FTA: Động lực và thách thức

Từ năm 1986 đến nay, sau khi tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký 12 FTA; kết thúc đàm phán FTA với EU và đang đàm phán 4 FTA khác, trong đó có những FTA thế hệ mới

Các FTA nói trên, đặc biệt là FTA thế hệ mới có nhiều nội dung vượt trội về mức độ tự do hóa (mở cửa) sâu, phạm vi cam kết rộng, nhiều cam kết về thể chế và nhiều đối tác FTA lớn... Theo đó, khi thực hiện tất cả các FTA này, Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với 56 đối tác trên thế giới, bao gồm tất cả các nước G7 và 15/20 thành viên Nhóm G20, mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Điểm mặt các FTA

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán nhiều FTA quan trọng. FTA được quan tâm nhiều nhất trong những năm gần đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là một FTA thế hệ mới với những cam kết vượt trội so với các FTA trước đây, ban đầu có tên gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chính thức ký ngày 4/2/2016. Nhưng tháng 1/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP, sau đó vào tháng 11/2017, 11 nước thành viên TPP đã ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP và điều chỉnh một số cam kết, rà soát pháp lý để tiến tới ký chính thức CPTPP.

Một FTA quan trọng nữa mà Việt Nam đã tham gia là Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) được ASEAN, Australia và New Zeland ký kết thành lập ngày 27/2/2009, có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Đây là thỏa thuận thương mại tương đối toàn diện, bao gồm rất nhiều cam kết về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, di chuyển thể nhân, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và hợp tác kinh tế. Cũng trong khung khổ ASEAN, Việt Nam còn tham gia các FTA khác với các đối tác thương mại lớn như FTA ASEAN - Hàn Quốc; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP) hình thành trên cơ sở SEAN và Nhật Bản ký kết vào tháng 4/2008; FTA ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2010; FTA ASEAN - Ấn Độ; giữa ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) được khởi động đàm phán từ tháng 7/2014 và hoàn tất đàm phán vào ngày 9/9/2017…

Trong khung khổ hợp tác thương mại song phương, Việt Nam cũng đã ký kết và thực hiện FTA với một loạt đối tác quan trọng như Nhật Bản, Chi Lê, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU - bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) được ký kết ngày 29/5/2015, và có hiệu lực từ ngày 05/10/2016. Đây cũng là FTA đầu tiên của EAEU ký với một đối tác khác, do đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang khu vực thị trường này.

Ngoài ra, các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán cũng hứa hẹn thúc đẩy mở cửa thị trường, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong những năm tới. Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013 và đã trải qua khoảng 20 vòng đàm phán, dự kiến kết thúc trong vài năm tới. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Ngày 1/12/2015 EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Hiện tại, hai bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định và lên kế hoạch ký kết hiệp định trong năm 2016. Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Hai FTA khác đang đàm phán là FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012; FTA giữa Việt Nam và Israel bắt đầu khởi động đàm phán từ ngày 2/12/2015.

Động lực và những thách thức

Các FTA đã, đang và sẽ tạo động lực thúc đẩy cải cách, mở cửa và phát triển kinh tế của Việt Nam. Những thành tựu kinh tế Việt Nam năm 2017 có dấu ấn không nhỏ của các FTA. Theo báo cáo của Chính phủ và Tổng cục Thống kê, năm 2017, Việt Nam có nhiều khởi sắc tích cực ở một loạt chỉ số thống kê kinh tế vĩ mô. Đây cũng là năm lần đầu tiên Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay về kết quả một loạt chỉ số, nổi bật là: Về tổng thu hút FDI đăng ký mới, mở rộng và góp vốn, mua cổ phần; về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động; về đỉnh cao của chỉ số chứng khoán quốc gia (nhất là VN-Index); về số lượt khách du lịch quốc tế, cũng như về kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt cả dầu mỏ, và gạo…

Các FTA cũng là động lực quan trọng thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Theo Báo cáo năm 2017 của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), Việt Nam đang trở nên nổi bật với các cải thiện về môi trường kinh doanh, 36% số doanh nghiệp Mỹ được khảo sát dự định sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, cao hơn so với 21% ở Thái Lan, 19% của Malaysia. Khảo sát Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) năm 2017 cũng khẳng định Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản, trên 66% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết có xu hướng “mở rộng hoạt động kinh doanh” tại Việt Nam.

Năm 2017, Việt Nam cũng được thăng hạng vượt trội trong nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế về môi trường và kết quả kinh doanh. Việt Nam đứng ở vị trí 68/190 quốc gia/nền kinh tế, tức tăng 14 bậc so với năm 2016 trong xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh của WB năm 2017 và tăng 23 bậc so với năm 2015. Những kết quả trên đây cũng là minh chứng đậm nét cho những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư theo yêu cầu nội dung và lộ trình các cam kết hội nhập trong khuôn khổ các FTA thế hệ mới.

Tuy nhiên, việc tham gia các FTA thế hệ mới cũng đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức, trong đó có sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà; sức ép bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ nội khối và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; sức ép giảm mức thuế… Hàng hóa Việt nam cũng sẽ chịu thêm sức ép vượt các hàng rào kỹ thuật (TBT) và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) khắt khe. Nguy cơ hàng hóa bị trả về nếu không đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường thành viên FTA cũng sẽ gia tăng. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh doanh nghiệp và nhiều cơ quan chức năng Việt Nam còn lúng túng, bị động việc sử dụng các công cụ cần thiết xây dựng và bảo vệ thị trường trong nước.

Hơn nữa, các FTA cũng đang và sẽ làm gia tăng nhập siêu của Việt Nam từ một số đối tác, trong đó Hàn Quốc là ví dụ điển hình. Năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử, Hàn Quốc đã vượt cả Trung Quốc để trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

Thực tế nêu trên cho thấy, quá trình tham gia các FTA đang đòi hỏi Việt Nam phải quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức. Theo đó, một trong những “việc cần làm ngay” là xóa bỏ những thể chế kìm hãm và lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả. Các FTA đang đòi hỏi chúng ta phải định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới với nhiều thay đổi về chất trong toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới… Tuy nhiên, thành công không đến với người tự ti hoặc thụ động, chuộng ảo vọng vay mượn và cũng không cho phép ta chủ quan, dừng nghỉ. Trong tiến trình phát triển đất nước đồng hành với các FTA, còn cần lắm sức mạnh toàn dân tộc dựa trên sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân; sự hội tụ của các sáng kiến, sáng tạo tự do và trách nhiệm cá nhân và cộng đồng người Việt cả trong nước và nước ngoài.

Mùa Xuân mới đang về, vận hội mới và sức Xuân mới đang mở ra tương lai mới cho một Việt Nam tiếp tục chuyển mình cùng thế giới.

TS. Nguyễn Minh Phong