỗ trợ bổ sung nguồn tín dụng với ưu đãi hơn để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Hay giãn thời gian nộp thuế, miễn thuế và tăng cường thúc đẩy đầu tư công, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Tiếp nối những đề xuất này, thời gian tới Bộ Công Thương cho biết đang tiếp tục nghiên cứu, thống nhất để báo cáo Chính phủ về các gói, các cơ chế chính sách bổ sung đảm bảo tạo động lực giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, được tiếp cận nguồn vay mới, tái cơ cấu hoạt động, duy trì đội ngũ lao động vượt qua khó khăn.