Gặp thầy Khắc Huề nghe “chỉ đạo”

Cũng lâu lắm rồi ông không trả lời phỏng vấn của báo chí. Bận quá mà. Vẫn thủy chung với “người tình 51”, lâu nay ông còn rất say sưa trong vai trò thầy giáo dạy đàn violon cho trẻ em. Tình cờ dự thín

 PV: Dạy đàn violon cho các cháu nhỏ thế này, thầy Khắc Huề phải có bí quyết gì chứ?

Nghệ sĩ Khắc Huề: Tất nhiên rồi. Trước tiên phải là bạn của chúng. Tôi có cậu học trò mới có 3 tuổi. Ngày đầu tiên chúng tôi chơi với nhau trong phòng, không làm gì liên quan đến đàn hát cả. Rồi khi quen thân với cháu, tôi mới lôi đàn ra chơi những bài hát thiếu nhi mà cháu biết. Cu cậu tò mò rồi muốn thử xem mình có làm được như thầy không. Thế là cậu “trúng kế”.

 Nói chung, so với các nhạc cụ khác, đàn violon rất khó chơi vì không có phím, không có dấu hiệu gì về nốt trên dây, để kéo ra một bản nhạc với nhiều tiết tấu, người chơi phải cảm nhận bằng cỡ tay. Nhưng trẻ con bây giờ thông minh và cảm nhận âm nhạc rất tốt. Vì vậy, các cháu đều có thể chơi một loại nhạc cụ nào đó nếu thích.

 PV: Theo ông, khoảng mấy tuổi thì có thể cho các cháu học nhạc và bố mẹ nên bắt đầu từ đâu nếu muốn cho con học đàn violon?

 Nghệ sĩ Khắc Huề: Khoảng là 5 tuổi, nhưng cũng có thể sớm hơn, điều này không quy định cụ thể. Học đàn lúc nhỏ sẽ có nhiều thuận lợi vì tay các cháu lúc đó còn rất mềm, chỉnh sửa cho đúng tư thế rất dễ. Nhìn đôi bàn tay non nớt, vụng về, chập chững kéo thành những bản nhạc, những bài hát thiếu nhi, ai cũng cảm thấy thật đáng yêu. Các vị phụ huynh nếu muốn cho con học nhạc nên mua cho con một chiếc đàn organ cho các cháu tập chơi. Đến một lúc nào đó, các cháu sẽ thấy sự nhàm chán, đơn điệu của chiếc đàn điện tử, lúc đó các cháu sẽ nảy ra ý thích tìm kiếm một sự khám phá mới về âm thanh, một thứ âm thanh theo sở thích, chứ không phải theo lập trình có sẵn. Lúc đó chính là lúc nên đi học đàn.

 PV: Thật thú vị! Ông có hay đọc truyện không? Truyện và âm nhạc có liên quan với nhau như thế nào?

 Nghệ sĩ Khắc Huề: Có chứ, tôi rất thích đọc truyện, nhất là những tác phẩm của Nga. Những câu chuyện ngắn của Nga có nội dung rất nhẹ nhàng, dịu dàng, yêu đời, yêu cuộc sống và thật tuyệt diệu nếu có thể vừa đọc vừa tưởng tượng. (Nói đến đây, ông say sưa đọc cho tôi nghe một đoạn trong truyện ngắn Tuyết với giọng trầm ấm rất truyền cảm). Tôi đang đọc cho bạn nghe và tôi cũng đang rùng mình vì xúc cảm quá mạnh.

 Trẻ em rất nên đọc truyện. Truyện và âm nhạc giống nhau ở chỗ, khơi gợi người đọc, người nghe trí tưởng tượng, sự rung động và mẫn cảm rất cần thiết cho một con người.

 PV: Chơi violon hơn 40 năm rồi, có ngày nào ông không cầm đến chiếc đàn không?

 Nghệ sĩ Khắc Huề: Không. Ngày nào tôi cũng chơi và luyện tập cần mẫn. Bạn nhìn này, tôi tập đến nỗi thế này đây. (Ông áp hai ngón tay út với nhau cho tôi xem, kỳ lạ thật, ngón tay út bên bàn tay trái dài hơn ngón tay út bên bàn tay phải khoảng hơn 1cm). Vì nó cứ phải vươn ra để bấm phím mà. Tôi cũng giống như những người chơi đàn khác, không được làm việc hay chơi những môn thể thao quá nặng như tập tạ, sẽ ảnh hưởng đến tay. Tôi thỉnh thoảng chỉ chơi bóng bàn thôi.

 PV: Ông vẫn nói với các học sinh nhí của mình rằng: Các cháu hãy nói lên ước mơ của mình bằng cây đàn. Điều này không phải chỉ là một lời dạy thông thường mà còn là một chiêm nghiệm?

 Nghệ sĩ Khắc Huề: Đúng thế. Tiếng đàn chính là tiếng lòng. Tôi nhớ mãi hồi tôi còn nhỏ, mới hơn 10 tuổi thôi, nhà tôi ở gần ga Hà Nội. Một buổi tối mùa đông, ở trong nhà, tôi bỗng nghe thấy tiếng nói chuyện rì rào ngoài cửa. Thì ra là hai bố con bị móc túi không còn gì để ăn, chỉ còn đôi vé tàu để về quê Thanh Hóa. Họ đang rất đói. Tôi mang cho họ chỗ cơm nguội nhà ăn khi tối vẫn còn. Cả đêm hôm đó, tôi cứ thao thức mãi không hiểu họ sẽ sống bằng gì trong khoảng thời gian từ đây về đến quê hương. Bàn với mẹ xong, tôi vội ra ngoài cửa hàng gần đó mua 10 chiếc bánh mỳ rồi chạy lên tàu. Tìm suốt từ toa đầu đến toa cuối, mãi mới thấy hai bố con họ. Mừng quá, tôi reo lên. Họ ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Đưa cho họ bánh mỳ xong, về đến nhà đã quá nửa đêm, chui vào chăn, lúc bấy giờ tôi mới ngủ được.

 Câu chuyện nhỏ làm tôi nhớ mãi. Nỗi buồn bã, thê lương của những người cơ nhỡ vẫn cứ theo cả vào trong tiếng đàn của tôi.

 PV: Vào dịp Tết, ông và cây đàn violon nghỉ ngơi thế nào?

 Nghệ sĩ Khắc Huề: Dù rất bận rộn nhưng tôi vẫn dành cho mình những ngày nghỉ ngơi trong dịp Tết cổ truyền. Tuy vậy, cũng có những năm công việc cuốn mình đi, tôi làm việc say sưa đến mức quên cả không khí Tết đang thấm đẫm quanh mình. Thường thì những ngày Tết, tôi hay tụ họp, uống rượu cùng những anh em, bạn bè “thèm” nghe violon của tôi.

 Nhà tôi chỉ rộng có 50m2, nhưng tôi dành riêng 20m2 để làm vườn. Ngày Tết, kể cả những đêm giao thừa, anh em văn nghệ, chủ yếu là những người độc thân buồn vì phải đón năm mới một mình, lại tụ họp nhau trong mảnh vườn nhà tôi. Họ gom củi đốt một đống lửa lớn, ngồi xung quanh nướng khoai, nướng sắn và nghe tiếng violon đầy tâm trạng của tôi. Những buổi tối như thế đã giúp tôi nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sỹ, để cân bằng lại với những công việc xã hội mà mình đang phải gánh vác.

 PV: Hà Nội năm nay kỷ niệm Đại lễ tròn 1.000 năm tuổi, ông sẽ “chỉ đạo” những gì cho Câu lạc bộ Khúc hát trữ tình để “thời sự hóa” chương trình ca nhạc của mình? Ông có ấp ủ gì cho mình và cho những học trò của mình?

 Nghệ sĩ Khắc Huề: Có chứ! Chúng tôi sẽ chuẩn bị những bài hát về Hà Nội để biểu diễn trong những ngày cả Hà Nội đang tưng bừng khí thế. Mảng ca khúc về Hà Nội thì vô cùng phong phú và chất lượng. Tôi thấy bài nào cũng hay, cũng xúc động. Người nghe chắc chắn sẽ thấy dễ chịu. Tôi yêu trẻ em và yêu âm nhạc. Năm mới, tôi chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để có thể đưa tiếng đàn violon một cách mạnh mẽ và rộng rãi hơn nữa. Tôi mong sao trẻ con Hà Nội ngày càng chơi violon nhiều hơn cả organ.

 PV: Xin cám ơn ông. Xin chúc cho tiếng đàn thầy giáo Khắc Huề ngày càng bay cao, bay xa!

  • Tags: