Vừa qua, khi phát biểu tại Hội nghị toàn cầu 2023 của Viện Milken (Hoa Kỳ), Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định đồng USD đang dần mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Bà Kristalina Georgieva cho biết “Đã có sự dịch chuyển dần dần khỏi đồng USD. Đồng USD từng chiếm 70% dự trữ, giờ chỉ còn dưới 60% một chút.”
Dữ liệu của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), giao dịch thanh toán quốc tế bằng đồng USD hoặc dựa trên đồng USD đã giảm trong suốt 1 thập kỷ qua từ 51,3% từ năm 2013 xuống chỉ còn hơn 40% trong tháng 1/2023.
Tuy nhiên, bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh rằng đồng USD sẽ không bị “soán ngôi” trong tương lai gần bởi không có bất kỳ sự thay thế khả thi nào ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần. Người đứng đầu IMF nhận định đồng Euro có thể được coi là là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với đồng USD, trong khi đồng bảng Anh, đồng Yên Nhật và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc “đóng một vai trò rất khiêm tốn”.
Theo bà Kristalina Georgieva, yếu tố hàng đầu để tạo được sự tin tưởng vào đồng tiền của một quốc gia là sức mạnh của nền kinh tế và độ sâu của thị trường vốn tại quốc gia đấy.
Trong nhiều thập kỷ qua, đồng USD đã thống trị hoạt động thương mại và chi phối dòng vốn trên toàn cầu. Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển khi nhiều nước đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch thương mại trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất với cường độ mạnh chưa từng có tiền lệ để chống lạm phát, khiến đồng USD tăng giá mạnh đối với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới.
Theo kết quả thăm dò mới nhất của hãng tin Reuters đối với 90 chiến lược gia ngoại hối hàng đầu thế giới, giới đầu tư nhận định đồng USD sẽ suy yếu so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới trong năm nay, chủ yếu do chênh lệch lãi suất của các nước đối với Hoa Kỳ không còn quá rộng. Diễn biến này sẽ kìm hãm đà tăng giá kéo dài nhiều năm liên tiếp của đồng USD.
Thêm vào đó, vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế của đồng USD đang ngày càng bị nhiều chuyên gia kinh tế, chính trị nghi ngờ trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đến hoạt động kinh tế toàn cầu ngày càng tăng.
Với vị thế chiếm 18,3% tỷ trọng GDP toàn cầu, Trung Quốc đang tận dụng ưu thế thương mại của mình để đẩy mạnh việc đưa đồng Nhân dân tệ vào thanh toán với các đối tác thương mại lớn, từ đó thách thức vị thế của đồng USD.
Vừa qua, Brazil và Trung Quốc đã đạt được thoả thuận chấp nhận sử dụng đồng Nhân dân tệ cho thanh toán thương mại và đầu tư giữa hai nước. Argentina cũng cho biết sẽ thay thế đồng USD bằng đồng Nhân dân tệ để thanh toán nhập khẩu với Trung Quốc kể từ tháng 5/2023.
Vào giữa tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng Hoa Kỳ và Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không nên coi vị thế quốc tế của đồng USD và đồng Euro là điều hiển nhiên khi Nga và Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra cơ chế riêng.
Bà Christine Lagarde cho biết “một bản đồ toàn cầu mới” đang được vẽ ra khi một số quốc gia đang tìm đồng tiền thay thế trong thanh toán quốc tế, như tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hay đồng Rupee của Ấn Độ thay vì đồng USD và đồng Euro như thông thường hoặc thiết lập hệ thống thanh toán riêng.
Giới chức Hoa Kỳ cho đến nay vẫn phủ nhận nguy cơ đồng USD mất vị thế thống trị trên toàn cầu. Họ cho rằng vai trò này có thể còn được củng cố nhiều hơn nếu FED phát hành đồng USD kỹ thuật số. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc sử dụng các đồng tiền điện tử sẽ đi kèm các rủi ro như nạn rửa tiền.