Làng nghề hai ngàn tuổi

Hơn ba mươi năm trước, tôi đã có những kỷ niệm khó phai với vùng quê Quảng Phú Cầu. ấy là giữa năm 1972, cơ quan tôi từ Hà Nội về đó sơ tán. Quảng Phú Cầu là một xã thuộc huyên ứng Hòa, tỉnh Hà Tây do

Ngày ấy, tôi được phân công đến ở nhà ông Truật, tuổi mới bốn mươi mà đã khá đông con. Bé Thanh 15 tuổi là con gái đầu, tiếp đến là mấy cô cậu Truân, Quân, Đình... Buổi sáng, mấy chị em đội mũ rơm đi học, chiều về, lại mỗi đứa một con dao sắt lẻm ngồi chẻ tăm hương. “Thời buổi này, ruộng nương nhập cả vào hợp tác xã. Tập thể làm ăn như mèo mửa, mỗi công lao động được 8 lạng thóc, con lợn với con người tranh nhau một củ khoai, không tranh thủ làm hương thì không có đồng ra đồng vào, chú ạ”. Ông Truật chép miệng bảo tôi như vậy.

“Nghề làm hương quê mình có từ khi nào ạ?”. Nghe tôi hỏi, ông Truật hào hứng kể: “Nghề làng tôi có lịch sử hai ngàn năm rồi đấy ạ. Tổ nghề là bà Chiêu Nương, một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Làng Xà Cầu (còn gọi là Xà Kiều) là quê mẹ của bà Chiêu Nương. Thời kỳ đầu Công nguyên, khi nhà Hán đô hộ nước ta, bà đã cùng hai em trai là ông Nguyễn Hồng, và Nguyễn Truyền đi từ đất Thái Bình sang quê ngoại chiêu binh tụ nghĩa lập nên Xà Kiều trại, mở xưởng rèn vũ khí, luyện tập dân binh rồi bắt liên lạc với Hai Bà Trưng, hợp quân đánh giặc. Nghĩa quân của ba chị em Chiêu Nương cùng tiến đánh thành Luy Lâu (thủ phủ của chính quyền đô hộ). Sau khi chiến thắng, lại trở về Xà Kiều củng cố dinh luỹ trấn giữ phía Nam thành Phong Châu. Bà Chiêu Nương đã dạy dân Xà Kiều nghề làm hương đen mở mang công nghiệp. Buổi chợ phiên Xà Kiều như một rừng hương sầm uất, thương lái các nơi đổ về cất hàng tấp nập. Năm 44, nhà Hán sai Mã Viện sang tái chiếm nước ta. Trong một trận ác chiến với giặc, ba chị em bà đã anh dũng hy sinh. Nhân dân Xà Kiều lập đèn thờ và suy tôn Tam vị Đại vương làm thành hoàng làng. Ngôi đền thiêng hiện vẫn còn và là một di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng. Đền còn giữ được 18 đạo sắc phong của các triều vua...”.

Sau nhiều năm đứt liên lạc với bà con vùng quê sơ tán, mùa xuân Giáp Thân này tôi mới trở lại Quảng Phú Cầu thăm cảnh cũ người xưa và không khỏi ngỡ ngàng trước phong cảnh làng quê đã quá nhiều thay đổi. May mà vẫn còn sót lại cây gạo già nua, mấy trăm năm tuổi vẫn còng lưng đứng bên đường khiến tôi nhận được chốn thân quen.

Tiếc thay ông Truật đã khuất núi được hai năm. Tôi kính cẩn thắp lên bàn thờ ông một nén tâm hương, vui mừng được biết các con ông đều đã trưởng thành, nhất là cậu bé Nguyễn Trung Quân 10 tuổi có vầng trái rộng ngày nào nay đã là Chủ tịch xã. Hai khóa liền anh đã vững tay chèo lái, đưa phong trào Quảng Phú Cầu vượt lên đứng đầu về phát triển kinh tế xã hội của huyện. Năm 2003 Quảng Phú Cầu đã đạt tổng giá trị thu nhập nông công nghiệp là 36 tỷ đồng, vượt mức tăng trưởng 14%. Cơ cấu kinh tế có nhiều bước chuyển đổi theo hướng phát triển ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chiếm tỷ trọng 55% so với tổng giá trị thu nhập trong xã. Nhờ vậy mà Quảng Phú Cầu đã xây cất được nhiều công trình phúc lợi: toàn bộ đường sá trong làng đã được trải nhựa và bê tong. Xây một trạm biến áp 320 kVA. Khoan và xây lắp một công trình xử lý nước ngầm thứ hai trong xã, cung cấp đủ nước máy cho một thôn. Đặc biệt là xây dựng được khu tưởng niệm đồng chí Trần Đăng Ninh, một người cộng sản tiền bối, có nhiều công lao với dân với nước, là niềm tự hào của quê hương.

Tôi và Quân có bao điều tâm sự, nào chuyện gia đình, nào chuyện quê hương. Tôi hỏi Quân: “Bí quyết nào khiến địa phương giàu lên thế?”. Quân cười: “Chẳng có gì là bí quyết cả, chú ạ.! Cái chính là chúng cháu đã đi đúng hướng, đầu tư phát triển nghề hương của các cụ xưa truyền lại. Từ khi Nhà nước có chính sách mở cửa, khuyến khích giữ gìn bản sắc văn hóa, khắp nơi đua nhau tôn tạo đền miếu, đình chùa, rồi hội hè đình đám... việc cúng bái càng nhiều thì hương đốt càng lắm”. Thế là nghề làm hương Quảng Phú Cầu như điều gặp gió. Bên cạnh việc sản xuất hương đen bán cho một số địa phương trong nước vẫn ưa dùng, còn chủ yếu bấy giờ là chẻ tăm hương, không chỉ tiêu thụ trong nội địa, mà còn xuất khẩu. “Que hương mà cũng xuất khẩu được sao?”. Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên, anh Quân giải thích: tăm hương mới là bán thành phẩm, lại giao cho các cơ sở làm hương thẻ thành phẩm rồi mới xuất sang các nước châu á, vì người châu á đa phần theo đạo Phật, thờ cúng tổ tiên, nên hương Việt Nam đã tìm được đường sang các nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapo... Vì thế mà có đến 90% gia đình trong xã tham gia làm hương. Những người thành thạo, mỗi ngày kiếm được 30 nghìn đồng, trẻ em và những người già mỗi ngày cũng được 10 đến 20 nghìn đồng. Thu nhập ở nhà quê thế là khá lắm, mà lại mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Hơn nữa, làm ra tiền thì ai cũng ham, vì thế mà giảm được rất nhiều tệ nạn xã hội. Hiện trong xã đã có tới 30 chủ đầu tư lập xưởng sản xuất tăm hương. Có mấy chủ làm hương đen cũng mua máy nghiền than, máy trộn hương để nâng cao được sản lượng. Các chủ làm tăm hương thẻ thì trang bị máy cưa, máy chà sát que tăm, năng suất gấp hàng trăm lần vót tay mà que lại bóng đẹp. “Vậy thì số que hương sản xuất hàng năm chắc là nhiều lắm?”. “Vâng, tổng số nguyên liệu nứa bổ thanh từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Thanh Hóa nhập về, tập kết lại xã này mỗi năm từ 180 nghìn đến 200 nghìn tấn mà vẫn tiêu thụ hết. Chỉ riêng số que gẫy, hỏng và những phần loại ra khi chẻ tăm cũng đủ làm chất đốt cả năm cho các gia đình, thế là số rơm rạ bị thừa ra. Mấy năm trước đây, xã đã mời các nhà khoa học nông nghiệp và vi sinh về hướng dẫn nhân dân sản xuất nấm rơm, thu được kết quả tốt. Nhưng nấm làm ra rất nhiều mà không tìm được nơi tiêu thụ, mà loại này chỉ để quá vài ngày là hỏng, đánh phải dẹp bỏ.

Câu chuyện càng ngày càng thích thú. Dù trời vẫn đang mưa nặng hạt, tôi bảo Quân cho đi xem một vài xưởng sản xuất tăm hương. Thế là hai chú cháu khoác áo mưa đến thăm cơ sở sản xuất của bà Ngô Thị Bi, người phụ nữ độ tuổi 50, có phong thái lịch thiệp của một bà chủ. Anh Quân cho tôi biết, bà vừa trúng cử Hội đồng nhân dân khóa này. “Nhà máy” của bà có hai phân xưởng nằm đối diện, một bên là hai cỗ máy chà sát que tăm đang chạy xình xịch, được quây bạt kín như buồng tằm để ngăn bụi xơ tăm. Công suất đạt từ 1 đến 1,5 tấn/ngày. Những que tăm chà xong cứ nhẵn bóng như dùng dao chuốt. Một bên là xưởng máy cắt tăm cho vừa độ dài một que hương rồi chuyển cho công nhân bó và đóng gói. Trong xưởng lúc ấy có 12 công nhân đang thao tác. Những bó tăm được xếp vào hộp các-tông rồi dán nhãn mác thương hiệu. Tôi nhìn vào gian trong thấy những bó que tăm chưa tái chế, xếp đầy như núi, tôi hỏi bà Bi: “Mỗi tháng chị sản xuất được bao nhiêu tấn?”. “Bình quân 30 tấn anh ạ”. Quân bảo: Trong số 30 chủ có trang bị máy tái chế tăm hương, nhà sản lượng thấp cũng được 15 tấn/tháng. “Nhiều như vậy thì mua que tăm đâu cho đủ?” tôi thắc mắc. Bà Bi bảo, ngoài việc mua tăm chẻ thô của các gia đình để tái chế, cơ sở của bà còn có nguồn tăm từ Mai Châu (Hòa Bình) đưa vào mỗi tháng 4-5 tấn nữa. Những que tăm của bà có khách hàng đặt mua với giá 3.500 đồng/kg rồi chuyển lên Vĩnh Phúc chế biến hương thành phẩm, xuất sang ấn Độ.

Hương thơm Quảng Phú Cầu ngày một bay xa, các xã bạn ở quanh đây đã có nhiều người học được nghề chẻ tăm hương. Bà Bi còn cho biết cách đây một tháng, Sở Công nghiệp Bắc Giang đi ba ôtô dẫn đại biểu của 50 xã về đây tham quan làng nghề có đến thăm cơ sở của bà. Ông Giám đốc Sở nói: Tỉnh chúng tôi có núi rừng Yên Thế nổi tiếng trong lịch sử và núi rừng Bảo Đài, Mai Xiu, Biển Động... bạt ngàn tre nứa. Rừng lá vàng, vậy mà nhân dân miền núi Bắc Giang vẫn chưa biết cách làm giàu. Hôm nay, chúng tôi về đây tham quan với mong muốn tầm sư học đạo, mong sau này được các đồng chí giúp đỡ. Và cũng cách đây chưa lâu, Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, buổi truyền hình tiếng Pháp về Quảng Phú Cầu cũng đến cơ sở này quay phim phát ra nước ngoài giới thiệu chương trình xuất khẩu.

Quân còn kể cho tôi nghe một sự kiện mang đầy tính nhân văn. Trong dịp giỗ tổ Hùng Vương vừa rồi, Quảng Phú Cầu đã dâng một lễ vật đặc biệt vẽ đất tổ làm lễ các vua Hùng, nhân dịp làng nghề vừa được Nhà nước công nhận. Các nghệ nhân Xà Cầu đã chế tạo ba nén hương đen khổng lồ, mỗi nén có chiều dài 2,5m được làm bằng cả thân cây tre non đục thông các mắt, dùng sạn hương nhồi vào cho đặc, rồi lấy nhựa hương hảo hạng đắp quanh thân tre, để mỗi nén hương đạt đường kính 12 cm.

Chọn ngày mồng 8 tháng 3 âm lịch, một đoàn đại biểu tỉnh Hà Tây có cả các vị phó giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh, cán bộ lãnh đạo xã Quảng Phú Cầu cùng đại biểu các nghệ nhân làng nghề đã hành hương lên đền Hùng trao tặng lễ vật cho Ban Quản lý di tích tiếp nhận. Trong cuộc đón tiếp nồng nhiệt và cảm động, bà con làng nghề phát biểu những lời mộc mạc: “Các vị tổ tiên đã dạy chúng tôi phải uống nước nhớ nguồn, nay đã sắp đến ngày giỗ Tổ, chúng tôi xin có mấy nén nhang dâng lên các vua Hùng như con cháu về gửi giỗ ông bà theo phong tục Việt Nam”. Đúng 6 giờ sáng ngày mùng 10 tháng 3, ba cây hương đã được thắp tại sân đền thượng. Vì được biết trước thông tin này, bà con Quảng Phú Cầu rủ nhau về đền đông hơn nhiều năm trước, ai cũng rưng rưng cảm động xen lẫn tự hào, ngước nhìn ba cây hương của làng mình cháy rất đượm, khói bay nghi ngút như đám mây thơm lan tỏa một vùng trời./.
  • Tags: