Tòa soạn và Bạn đọc

1. Hỏi: Chúng tôi muốn Tòa soạn cho biết rõ hơn ngoài chế độ thai sản, do đặc điểm về giới tính, người lao động nữ còn được hưởng những quyền lợi gì? (Nguyễn Thị Hồng - Công ty May Hưng Yên)
 

Trả lời: Xuất phát từ đặc điểm giới tính của người lao động nữ, Luật Lao động của Việt Nam đã có rất nhiều quy định bảo đảm sự bình đẳng, chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho lao động nữ thực hiện tốt công việc, phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Ngoài chế độ thai sản, lao động nữ còn được hưởng các quyền lợi sau:

Có quyền bình đẳng với nam giới trong quan hệ lao động. Người sử dụng lao động phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động; ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi người đó có đủ tiêu chuẩn tuyển chọn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ mà đơn vị đang cần.

Lao động nữ không bị xếp vào những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con. Nơi có lao động nữ đang làm các công việc nói trên phải có kế hoạch đào tạo nghề, chuyển dần chị em sang làm công việc khác phù hợp, tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khoẻ, cải thiện điều kiện lao động hoặc giảm bớt thời giờ làm việc. Không được sử dụng lao động nữ bất kỳ ở độ tuổi nào làm việc thường xuyên dưới hầm mỏ hoặc ngâm mình dưới nước.

Nơi sử dụng lao động nữ phải có chỗ thay quần áo, buồng tắm và buồng vệ sinh nữ.

Trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, người lao động nữ được tạm hoãn việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kéo dài thời hạn xem xét xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp đơn vị chấm dứt hoạt động        

Lao động nữ làm công việc nặng nhọc, khi có thai đến tháng thứ bẩy, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt một giờ làm việc hàng ngày mà vẫn được hưởng đủ lương; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn hưởng đủ lương. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ có thai từ tháng thứ bẩy hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa.

Trong thưòi gian nghỉ việc đi khám thai, để thực hiện biện pháp kế hoạch hoá gia đình hoặc do sảy thai, nghỉ việc để chăm sóc con dưới bảy tuổi ốm đau, nhận trẻ sơ sinh làm con nuôi,... lao động nữ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc được người sử dụng lao động trả một khoản tiền bằng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội. Trường hợp người khác thay người mẹ chăm sóc con ốm đau, người mẹ vẫn được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Hết thời gian nghỉ thai sản theo chế độ và cả trong trường hợp được nghỉ thêm không hưởng lương, khi trở lại làm việc, lao động nữ vẫn được bảo đảm chế độ làm việc bình thường.

Nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo.

2. Hỏi: Tôi là một lao động nữ hiện đang làm việc trong ngành than, công việc rất nặng nhọc, tôi cảm thấy sức khoẻ của mình bị giảm sút nhiều, tôi định cố gắng thêm một thời gian nữa rồi xin sang công việc khác, nhưng lại không có nghề và chuyên môn phù hợp, tôi muốn xin đi học thêm nghề, nguyện vọng này của tôi có chính đáng và phù hợp với Luật Lao động hay không?

(Phạm Thị Hoa - Quảng Ninh)

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau:

Nguyện vọng của bạn được đi học thêm nghề là hoàn toàn chính đáng, pháp luật về lao động cũng đã có những quy định cụ thể bảo về quyền lợi chính đáng này của bạn nói riêng và của lao động nữ nói chung. Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Thông tư số 19/LĐTBXH - TT ngày 12 tháng 9 năm 1996 hướng dẫn việc dạy nghề, đào tạo lại nghề, bổ túc, bồi dưỡng nghề cho người lao động và dạy nghề dự phòng cho lao động nữ làm việc trong doanh nghiệp quy định nghề dự phòng của Lao động nữ là nghề khác với nghề đang làm và được dùng khi người lao động nữ không thể tiếp tục làm nghề đó cho đến khi về nghỉ chế độ.

Theo quy định tại Thông tư này thì lao động nữ đang làm việc trong doanh nghiệp được quyền đề nghị học thêm nghề dự phòng cho mình theo quy định và nguyện vọng phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của từng người. Lao động nữ có thể học nghề dự phòng theo hình thức nghỉ việc để học liên tục trong một thời gian, hoặc vừa học vừa làm. Thời gian học nghề dự phòng vẫn được hưởng các quyền lợi cơ bản như khi làm việc. Nếu lao động nữ học nghề dự phòng không nghỉ làm việc thì được hưởng khoản tiền bằng số tiến lương cấp bậc của thời gian lẽ ra phải nghỉ việc để hoàn thành khoá học, nhưng không quá 4 tháng tiền lương khoá học. Người lao động nữ học nghề dự phòng được thanh toán tiền học phí, chi phí dạy nghề dự phòng cho lao động nữ, lấy từ quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp.

  • Tags: