Gia nhập Liên minh châu Âu từ năm 1981, Hy Lạp là nước có chế độ chính trị ổn định và nền kinh tế phát triển nhanh, nhiều thế mạnh về kinh tế biển và du lịch. Công - nông nghiệp của Hy Lạp phát triển khá với nhiều khoáng sản như: Bốc-xít, quặng sắt, niken... Năm 2007, GDP đạt trên 326 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 30.500 USD. Từ năm 2000, nhờ áp dụng các giải pháp kinh tế có hiệu quả, Hy Lạp đã đạt các tiêu chí và được gia nhập khu vực đồng Euro. Hiện nay, Hy Lạp là một trong những nước có tốc độ phát triển cao nhất ở EU.
Việt Nam và Hy Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/4/1975. Quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh trong thời gian qua với các sự kiện quan trọng như: Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hy Lạp Côtat Caramalit tháng 5/2007; Khai trương Đại sứ quán Hy Lạp tại Hà Nội tháng 3/2007; Chuyến thăm Hy Lạp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 6/2008; Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Karolos Papoulias (tháng 10/2008).
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Hy Lạp tuy còn hạn chế, nhưng tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn. Trong 5 năm (2001 – 2006), kim ngạch thương mại Việt Nam - Hy Lạp mới đạt hơn 200 triệu USD, nhưng đã tăng nhanh trong thời gian qua. Đặc biệt, 8 tháng đầu năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 90 triệu USD bằng cả năm 2007, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu.
Hai nước cũng đã ký một số hiệp định và hợp đồng kinh tế quan trọng như: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, công nghiệp và công nghệ (năm 1996); Hiệp định khung về hợp tác du lịch (năm 2007); Hiệp định hợp tác văn hoá (năm 2008). Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hy Lạp được tổ chức lần đầu tiên nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Hy Lạp tháng 6/2008, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ đóng mới 8 tàu biển trị giá 600 triệu USD.
Về đầu tư: Mặc dù chưa có dự án đầu tư và cung cấp ODA nào tại Việt Nam, nhưng Hy Lạp đã có một số hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người, đồng bào vùng bị bão lụt, người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam... tại Việt Nam. Hy Lạp và Việt Nam đã ủng hộ lẫn nhau trong việc ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Hy Lạp sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong một số lĩnh vực trọng điểm mà hai bên có tiềm năng và nhu cầu như: vận tải biển, đóng tàu, du lịch, năng lượng...
Từ ngày 11 - 16/10/2008, Tổng thống Cộng hòa Hy Lạp Karolos Papoulias, đã thăm chính thức Việt Nam nhằm thúc đẩy toàn diện quan hệ giữa hai nước. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hy Lạp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp Cộng hòa Hy Lạp và Đại sứ quán Hy Lạp tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 14/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp Petros Doukas khẳng định, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp của Hy Lạp. Hy Lạp là một thị trường không lớn, nhưng là thị trường phát triển và là thành viên EU. Chính vì vậy, hàng hoá của Việt Nam vào được Hy Lạp cũng có nghĩa là vào được thị trường EU. Hơn nữa, Hy Lạp là một thị trường mở, nên các sản phẩm hàng đầu của Việt Nam như quần áo, cà phê, hải sản... có thể đầu tư hoặc xuất khẩu vào thị trường này với mức thuế ưu đãi. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, lĩnh vực dầu khí và hoá chất của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu nhiều cà phê nhất thế giới cùng với các sản phẩm nông sản khác đang tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Hy Lạp tham gia buôn bán, trao đổi hàng hoá. Cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Hy Lạp không chỉ bó gọn tại thị trường Việt Nam, bởi vì ngoài quy mô thị trường lớn với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam còn là cầu nối với khu vực mậu dịch tự do ASEAN và Trung Quốc. Điều đó cũng đã được các doanh nghiệp Hy Lạp quan tâm và đánh giá cao.
Với kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, ông Marios Mitromaras, Giám đốc kinh doanh của Intralot châu Á-Thái Bình Dương nhìn nhận, một khi doanh nghiệp Hy Lạp kinh doanh ở Việt Nam, họ sẽ tiếp cận được một trong những thị trường lớn nhất thế giới với khoảng 600 triệu dân của ASEAN. Các công ty Hy Lạp có thể hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác này.
Tại Diễn đàn này, hai nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hy Lạp; Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Hy Lạp.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã khái quát những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được, nêu rõ những khó khăn mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt, đồng thời khẳng định, với tiến trình cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế, với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và nguồn nhân lực trẻ, có trình độ văn hoá cao, an ninh bảo đảm, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và kinh doanh. Thứ trưởng tin rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước, và sự hoạt động tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác Việt Nam – Hy Lạp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, giao thông đường biển, du lịch, văn hoá... sẽ phát triển mạnh, đánh dấu một thời kỳ mới hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam và Hy Lạp trong thế kỷ XXI.