Giá bán đường trung bình cả năm nay ước tăng 40%
Mảng đường của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn UPCoM) trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ giá đường dự kiến vẫn neo ở mức cao khi nguồn cung đường toàn cầu bị siết chặt.
Cụ thể, trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, Ấn Độ đang xem xét việc cấm xuất khẩu đường niên vụ 2023/2024 để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Với vị thế là một trong những nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng đường xuất khẩu, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu đường có thể gây ảnh hưởng lớn nguồn cung đường toàn cầu trong thời gian tới.
Thêm vào đó, việc giá năng lượng tăng cao trở lại trong giai đoạn vừa qua cũng đặt ra mối lo ngại về nguồn cung đường khi các nước xuất khẩu sẽ có xu hướng tăng tỷ trọng mía dành cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol thay vì sản xuất đường. Điều này có thể gián tiếp khiến nguồn cung đường bị thiếu hụt trong thời gian tới.
Trước nguy cơ nguồn cung đường toàn cầu suy giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm khi các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bước vào mùa sản xuất cao điểm phục vụ các dịp lễ hội, nhiều tổ chức tài chính nhận định giá đường thế giới sẽ tiếp tục neo ở mức cao như hiện nay, kéo theo đó là sự tăng giá của giá đường tại Việt Nam, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp mía đường.
Theo đánh giá mới đây của ABS Research, với các điều kiện thị trường hiện tại, giá bán đường bình quân cả năm nay của Đường Quảng Ngãi có thể đạt 21.200 đồng/kg, tăng 40% so với năm 2022, và sản lượng tiêu thụ đường ước tăng 85% so với năm 2022. Theo đó, dự phóng doanh thu và lãi ròng cả năm nay của Đường Quảng Ngãi lần lượt là 11.821 tỷ đồng và 2.067 tỷ đồng, lần lượt tăng 43% và tăng 61% so với năm 2022.
Luỹ kế nửa đầu năm nay, Đường Quảng Ngãi ghi nhận doanh thu 5.282 tỷ đồng và lãi ròng 1.029 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và tăng 90% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhờ mảng đường tăng trưởng mạnh mẽ. Qua đó, hoàn thành 63% mục tiêu doanh thu và 102% mục tiêu lợi nhuận đặt ra từ đầu năm. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp nửa đầu năm nay của doanh nghiệp này đạt tới 30,2%, tăng 180 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Lợi thế từ dòng tiền dồi dào và hưởng lợi chính sách
Trong bối cảnh giá đường thuận lợi, Đường Quảng Ngãi đang tích cực đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu mía với kế hoạch mở rộng vùng Đông Gia Lai nhằm nâng diện tích mía toàn vùng lên mức từ 30.000ha – 40.000 ha trong năm nay, tăng 54% so với năm 2022. Qua đó, đảm bảo cung ứng nguyên liệu mía với công suất ép 18.000 tấn mía/ngày.
Tính tới cuối quý 2/2023, Đường Quảng Ngãi sở hữu 5.504 tỷ đồng bao gồm cả tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm tới 46,5% cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này. Ngoài ra, Đường Quảng Ngãi sở hữu dòng tiền khá khỏe với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn dương trong nhiều năm.
Với thế mạnh sở hữu nguồn tiền dồi dào như vậy, Đường Quảng Ngãi có khả năng chủ động cao trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh để tận dụng giá đường ở mức cao như: mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao công suất nhà máy…
Ngoài ra, theo đánh giá của các tổ chức tài chính, với vị thế là doanh nghiệp sản xuất đường lớn thứ hai toàn ngành, Đường Quảng Ngãi đang hưởng lợi tích cực từ chính sách phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương đối với các sản phẩm đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan hoặc sử dụng nguyên liệu từ Thái Lan đối với đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, và Myanmar. Các chính sách này có hiệu lực đến giữa năm 2026 do đó Đường Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 16/10, giá cổ phiếu QNS đạt 49.000 đồng/cổ phiếu, tăng 49% so với thời điểm đầu năm nay.