Giá dầu thô 19/5: Giảm trở lại, lo ngại các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tăng lãi suất và đồng USD lên giá

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 19/5, giá dầu thô thế giới giảm nhẹ trở lại khi thị trường lo ngại các ngân hàng trung ương lớn có thể tiếp tục tăng lãi suất và đồng USD tăng giá.
Giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 75,93 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 71,88 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô giảm khoảng 1,4% khi chịu sự chi phối từ nhiều luồng thông tin trái ngược nhau.

Trong đó, giá dầu thô đang được nâng đỡ nhờ các diễn biến tích cực xung quanh vấn đề trần nợ công của Hoa Kỳ. Nhưng việc đồng USD tăng giá và một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phát tín hiệu có thể tiếp tục tăng lãi suất đã kìm hãm giá dầu thô.

Cụ thể, trong ngày 17/5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hoà và các lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ để tìm giải pháp cho vấn đề trần nợ công. Ông Joe Biden và ông Kevin McCarthy đều nhấn mạnh mục tiêu sớm đạt được thoả thuận nâng trần nợ công của Hoa Kỳ và đã đồng ý sẽ tiếp tục trao đổi sau Chủ nhật tuần này (ngày 21/5).

Nếu Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà không đạt được thoả thuận nâng trần nợ công thì Hoa Kỳ sẽ chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ vào ngày 1/6 tới đây. Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo việc Hoa Kỳ vỡ nợ có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu. Do đó, bất kỳ động thái tích cực nào liên quan đến vấn đề trần nợ công sẽ giúp cải thiện tâm lý thị trường.  

Tuy nhiên, giá dầu thô đang chịu áp lực giảm trong bối cảnh đồng USD tăng giá trở lại sau khi Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước thấp hơn dự báo. Dữ liệu này củng cố khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể “hạ cánh mềm”, nhưng đồng thời làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ hạ lãi suất trong năm nay.

Điều này tác động đến thị trường dầu thô theo hai hướng, một mặt giúp giới đầu tư bớt lo về sức khoẻ kinh tế Hoa Kỳ, nhưng lại lo nhiều hơn về lãi suất cao; và hiện sự lo ngại đang lấn át.

Việc FED ít khả năng sớm hạ lãi suất đã đẩy chỉ số US Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, tăng lên, chạm mức cao nhất kể từ ngày 17/3. Điều này khiến các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Đồng thời, với kinh tế còn vững, FED có thể phải tiếp tục tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%, và điều này sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô.

Ngoài ra, một số ngân hàng trung ương lớn khác trên thế như Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa phát đi tín hiệu cho thấy có thể tiếp tục tăng lãi suất nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% trong trung hạn cho dù chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ lần này gần như đã hoàn thành.

Tường Vy