Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 12/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng 1,22% lên 6,23 USD/giạ (25,4 kg/giạ), xác lập phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp.
Giá lúa mì giao tháng 9/2022 cũng tăng 2,97% lên 7,53 USD/giạ (25,4 kg/giạ).
Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 11/2022 gần như không biến động, giao dịch tại mức 14,04 USD/giạ (27,2 kg/giạ).
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết hoạt động xuất khẩu ngô và đậu tương của Brazil trong 2 tuần đầu của tháng 8 đang có dấu hiệu giảm tốc. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu ngũ cốc của Liên minh châu Âu đang gia tăng đáng kể khi châu Âu trải qua đợt hạn hán khốc liệt nhất 500 năm trở lại đây. Tình trạng nắng nóng cực đoan cũng đang xảy ra tại Trung Quốc, khiến nhiều khu vực của sông Dương Tử - con sông dài nhất nước này khô cạn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như hoạt động vận chuyển hàng hoá qua đường thuỷ tại nhiều khu vực của nước này.
Đối với mặt hàng ngô, hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho biết Trung Quốc đang tăng tốc đàm phán về việc nhập khẩu ngô từ Brazil. Mặc dù Trung Quốc đã nhập khẩu mạnh đậu tương nhưng nước này chưa bao giờ nhập khẩu ngô từ Brazil - quốc gia xuất khẩu ngô và đậu tương hàng đầu thế giới.
Chuyên gia phân tích Vlamir Brandalizze từ hãng tư vấn thị trường Brandalizze Consulting (Brazil) dự báo hoạt động xuất khẩu ngô từ Brazil của Trung Quốc có thể bắt đầu từ tháng 10 tới đây khi Trung Quốc đang phải tăng cường nhập khẩu để lấp đầy các kho dự trữ. Dự kiến Trung Quốc có thể nhập khẩu từ 25 đến 30 triệu tấn ngô từ Brazil trong năm 2023, theo ông Vlamir Brandalizze.
Tại Hoa Kỳ, dữ liệu chính thức cho thấy sản lượng ethanol của nước này trong tuần trước chỉ đạt 0,983 triệu thùng/ngày. Đây là lần đầu tiên mức sản lượng này giảm xuống dưới ngưỡng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5 vừa qua. Mức sản lượng này tương ứng với việc sử dụng 2,53 triệu tấn ngô, giảm so với mức 2,63 triệu tấn ngô được tiêu thụ trong tuần trước đó.
Lượng ethanol tồn kho tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 190.000 thùng lên 23,4 triệu thùng. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 24.000 thùng được giới phân tích đưa ra trước đó. Dữ liệu của Đại học Iowa (Hoa Kỳ) cho thấy biên lợi nhuận của việc sản xuất ethanol tại vùng Trung Tây Hoa Kỳ đã giảm 30%, giá bán ethanol cũng giảm nhẹ hơn 2% trong tuần trước.
Đối với mặt hàng đậu tương, Trung tâm Thông tin Dầu ăn và Ngũ cốc Trung Quốc (CNGOIC) đã không công bố mức sản lượng nghiền ép đậu tương trong tuần trước của Trung Quốc. CNGOIC cho biết tồn kho đậu tương của nước này đã tăng thêm 80.000 tấn lên 5,6 triệu tấn trong bối cảnh hoạt động của các nhà máy chế biến dầu lớn diễn ra chậm lại.
Trong khi đó, lượng tồn kho đậu tương tại Trung Quốc trong tuần trước đã ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp, xuống còn 800.000 tấn do các doanh nghiệp chăn nuôi tại nước này tăng tốc tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc không ghi nhận được đơn hàng nào thành công trong buổi đấu giá 501.100 tấn đậu tương từ kho dự trữ quốc gia tổ chức vào ngày 19/8 vừa qua. Đây cũng là phiên đấu thứ ba mà không có bất kỳ đơn hàng nào được thực hiện thành công. Trung Quốc đã bán được tổng cộng 2,5 triệu tấn đậu tương từ kho dự trữ quốc gia qua 22 phiên đấu giá kể từ đầu năm đến nay, với tỷ lệ giao dịch thành công là 23%.
Tại Brazil, Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết hoạt động xuất khẩu đậu tương của nước này đang có dấu hiệu giảm tốc. Cụ thể, xuất khẩu đậu tương trong nửa đầu tháng 8 của Brazil chỉ đạt 3 triệu tấn. Trong tháng 8/2021, quốc gia này xuất khẩu được 6,4 triệu tấn đậu tương. Hiệp hội các nhà xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo Brazil sẽ xuất khẩu được 4,8 – 5,7 triệu tấn đậu tương trong tháng này, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại khu vực Liên minh châu Âu (EU), lượng đậu tương được EU nhập khẩu trong tuần trước đạt 194.536 tấn, tăng gấp đôi so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, luỹ kế từ đầu niên vụ hiện tại, EU mới nhập khẩu 1,57 triệu tấn đậu tương, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.
Đối với mặt hàng lúa mì, dữ liệu của Uỷ ban châu Âu cho thấy EU đã xuất khẩu được 320.720 tấn lúa mì trong tuần kết thúc vào ngày 15/8. Luỹ kế xuất khẩu lúa mì từ đầu niên vụ đến này của EU đạt 3,58 triệu tấn, tăng mạnh 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tuần trước, Pháp là quốc gia xuất khẩu lúa mì nhiều nhất khối EU, theo sau là Đức và Croatia. Morocco tiếp tục là thị trường nhập khẩu lúa mì lớn nhất của EU, tiếp theo là Algeria và Ai Cập.
Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.
- Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
- Website: https://saigonfutures.com
- Hotline: 0903.352.961