FECON: Backlog cung cấp đủ việc cho đến cuối năm, cổ phiếu FCN tăng 66%

Mặc dù ghi nhận lỗ trong quý 2 vừa qua nhưng dự báo kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần FECON sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay nhờ lượng backlog dồi dào và năng lực tài chính lành mạnh.

Backlog cung cấp đủ nguồn việc cho đến cuối năm

Kết quả kinh doanh của FECON
Diễn biến kết quả kinh doanh của FECON qua các quý gần đây. (Nguồn: FECON, PSI)

Trong quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần FECON (mã cổ phiếu FCN – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 674 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 35% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh kém tích cực của doanh nghiệp này phản ánh thực trạng chung của ngành xây dựng Việt Nam trong thời gian qua.

Hoạt động xây dựng thời gian qua gần như đình trệ khi các dự án đầu tư công có nhiều vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, san lấp đất đá phục vụ thi công, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, trong khi mảng bất động sản dân dụng gần như đóng băng, các chủ đầu tư đối mặt với nhiều vấn đề đặc biệt là nguồn vốn.

FECON đã ghi nhận lỗ sau thuế 1,4 tỷ đồng trong quý 2/2023, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng cao khi lãi suất neo cao. Điều này khiến lãi ròng 6 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp này chỉ đạt 1,37 tỷ đồng, tăng 10% so với nửa đầu năm 2022.

Điểm sáng là biên lợi nhuận gộp của FECON được duy trì ổn định, đạt 18,5% trong quý 2/2023 (so với mức 20,2% trong quý 1/2023), nhờ việc quản lý tốt các chi phí dự án đảm bảo theo sát kế hoạch xây dựng.

Giá vật liệu xây dựng
Diễn biến giá một số loại vật liệu xây dựng chính thời gian qua. (Nguồn: PSI, SteelOnline, FIDT)

Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 6/2023, hàng tồn kho của FECON đã tăng 4% so với thời điểm đầu năm nay, lên hơn 1.700 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án mà FECON đang là nhà thầu thi công, thể hiện công ty vẫn đang rất nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các gói thầu.

Đáng chú ý, tổng giá trị các gói thầu ký mới của FECON trong quý 2/2023 là khoảng 400 tỷ đồng, bao gồm một số gói thầu lớn như gói thầu 192 tỷ đồng tại Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4, dự án Cầu Hôn trị giá 59,7 tỷ đồng… Như vậy, tổng giá trị các gói thầu ký mới trong 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này đạt khoảng 1.100 tỷ đồng, nâng tổng giá trị backlog (đơn hàng tồn đọng) lên 3.600 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Chứng khoán Dầu khí (PSI), khối lượng backlog trên cung cấp đủ nguồn công việc cho FECON đến cuối năm nay. Hiện tại, doanh nghiệp này vẫn đang triển khai đồng loạt nhiều gói thầu lớn như tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4, Bến cảng Lạch Huyện, Dự án Khu liên hợp Thép Hòa Phát Dung Quất GĐ2, ... đảm bảo tiến độ được chủ đầu tư đưa ra. Do đó, PSI dự báo doanh thu của FECON sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay.

Xem thêm: "Biên lợi nhuận của doanh nghiệp xi măng có thể được cải thiện trong quý 3/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Lợi thế tài chính lành mạnh, cổ phiếu FCN tăng 63%

Tài chính của FECON
Tình hình tài chính của FECON so với các doanh nghiệp xây dựng khác niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Nguồn: FECON, FiinPro)

FECON hiện là doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam trong lĩnh vực xử lý nền móng và thi công công trình ngầm, đặc biệt là các công trình xây dựng có sức nặng lớn. Đây là một lĩnh vực đặc thù trong ngành xây dựng đòi hỏi kĩ thuật chuyên môn cao cũng như công nghệ thi công tiên tiến, do đó doanh nghiệp này có thể tránh được sự cạnh tranh gắt gao từ các nhà thầu khác trong việc đấu thầu dự án, ngoài ra có thể được hưởng mức biên lãi gộp tương đối cao và ổn định.

So với các doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán khác, FECON là doanh nghiệp hiếm hoi có nền tảng tài chính tương đối lành mạnh, với tỷ trọng nợ không lớn, biên lãi gộp tương đối tốt, và rủi ro liên quan đến công nợ, dòng tiền, đòn bẩy tài chính tương đối thấp. Điều này có thể giúp cho FECON tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn vốn vay vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ, theo nhận định của PSI.

Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá cổ phiếu FCN Fecon Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FCN của FECON từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong quý 2 vừa qua, FECON đã ghi nhận dòng tiền quay về từ dự án Vĩnh Hảo 6 (hơn 292 tỷ đồng) sau khi đã có thỏa thuận bán toàn bộ 100% cổ phần tại dự án này vào cuối năm 2022. Dòng tiền của doanh nghiệp này không quá phụ thuộc vào dòng tiền từ hoạt động tài chính (CFF).

PSI hiện dự phóng tổng doanh thu của FECON trong năm nay ở mức 3.151 tỷ đồng và lãi ròng đạt 61 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,4% và tăng 19,6% so với năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/8, cổ phiếu FCN tăng 2,3% lên mức 15.700 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu FCN đã tăng gần 63%. Đáng chú ý, sau 4 phiên chịu áp lực giảm mạnh, cổ phiếu FCN đang có dấu hiệu cân bằng trở lại quanh vùng giá hiện tại.

Trước đợt giảm vừa qua, cổ phiếu FCN đã ghi nhận đợt tăng mạnh kéo dài từ giữa tháng 5/2023 đến giữa tháng 8/2023 với mức tăng lên tới 56%.

Minh Quân